Bình Dương: Ùn tắc giao thông, ngập úng làm 'nóng' nghị trường
Tình trạng ùn tắc giao thông, ngập úng tại nhiều tuyến đường trọng điểm ở Bình Dương đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân thời gian qua.
Chiều 14-7, tại kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh Bình Dương khóa X, trong phiên chất vấn Giám đốc Sở Giao thông vận tải, hầu hết các ý kiến của đại biểu đều tập trung vào tình trạng ùn tắc giao thông và ngập úng cục bộ ở một số tuyến đường mỗi khi mưa lớn.
Đại biểu Hà Thúc Viên (TP Dĩ An) cho rằng hiện nay ở một số tuyến đường trọng điểm như đường Mỹ Phước - Tân Vạn, Quốc lộ 13, Huỳnh Văn Cù…, tình trạng ùn tắc giao thông đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người dân. Từ đó, đại biểu đặt câu hỏi Sở GTVT có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này.
Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Dương, thừa nhận có việc này và lý giải do áp lực hạ tầng ngày một tăng lên theo sự phát triển kinh tế - xã hội. Ngành GTVT đã liên tục đưa ra nhiều giải pháp khắc phục như phối hợp với công an tỉnh, thanh tra giao thông để khảo sát, thay thế, bổ sung các biển báo; khắc phục những hạn chế tại một số dải phân cách.
Mới đây nhất là tổ chức phân luồng giao thông theo giờ ở một số tuyến đường có mật độ phương tiện lưu thông đông đúc và phối hợp công an cử cán bộ tuần tra, điều tiết giao thông tại các giao lộ phức tạp vào giờ cao điểm. "Sở GTVT cũng đang nghiên cứu lắp đặt hệ thống camera thông minh để theo dõi, giám sát phương tiện tham gia giao thông"- ông Minh nói.
Nói về tình hình ngập úng, theo đại biểu Trần Huỳnh Hoàng Long (TP Thủ Dầu Một), hiện nay một số tuyến đường, con hẻm cứ mưa là ngập, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân nên ngành GTVT cần xử lý dứt điểm.
Ông Minh cho rằng do một số tuyến đường đã được đầu tư từ mấy chục năm về trước, thiết kế thoát nước đơn giản, giờ không theo kịp với tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, mỗi khi mưa lớn lưu lượng nước không thể thoát kịp đã dẫn đến ngập úng. Đối với đoạn ngập nặng nhất là cầu ông Bố trên quốc lộ 13 được xác định là do kênh Bình Hòa có tải lượng nước từ KDC Việt- Sing hơn 100 héc ta chảy ra khiến khu vực này bị quá tải.
Thống kê cho thấy, năm 2022 Bình Dương có 58 điểm ngập, ngoài nguyên nhân do lịch sử để lại thì việc nạo vét, khơi thông dòng chảy chưa kịp thời khiến nước mưa khó thoát nhanh. Cùng với đó là tình trạng lấn chiếm kênh rạch, bịt hố ga của một số người dân còn diễn ra vụng trộm.
Để giải quyết bài toán nan giải này, giai đoạn 2021-2030, Bình Dương dự kiến tổ chức đầu tư xây dựng hoàn thành hơn 30 dự án thoát nước từ vốn ngân sách tỉnh (bao gồm cả vốn ODA), trong đó giai đoạn 1 là 19 dự án và giai đoạn 2 là 14 dự án.
Đối với dự án cải tạo, mở rộng Quốc lộ 13 thì trong thiết kế đặc biệt chú trọng khắc phục tình trạng ngập nước, nâng khẩu độ cống thoát ngang lên để phù hợp hơn. Ngoài ra sẽ thực hiện các dự án đầu tư, cải tạo khơi thông dòng chảy…