Bình Dương thu hút đầu tư bằng công cụ quy hoạch và lợi thế chính sách

Thời gian qua, Bình Dương thu hút được các nhà đầu tư công nghệ cao, các dự án 'xanh' bằng các lợi thế bằng chính sách và công cụ quy hoạch bài bản nên đáp ứng tốt nhất nhu cầu của nhà đầu tư.

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương trao giấy phép đầu tư cho doanh nghiệp

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương trao giấy phép đầu tư cho doanh nghiệp

Quy hoạch mở đường thu hút đầu tư

Vào ngày 26/9, tỉnh Bình Dương chính thức công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050. Bản quy hoạch này không chỉ mở ra không gian phát triển mới cho Bình Dương, mà còn là chỉ dẫn để các nhà đầu tư đến với Bình Dương. Như lời ông Phạm Trọng Nhân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cho biết, bản quy hoạch tỉnh Bình Dương sẽ tổ chức lại không gian lãnh thổ, định hướng tổng thể phát triển và thu hút đầu tư, tạo động lực thực hiện các đột phá chiến lược trong thời gian tới dựa trên nền tảng về hạ tầng, chuyển đổi số, phát triển xanh, thông minh và bền vững.

Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng dựa trên 6 trụ cột phát triển, 5 chiến lược tích hợp và phát triển theo cấu trúc: 1 trục phát triển, 2 hành lang sinh thái, 3 vành đai liên kết, 4 trung tâm động lực và 5 phân vùng phát triển.

Trong đó, trục phát triển Bắc Nam lấy Quốc lộ 13, đường Bàu Bàng - Mỹ Phước - Tân Vạn, cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đường sắt TP.HCM - Lộc Ninh làm trục liên kết phát triển đô thị - công nghiệp - dịch vụ theo từng phân đoạn.

Bên cạnh đó, nhằm hướng tới một đô thị phát triển bền vững, Bình Dương chú trọng phát triển hai hành lang sinh thái: (gồm hành lang sinh thái phía Đông gắn với sông Đồng Nai và hành lang sinh thái phía Tây gắn với sông Sài Gòn, hồ Dầu Tiếng) phát triển dựa trên bảo vệ và phát huy các giá trị sinh thái, phát triển các cơ sở hạ tầng phục vụ vận tải đường thủy, phát triển các khu đô thị dịch vụ sinh thái, dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, khu nông nghiệp sinh thái kết hợp hỗ trợ du lịch.

Để liên kết với các địa phương trong vùng, quy hoạch sẽ phát triển các vành đai liên kết, tạo kết nối giữa các khu công nghiệp, khu đô thị, và khu vực nông thôn, nhằm phát triển đồng bộ và bền vững. Đồng thời, phát triển mở rộng không gian đô thị, chức năng và khung hạ tầng gắn với 3 vành đai (gồm: Vành đai 3; Vành đai 4; Vành đai 5 vùng TP.HCM). Mở rộng các tuyến giao thông kết nối với các địa phương lân cận để mở ra các không gian phát triển mới cho Bình Dương như đường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, Cầu Bạch Đằng 2, Cầu Tây Ninh và một số tuyến đường quan trọng khác…

Đặc biệt để thu hút đầu tư, Bình Dương sẽ hình thành 4 trung tâm động lực gồm: Trung tâm sáng tạo thành phố mới Bình Dương; HUB Dĩ An; Khu phức hợp Bàu Bàng và Trung tâm văn hóa Thủ Dầu Một.

Tỉnh cũng phân chia thành 5 phân vùng phát triển, mỗi vùng có chức năng và nhiệm vụ riêng, đảm bảo phát triển toàn diện và bền vững gồm Vùng đô thị phía Nam (thành phố Thuận An và thành phố Dĩ An); Vùng đô thị công nghiệp dịch vụ (thành phố Thủ Dầu Một, thành phố Bến Cát, thành phố Tân Uyên); Vùng đô thị Bàu Bàng; Vùng Đông Bắc (huyện Bắc Tân Uyên và huyện Phú Giáo); Vùng Tây Bắc (huyện Dầu Tiếng).

Về hạ tầng khu công nghiệp, Bình Dương hiện có 29 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp tập trung, với tổng diện tích đất hơn 13.600 ha để sẵn sàng tiếp đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Theo quy hoạch từ nay đến năm 2030, Bình Dương sẽ đầu tư thêm 10 khu công nghiệp mới với diện tích lớn để thu hút đầu tư.

Ngày 25/9, Bình Dương vừa động thổ xây dựng khu công nghiệp Cây Trường với diện tích 700 ha, tại huyện Bàu Bàng. Ông Giang Quốc Dũng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Becamex IDC cho biết, Dự án Khu công nghiệp Cây Trường hiện đã hoàn thành đầy đủ hồ sơ pháp lý, dự án đã được Chính phủ chấp thuận và đã có quy hoạch 1/500. “Khu công nghiệp này sẽ được đầu tư thành khu công nghiệp sinh thái để thu hút đầu tư các ngành công nghệ cao vào Bình Dương” ông Dũng nói.

Thu hút đầu tư bằng kiến tạo chính sách

Một trong những yếu tố quan trọng tạo nên thành công trong thu hút FDI vào Bình Dương chính là việc liên tục cải thiện môi trường đầu tư để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp đến đầu tư. Trong đó, nhà đầu tư được giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử thông qua cổng dịch vụ công và không nhận hồ sơ giấy. Thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp mới chỉ mất tối đa 2 ngày làm việc và thời gian cấp giấp phép đầu tư chỉ 15 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Tuy vậy, có nhiều dự án nộp đủ hồ sơ vẫn được cấp phép nhanh hơn.

Khi dự án gặp khó khăn, lãnh đạo tỉnh Bình Dương thành lập các tổ tháo gỡ và thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với các sở, ngành để giải quyết thấu đáo những vướng mắc của doanh nghiệp. Hàng năm, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương đều gặp gỡ đối thoại với các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Trong đó, năm 2024, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp FDI 4 thị trường gồm tiếng Anh, tiếng Hoa, tiếng Nhật và tiếng Hàn. Không chỉ lãnh đạo tỉnh đối thoại với doanh nghiệp, mà các đơn vị như thuế, hải quan, và các huyện, thành phố của tỉnh cũng thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn mình quản lý.

Nói về lý do chọn Bình Dương làm điểm đến đầu tư, ông Preben Elnef, Tổng giám đốc Lego tại Việt Nam cho biết, Bình Dương có môi trường đầu tư thông thoáng và hấp dẫn đối với các dự án đầu tư chất lượng cao và quan trọng nhất là sự hỗ trợ mạnh mẽ từ phía lãnh đạo tỉnh và các cơ quan ban ngành tỉnh Bình Dương trong việc hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Và đặc biệt là Khu công nghiệp VSIP III là khu công nghiệp sinh thái đáp ứng được điều kiện của LEGO xây dựng nhà máy trung hòa carbon.

Một yếu tố nữa nhận được sự tin tưởng của nhà đầu tư là chất lượng nguồn nhân lực tại Bình Dương ngày càng được cải thiện và đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Hiện nay, Bình Dương tăng cường gắn kết chặt chẽ 3 nhà “Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp” trong các hoạt động giáo dục nghề nghiệp gắn với thực hiện Đề án Thành phố thông minh Bình Dương. Chính vì vậy, nhiều tập đoàn lớn đã chọn Bình Dương làm điểm đến đầu tư như LEGO, Pandora, CapitaLand, Tokyu, Sembcorp … Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 4.345 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 41,8 tỷ đô la Mỹ. Với những thành quả đạt được, Bình Dương đã vươn lên đứng thứ 3 về thu hút FDI.

Song song với thu hút đầu tư nước ngoài, Bình Dương rất coi trọng đầu tư trong nước vì lãnh đạo tỉnh nhận thức sâu sắc rằng thu hút vốn đầu tư cả trong nước và nước ngoài là giải pháp tổng hòa và bền vững, là động lực đưa Bình Dương trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030 như mục tiêu đề ra trong quy hoạch thời kỳ 2021-2030. Chính vì vậy, các chính sách dành cho nhà đầu tư trong nước cũng được thực hiện bình đẳng như nhà đầu tư nước ngoài. Qua đó, nhà đầu tư trong nước ngày càng xem Bình Dương như một điểm đến đầu tư hấp dẫn trong thời gian gần đây, bằng chứng là tỷ trọng vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước đang dần đuổi kịp với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài trong tỷ trọng tổng vốn đầu tư phát triển của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 71.519 doanh nghiệp trong nước đến đầu tư với tổng vốn đăng ký là 783.000 tỷ đồng.

Với nguồn lực đầu tư như hiện nay, cùng với định hướng phát triển rõ ràng và tầm nhìn dài hạn, Bình Dương đang từng bước khẳng định vị thế của mình trong khu vực và trên thế giới. Bản quy hoạch mới và định hướng phát triển của tỉnh không chỉ nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân mà còn tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút nhân tài và các nhà đầu tư. Bình Dương chắc chắn sẽ trở thành một biểu tượng của sự phát triển bền vững, thông minh và hiện đại.

Lê Quân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/binh-duong-thu-hut-dau-tu-bang-cong-cu-quy-hoach-va-loi-the-chinh-sach-d225768.html