Bình Dương: Vì sao đường Bạch đằng nối dài vừa khánh thành lại cấm xe
Sau khi khánh thành, đường Bạch Đằng nối dài (phố đi bộ ven sông Sài Gòn thuộc TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương), có chiều dài gần 1km, với mức đầu tư lên đến 650 tỷ đồng lại tiếp tục thi công.
Vừa qua, nhân dịp 2/9 công trình đường Bạch Đằng nối dài đã được khánh thành đưa vào sử dụng. Thế nhưng chỉ vài ngày sau, tuyến đường này lại treo bảng "công trình đang thi công, cấm tất cả các loại phương tiện chạy qua lại". Người dân thắc mắc, đoạn đường này đã thi công trong 5 năm, chỉ mới khánh thành được ít ngày thì nay lại tiếp tục thi công?
Phóng viên báo Kinh tế và Đô thị đã liên lạc với ông Nguyễn Điền Trung - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Thủ Dầu Một để tìm hiểu sự việc. Ông Trung cho biết, tháng 3/2022 UBND tỉnh Bình Dương đã chấp thuận gia hạn thi công đoạn đường này tới ngày 31/12/2022. Việc gia hạn là từ đề xuất của UBND TP Thủ Dầu Một, để thi công những hạng mục điều chỉnh thiết kế, bổ sung.
Cũng theo ông Trung, dịp 2/9 vừa rồi chỉ khánh chợ đêm và phố đi bộ còn tuyến đường chưa hoàn thiện, hiện đơn vị thi công đang thúc đẩy tiến độ, đảm bảo sau ngày 31/12/2022 thông xe toàn tuyến.
Được biết dự án đường Bạch đằng nối dài khởi công từ năm 2017, có tổng mức đầu tư khoảng 650 tỷ đồng, chiều dài suốt tuyến 970m, từ giao lộ Ngô Quyền - Bạch Đằng chui qua gầm cầu Phú Cường, kết thúc tại giao lộ Huỳnh Văn Cù - Nguyễn Văn Cừ. Diện tích công trình 39.959m2, trong đó diện tích công viên và lối đi bộ khoảng 15.659m2; đường một chiều mỗi bên rộng 7,5m, giải phân cách 1,5 m, hè đường một bên 4m, bên còn lại là công viên rộng 15m chạy dọc theo tuyến đường cặp sông Sài Gòn, có bến đò cùng nhiều tiểu cảnh, cây xanh, đèn trang trí và đèn chiếu sáng hiện đại.
Đoạn đường góp phần cải thiện giao thông, giảm tải đường Huỳnh Văn Cù, thúc đẩy phát triển kinh tế, chỉnh trang đô thị, cải thiện cảnh quan khu vực; là một trong những tuyến đường sông nước hữu tình, trên bến dưới thuyền đẹp nhất Bình Dương; là điểm nhấn của TP Thủ Dầu Một, điểm lui tới thường xuyên của người dân mỗi sáng sớm và chiều tối để vui chơi giải trí.