Bình Dương, Vĩnh Long nỗ lực sàng lọc, tách F0 ra khỏi cộng đồng
Bằng các chương trình xét nghiệm diện rộng, Bình Dương và Vĩnh Long đang nỗ lực tách F0 khỏi cộng đồng để sớm kiềm chế dịch COVID-19.
Hiện nay, Bình Dương và Vĩnh Long đang thực hiện các biện pháp nhằm tách F0 khỏi cộng đồng bằng các chương trình xét nghiệm diện rộng để kiềm chế dịch COVID-19.
Bình Dương: Số ca mắc mới tăng cao là do nỗ lực tách F0 khỏi cộng đồng
Qua thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, đến nay số ca mắc mới được ghi nhận trong cộng đồng tại Bình Dương vẫn rất lớn, với 1.092 ca.
Trong đó, riêng thị xã Tân Uyên ghi nhận nhiều nhất (với 972 ca), sau đó đến thành phố Thuận An và Dĩ An. Một số địa phương có số mắc tăng so với ngày hôm qua gồm: Thành phố Thủ Dầu Một, huyện Bàu Bàng, huyện Phú Giáo, thị xã Dĩ An và thị xã Tân Uyên.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương, ngày 17/8, toàn tỉnh ghi nhận 3.332 ca dương tính với SARS-CoV-2, tăng 32,1% so với ngày 16/8. Số ca mắc mới tập trung nhiều nhất ở khu phong tỏa (55,6% số ca) và qua sàng lọc cộng đồng (32,8% số ca).
Giám đốc Sở Y tế Bình Dương Nguyễn Hồng Chương cho biết, các địa phương đang tổ chức sàng lọc, tách F0 ra khỏi cộng đồng trên diện rộng trong đợt 2. Đây là lý do số ca tăng cao trong những ngày qua và dự báo, số ca F0 sẽ còn tăng thêm trong những ngày tới.
Tuy nhiên, mọi việc đang trong tầm kiểm soát. “Số ca mắc những ngày qua đều ở trong những khu vực kiểm soát, sàng lọc,” Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Hồng Chương cho biết.
Cụ thể, qua lấy mẫu xét nghiệm diện rộng đợt 2 (từ ngày 2/8 đến nay), các lực lượng lấy mẫu xét nghiệm nhanh và RT-PCR cho 346.370 người, kết quả có 8.394 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương triển khai lấy mẫu xét nghiệm theo phương thức RT-PCR cho 95.856 công nhân tại 99 công ty, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, kết quả có 226 trường hợp dương tính SARS-CoV-2.
Nhằm giảm tải áp lực cho các khu điều trị tập trung, tăng thêm chỗ để tiếp nhận thu dung, điều trị cho F0 mới, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương yêu cầu Sở Y tế phối hợp với Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan, khẩn trương rà soát, triển khai đồng bộ, nhất quán các biện pháp để thực hiện ngay việc cách ly, theo dõi, giám sát y tế tại nhà với các F0 đủ điều kiện xuất viện và F0 đủ tiêu chuẩn (không cần thiết đưa vào cơ sở y tế) theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Công văn số 3925/UBND-VX ngày 12/8.
Qua đó, tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng F0 (không có triệu chứng lâm sàng) là công nhân, người lao động đang thuê trọ được thực hiện cách ly, theo dõi y tế tại nơi cư trú.
Để tránh tình trạng một số chủ nhà trọ không muốn tiếp nhận các F0, F1 sau khi điều trị, cách ly trở lại nhà trọ của mình để tiếp tục theo dõi, giám sát y tế, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương tăng cường tuyên truyền vận động, hướng dẫn, yêu cầu các chủ nhà trọ (nơi lưu trú của F0, F1 được xuất viện hoặc được phát hiện) phối hợp, tiếp nhận, tạo điều kiện cho các đối tượng F0, F1 đủ điều kiện thực hiện cách ly, theo dõi và giám sát y tế tại nơi cư trú theo đúng quy định.
Đối với trường hợp F0, F1 đang ở chung với nhiều người trong cùng phòng trọ, chính quyền phối hợp với chủ nhà trọ hỗ trợ bố trí một chỗ riêng biệt để thực hiện cách ly y tế đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch.
Tính từ đợt dịch thứ 4 đến nay, tỉnh Bình Dương ghi nhận 49.833 ca mắc COVID-19; trong đó gần 14.000 người đã khỏi bệnh, xuất viện và 402 ca tử vong.
Vĩnh Long tập trung xét nghiệm diện rộng để sớm tách F0 ra khỏi cộng đồng
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Vĩnh Long, trong 14 ngày gần đây trung bình tỉnh ghi nhận 58 trường hợp mắc mới mỗi ngày.
Vĩnh Long đã có 7/8 huyện, thị xã, thành phố có ca mắc COVID-19, đang ở nguy cơ rất cao, chỉ còn huyện Vũng Liêm đang ở mức nguy cơ cao.
Để nhanh chóng tầm soát các trường hợp có nguy cơ, từ ngày 13/8, Vĩnh Long đã triển khai chiến lược xét nghiệm SARS-CoV-2 diện rộng quy mô toàn tỉnh.
Tùy mức độ tình hình dịch trên địa bàn mà các địa phương sẽ phân loại nhóm đối tượng được lấy mẫu, tiến hành phương pháp xét nghiệm PCR hoặc tets nhanh, lấy mẫu ngẫu nhiên hoặc toàn bộ dân cư… nhằm đảm bảo sàng lọc kịp thời, chính xác, nỗ lực không bỏ sót các trường hợp có nguy cơ mắc COVID-19 trong cộng đồng. Dự kiến, cả tỉnh lấy trên 388.000 mẫu xét nghiệm.
Đối với các xã, phường có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, các địa phương tổ chức xét nghiệm toàn bộ cộng đồng 3 lần, cách nhau 3 ngày/lần để đưa F0 đi điều trị; đồng thời quản lý, cách ly F1, từng bước tháo bỏ phong tỏa và giảm mức độ giãn cách xã hội. Đối với nơi có nguy cơ, các địa phương tổ chức xét nghiệm sàng lọc đại diện hộ gia đình.
Riêng với vùng bình thường mới, xét nghiệm sàng lọc 5% dân số cho các đối tượng có nguy cơ cao tại đây. Qua kết quả xét nghiệm, nhằm phát hiện các F0, F1 để cách ly và điều trị, tiến tới loại bỏ các chùm ca bệnh khỏi cộng đồng.
Tỉnh Vĩnh Long đặt mục tiêu đến ngày 20/8 sẽ hoàn thành xét nghiệm nhanh tầm soát 100% dân cư các xã, phường, thị trấn; đến ngày 25/8, các địa phương hoàn tất việc xét nghiệm sàng lọc lần cuối để phát hiện và “tách” toàn bộ F0 ra khỏi cộng đồng.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long Hồ Thị Thu Hằng, kết quả xét nghiệm sàng lọc sẽ giúp các địa phương phân loại hộ gia đình để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch trong giai đoạn tiếp theo.
Theo đó, những gia đình có nguy cơ sẽ cắm cờ đỏ ở cửa, gia đình không có nguy cơ cắm cờ xanh, gia đình cần hỗ trợ cắm cờ trắng. Qua phân loại, địa phương có biện pháp, lộ trình cụ thể để chuyển “vùng cam” thành “vùng vàng,” “vùng vàng” thành “vùng xanh” và khoanh chặt, thu hẹp “vùng đỏ," đồng thời tăng cường bảo vệ, giữ vững các "vùng xanh" đã được thiết lập.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh cho biết, qua 4 ngày thực hiện xét nghiệm diện rộng, toàn tỉnh đã phát hiện và “tách” gần 120 trường hợp F0 ra khỏi cộng đồng.
Chiến lược xét nghiệm diện rộng bước đầu đã giúp các địa phương đánh giá, phân loại cụ thể từng khu vực theo mức độ nguy cơ, tranh thủ nguồn lực và thời gian giãn cách để khoanh vùng, triển khai các biện pháp dập dịch./.