Bình Dương: Xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc
Đại diện Cục Công Thương địa phương đề nghị, Bình Dương luôn phải quán triệt tư tưởng 'Xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc'.
Ngày 6/12, Đoàn công tác của Cục Công Thương địa phương - Cơ quan thường trực Chương trình quốc gia về nông thôn mới của Bộ Công Thương đã có buổi làm việc tại tỉnh Bình Dương.
Nội dung của buổi làm việc liên quan đến tình hình triển khai thực hiện, quy trình xét công nhận xã đạt chuẩn các tiêu chí, chỉ tiêu nông thôn mới thuộc lĩnh vực Bộ Công Thương phụ trách (tiêu chí Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, tiêu chí điện, chỉ tiêu cụm công nghiệp, chỉ tiêu chợ trung tâm huyện đạt tiêu chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm, chỉ tiêu chợ đạt tiêu chuẩn chợ hạng 2, hoặc trung tâm thương mại đạt chuẩn theo quy định); công tác xây dựng các mô hình tiên tiến, cách làm hay để phổ biến nhân rộng cũng như nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện; phương hướng, giải pháp thực hiện năm 2024, năm 2025.
Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, tính đến thời điểm này đã có 41/41 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ 100%. Có 29/41 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt 70,73%. Đến nay, chưa có xã nào được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, phấn đấu đến cuối năm 2024 tỉnh sẽ có từ 1-2 xã nông thôn mới thông minh, xã thương mại điện tử.
Cũng trên địa bàn tỉnh hiện có 3/6 huyện công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, còn 3 huyện Phú Giáo, Bắc Tân Uyên, Bàu Bàng đã trình hồ sơ nhưng chưa được quy hoạch vùng huyện nên chưa được công nhận.
Đối với các tiêu chí, chỉ tiêu trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới các cấp do Bộ Công Thương được giao phụ trách, tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh hệ thống lưới điện phủ kín các khu vực nông thôn, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện, đang vận hành an toàn cung cấp đủ sản lượng điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Hiện nay, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99,98%.
Trên địa bàn tỉnh, 41/41 xã đạt tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, trong đó có 32/41 xã có chợ nông thôn được xây dựng; các xã chưa xây dựng chợ theo quy hoạch, hoạt động thương mại của người dân địa phương tại các xã này được đảm bảo, thông qua hệ thống cửa hàng bán lẻ trên địa bàn và các chợ xã giáp ranh.
Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện có 9 cụm công nghiệp với tổng diện tích 592,7 ha. Tỷ lệ lấp đầy bình quân của các cụm công nghiệp đi vào hoạt động khoảng 66,6%, thu hút khoảng 100 dự án đầu tư thứ cấp, các cụm công nghiệp này đã tạo việc làm ổn định cho khoảng 25.000 lao động.
Về kết quả công tác huy động nguồn vốn, triển khai thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu do Bộ Công Thương được giao phụ trách, tính đến nay, tổng vốn thực hiện Chương trình năm 2021-2023 là hơn 6.408 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách chiếm 49,02%, vốn tín dụng chiếm 30,52%, vốn doanh nghiệp chiếm 12,9%, vốn dân đóng góp chiếm 7,28%, vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác chiếm tỷ lệ 0,28%.
Theo kế hoạch của tỉnh Bình Dương, phấn đấu đến năm 2025, tỉnh sẽ có tất cả các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 100% huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Còn đối với các huyện, thị xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, phải rà soát tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng các tiêu chí để đáp ứng đầy đủ mức hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới theo yêu cầu Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025.
Ngoài ra, phấn đấu hoàn thành việc xây dựng thí điểm “Làng thông minh” trên địa bàn xã Bạch Đằng, thị xã Tân Uyên, tổng kết rút kinh nghiệm và nhân rộng đối với các xã còn lại, phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương.
Cũng trong buổi làm việc, đại diện Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cho biết, thời gian qua Sở đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong tỉnh hoàn thành tiêu chí về điện nông thôn và tiêu chí về cơ sở hạ tầng thương mại thuộc lĩnh vực của ngành Công Thương, qua đó góp phần nâng cao đời sống cho người dân, thay đổi diện mạo khu vực nông thôn.
Trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Sở Công Thương tỉnh Bình Dương còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Việc đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện tại các khu vực vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn do địa hình phức tạp, dân cư phân tán, suất đầu tư lớn, bán kính cấp điện của các trạm biến áp phân phối lớn. Những khó khăn về việc đa số các chợ nông thôn họp theo phiên nên các cơ sở kinh doanh trong chợ không ổn định; cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật của các chợ xuống cấp, không đồng bộ, diện tích xây dựng nhỏ không còn phù hợp, lối đi hẹp không đủ đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân.
Cũng trong buổi làm việc, Sở Công Thương tỉnh Bình Dương kiến nghị Bộ Công Thương sớm ban hành Nghị định mới về phát triển và quản lý chợ để thay thế Nghị định 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003.
Theo đó, Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ và thay thế Quyết định số 1371/2004/QĐ-BTM ngày 24/9/2004 của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) về việc ban hành quy chế siêu thị, trung tâm thương mại.
Kết luận tại buổi làm việc, bà Đỗ Thị Minh Trâm, Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương yêu cầu, Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cần tập trung chỉ đạo duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với các xã, huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu, phấn đấu hoàn thành mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Ngoài ra, cần tiếp tục phát động, nâng cao và đa dạng hóa các loại hình tuyên truyền, nâng cao nhận thức để cán bộ, đảng viên và người dân hiểu đầy đủ bản chất nhân văn của xây dựng nông thôn mới, luôn phải quán triệt tư tưởng “Xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”.
Đối với các tiêu chí liên quan đến Bộ Công Thương được giao, về tiêu chí điện, cần đánh giá đầy đủ và có so sánh việc đầu tư phát triển lưới điện trong nông thôn vì lĩnh vực này luôn luôn biến đổi, suất đầu tư lớn. Qua đó, phối hợp, bám sát chặt chẽ với ngành điện (Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Điện lực miền Nam) xác định được các phụ tải để phát triển hệ thống lưới điện nông thôn đảm bảo an toàn, mỹ quan.
Còn với tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, cần phải cân nhắc, xem xét, huy động nguồn lực xây dựng chợ nông thôn theo mô hình chợ thí điểm đảm bảo an toàn thực phẩm theo hướng dẫn của Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương. Lưu ý, ưu tiên hình thức quản lý theo mô hình doanh nghiệp, khi có đủ nguồn lực mới triển khai đầu tư, không chạy theo thành tích.
Trong chương trình làm việc, Đoàn kiểm tra còn đi kiểm tra thực tế tại một số cơ sở, cụm công nghiêp, chợ nông thôn và hệ thống hạ tầng điện trên địa bàn xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng.