Bình Giang: Ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước phục vụ sản xuất
Nguồn nước phục vụ sản xuất của huyện Bình Giang phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống Bắc Hưng Hải, trong khi nước trên hệ thống này đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Các xã, thị trấn của huyện đang rất lo lắng về chất lượng nước, nhất là trong giai đoạn đổ ải phục vụ sản xuất vụ chiêm xuân tới.
Ứ đọng chất thải
Lòng kênh chật kín bèo, nước đen kịt, nổi váng và bốc mùi hôi thối là tình trạng đang diễn ra từ nhiều ngày nay ở ngay đầu bể hút của trạm bơm My Cầu 2, xã Tân Hồng. Cách đó không xa là trạm bơm My Cầu 1 dù nước bớt đen hơn nhưng cũng sặc mùi hôi thối và không thể bơm phục vụ sản xuất. Cả 2 trạm bơm này do HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Phong, xã Tân Hồng quản lý và có nhiệm vụ tưới cho hơn 145 ha lúa của xã. Ông Phạm Văn Ấm, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Phong khẳng định nguồn nước bị ô nhiễm do nước thải sinh hoạt, chăn nuôi và nước từ cụm công nghiệp Tân Hồng xả trực tiếp xuống kênh dẫn ra trạm bơm. Nếu dùng nguồn nước này để sản xuất, chắc chắn năng suất lúa sẽ giảm mạnh.
Cuối tháng 12.2019, cống lấy nước trạm bơm Cầu Sộp A (Vĩnh Tuy) buộc phải ngừng lấy nước từ sông Tây Kẻ Sặt bởi nguồn nước đen kịt, nổi váng và bốc mùi hôi thối. Đây là tình trạng thường xuyện diễn ra ở khu vực này. Hiện nguồn nước đã bớt đen do được pha loãng, nhưng chất lượng nước chưa được cải thiện nhiều. Sông này có nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho khoảng 35% diện tích đất canh tác của huyện Bình Giang qua 2 cống lấy nước trạm bơm Cầu Sộp A và cống Hà Chợ (xã Thái Dương). Theo anh Vũ Huy Minh, cán bộ kỹ thuật của Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) huyện Bình Giang, nguyên nhân do sông Tây Kẻ Sặt phải tiếp nhận nguồn nước thải từ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở các tỉnh khác đổ về và một phần nước thải của một số cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, nước thải sinh hoạt qua các cống dân sinh trong huyện.
Anh Bùi Minh Hoàn, Phó Trưởng Phòng Điều hành hệ thống (Công ty TNHH một thành viên KTCTTL Bắc Hưng Hải) cho biết: "Để đủ nước phục vụ đổ ải vụ chiêm xuân, công ty sẽ lấy nước ở thượng nguồn qua cống Xuân Quan (Hà Nội) và lấy nước ngược từ hạ lưu qua cống Cầu Xe, An Thổ (Tứ Kỳ). Huyện Bình Giang nằm ở giữa của hệ thống Bắc Hưng Hải nên toàn bộ chất thải, nguồn nước ô nhiễm sẽ bị dồn và ứ đọng, không thể chảy đi nơi khác. Do vậy, nước ở đây ô nhiễm nhất trong toàn hệ thống Bắc Hưng Hải".
Chủ động tích nước
Ông Ấm cho biết thêm: “HTX xác định tích nước mọi lúc, mọi nơi. Chúng tôi đã nạo vét kênh mương, dọn bèo rác để tăng khả năng tích nước cho các tuyến kênh". Vì vậy, dù chưa đến lịch đổ ải nhưng HTX đã chủ động bơm nước để tích trữ tối đa vào hệ thống kênh trục nội đồng. Khi nào thấy nước hết đen, hết nổi váng, HTX sẽ tiến hành bơm gạn. Đến nay, HTX đã tích được khoảng 20% lượng nước để phục vụ đổ ải vào hệ thống kênh trục nội đồng.
Vụ chiêm xuân năm nay, huyện Bình Giang có kế hoạch gieo cấy hơn 6.000 ha lúa. Để bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất, ngoài lấy nước đổ ải theo lịch của hệ thống Bắc Hưng Hải, Xí nghiệp KTCTTL huyện đã tranh thủ lấy nước ngược từ hạ lưu cống Bá Thủy khi nước sông lớn để trữ nước, bơm nước sớm hơn lịch đổ ải tập trung của hệ thống từ 7-15 ngày cho những khu vực có cốt đất cao, khó khăn về nguồn nước. Huyện có 4 tuyến kênh chính để phục vụ sản xuất gồm Sặt - Phủ, Phủ - Hà, Cậy - Phủ, Phủ - Cổ Bì. Nhờ chủ động tích trữ nên mực nước ở các kênh này đã đạt từ 1,2 - 1,3 m.
Ông Đào Văn Đông, Giám đốc Xí nghiệp KTCTTL huyện Bình Giang cho biết: "Để bảo đảm chất lượng khi lấy nước qua các cửa cống, đơn vị yêu cầu công nhân thường xuyên theo dõi nguồn nước tưới, chủ động đóng, mở các cống lấy nước từ hệ thống Bắc Hưng Hải để đề phòng ô nhiễm vào trong đồng. Yêu cầu các cụm trưởng bám sát tình hình khí tượng thủy văn, kể cả dịp Tết để đổ ải, chỉ đạo các trạm bơm tu sửa máy móc, vớt rong bèo, vật cản trên kênh dẫn".
Xí nghiệp cũng đã đề nghị các HTX dịch vụ nông nghiệp khi bơm nước đổ ải phải phân theo vùng sản xuất, ưu tiên nơi cao, xa, nơi thấp gần bơm tưới sau, không bơm nước tràn lan; quản lý nước tưới chặt chẽ không để thất thoát nước chảy xuống sông, có nước đến đâu, huy động máy cày và làm đất luôn đến đó. Khi thấy nước sông ô nhiễm nặng thì ngừng bơm.