Bình Gia: Hiệu quả từ ứng dụng kỹ thuật chăm sóc cây hồi

Hồi từ lâu là cây trồng giúp người dân huyện Bình Gia phát triển kinh tế. Tuy nhiên, người dân chủ yếu trồng và chăm sóc theo phương thức truyền thống nên năng suất thấp, sản lượng hồi không ổn định. Vì vậy, những năm qua, phòng chuyên môn huyện đã thực hiện triển khai mô hình ứng dụng một số giải pháp kỹ thuật để khôi phục và phát triển cây hồi nhằm nâng cao năng suất chất lượng hoa hồi.

Người dân xã Quang Trung, huyện Bình Gia kiểm tra sâu bệnh trên cây hồi

Người dân xã Quang Trung, huyện Bình Gia kiểm tra sâu bệnh trên cây hồi

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện (NN&PTNT) Bình Gia, tổng diện tích hồi toàn huyện là 8.749 ha, tập trung tại các xã: Quang Trung, Hoàng Văn Thụ, Minh Khai, Hồng Thái, Hồng Phong, Tân Văn và thị trấn Bình Gia. Tuy nhiên, sản lượng hồi các năm không ổn định do người dân chủ yếu áp dụng trồng theo phương thức truyền thống. Trước thực trạng đó, năm 2020, Phòng NN&PTNT huyện đã phối hợp với Viện Bảo vệ thực vật Trung ương triển khai thí điểm ứng dụng một số giải pháp kỹ thuật để khôi phục và phát triển cây hồi, tổng diện tích 4 ha với 5 hộ tham gia.

Bà Hoàng Thị Anh, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Thực hiện mô hình này, chúng tôi hướng dẫn người dân thực hiện một số biện pháp kỹ thuật như khoanh gốc, bón phân vi sinh hữu cơ để cải tạo đất và bổ sung dinh dưỡng cho cây, phun chế phẩm sinh học Bio nhằm bổ sung nguyên tố vi lượng giữ hoa đậu quả và thuốc phòng bệnh chống rụng lá.

Kết quả, sau 3 năm thực hiện mô hình, các cây hồi được bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật phát triển tốt, hoa hồi trên các cây hầu như không rụng và sai hơn so với các cây không thực hiện đã góp phần tăng năng suất hồi. Cụ thể, hồi vụ mùa đạt 4 tấn/ha (năm 2022), tăng 2,8 tấn/ha so với hồi chăm sóc theo hướng truyền thống, hồi tứ quý đạt 1,5 tấn/ha (năm 2022), tăng 1,3 tấn/ha so với hồi tứ quý ngoài mô hình.

Là một trong những hộ tham gia mô hình, ông Nông Ngọc Hậu, thôn Còn Tâử, xã Tân Văn cho biết: Năm 1994, gia đình tôi trồng 2 ha hồi. Thời điểm đó, tôi trồng và chăm sóc theo phương pháp truyền thống nên hồi hay bị bệnh thán thư, rụng lá và không đậu quả. Đến năm 2020, theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn, tôi đã bón phân vi sinh và phun chế phẩm sinh học Bio. Sau khi thực hiện các kỹ thuật này, vụ hồi nào cũng cho năng suất tốt, thu nhập đạt trên 80 triệu đồng/năm (tăng gấp 3 lần so với khi chưa áp dụng kỹ thuật).

Sau khi thực hiện thí điểm mô hình hiệu quả, Phòng NN&PTNT huyện tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn UBND các xã, thị trấn mở rộng mô hình ứng dụng một số giải pháp kỹ thuật để khôi phục và phát triển cây hồi. Đơn cử, năm 2022, từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp, phòng đã thực hiện hỗ trợ mở rộng mô hình tại các xã Minh Khai, Thiện Thuật, thị trấn Bình Gia với 15 ha, tổng kinh phí 310 triệu đồng (trong đó, người dân đối ứng 174 triệu đồng).

Bên cạnh đó, Phòng NN&PTNT huyện đã tổ chức tập huấn cho cán bộ kỹ thuật và hộ dân tham gia mô hình các biện pháp chăm sóc như: khoanh gốc bón phân, cách nhận biết, phân biệt bệnh thán thư và các loài sâu bệnh hại trên cây hồi và cách sử dụng thuốc phòng bệnh đúng cách, hiệu quả. Đến nay, toàn huyện đã áp dụng kỹ thuật trên 25 ha tại các xã: Thiện Thuật, Hoàng Văn Thụ, thị trấn Bình Gia… Hiện, toàn bộ diện tích hồi được áp dụng kỹ thuật đang phát triển tốt, năng suất ổn định.

Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bình Gia cho biết thêm: Việc ứng dụng một số kỹ thuật khôi phục và phát triển cây hồi mục đích nhằm phát triển vùng hồi ổn định, lâu dài, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng đến xuất khẩu, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn. Qua một thời gian triển khai, mô hình đã đem lại hiệu quả tốt. Trong năm 2023, chúng tôi tiếp tục hỗ trợ thực hiện mô hình tại các xã: Hồng Thái, Quang Trung với 15 ha nhằm góp phần mang lại thu nhập bền vững cho người dân trồng hồi.

CÁT TIÊN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/khoa-hoc-tin-hoc/608753-binh-gia-hieu-qua-tu-ung-dung-ky-thuat-cham-soc-cay-hoi.html