Bình Dương: Thông tin về vụ 6 người thương vong do ngộ độc sau bữa trưa
Ngày 27/3, Sở Y tế Bình Dương cho biết, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh này đã có báo cáo kết quả điều tra bước đầu vụ việc một người dân tại Bình Dương tử vong và 5 người khác đang nguy kịch nghi do ngộ độc bởi pate chay.
Cụ thể, người bị tử vong là bà Cao Ngọc Mỹ (42 tuổi, HKTT tại TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương), với nguyên nhân bị viêm não, viêm tủy và viêm thân não.
Theo báo cáo, ngày 20/3 bà Cao Ngọc Mỹ và Cao Ngọc Hà đi chợ mua nguyên liệu để nấu bún riêu (trong đó có chả chay và pate chay) cho khoảng từ 25 đến 30 phật tử đang sinh hoạt tại miếu Chiêu Liêu (phường Chánh Nghĩa, TP. Thủ Dầu Một) ăn trưa.
Sau bữa trưa, bà Mỹ có biểu hiện cứng lưỡi, khó nuốt và nhanh chóng được chuyển đến bệnh viện cấp cứu.
Bệnh nhân ngộ độc sau bữa ăn đang cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Ảnh: tienphong.vn
Ngoài bà Mỹ, một số người khác cũng có biểu hiện tương tự và cũng được chuyển đi bệnh viện cấp cứu.
Qua điều tra, cơ quan chức năng xác định bà Mỹ và bà Hà là những người trực tiếp đi mua nguyên liệu để nấu bún riêu. Bà Mỹ đã tử vong còn bà Hà đang cấp cứu tại bệnh viện trong tình trạng nguy kịch nên chưa xác định được chính xác các nguyên liệu đã mua và mua ở đâu.
Sau khi xảy ra vụ việc, đoàn liên ngành vẫn đang tiếp tục điều tra lấy mẫu chả chay và pate chay trên thị trường, để xét nghiệm tìm độc tố vi khuẩn Clostridium Botulinum.
Đồng thời, tuyên truyền đến người dân không sử dụng sản phẩm chả chay, pate chay hết hạn sử dụng, không rõ nguyên gốc xuất xứ, không nhãn mác, hình dáng không còn nguyên vẹn.
Hiện tại, có 5 người cùng ăn trưa với bà Mỹ đang được cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Nhi đồng 2 trong tình trạng nguy kịch.
Liên quan đến vụ việc trên, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đề nghị các đơn vị, địa phương xác minh, điều tra nguyên nhân vụ việc, chỉ đạo việc truy xuất nguồn gốc, tạm dừng việc lưu thông, sử dụng sản phẩm patê nghi ngờ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Tăng cường công tác truyền thông, kiểm tra, giám sát đối với việc sản xuất, kinh doanh, bảo quản, sử dụng các thực phẩm đóng hộp (patê…), thực phẩm hun khói thực phẩm lên men yếm khí (thịt, cá ướp...).
Đồng thời, hướng dẫn việc phòng chống nguy cơ ngộ độc Botulinum do thực phẩm của các gia đình, hộ kinh doanh tự sản xuất và tiêu dùng.