Bình Liêu (Quảng Ninh): Không còn nhà ở dột nát
Ngày 4/3, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy đã thực tế kiểm tra kết quả, tiến độ đưa Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh về 'Phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2026, định hướng đến năm 2030' vào cuộc sống của huyện miền núi biên giới Bình Liêu.
Năm 2022, huyện miền núi biên giới Bình Liêu còn 154 hộ nghèo, cận nghèo, thu nhập bình quân đầu người ở mức 62 triệu đồng/người/năm. Theo định hướng đưa Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh vào cuộc sống, huyện phấn đấu đến năm 2025 thu nhập bình quân đầu người đạt mức 100 triệu đồng/người. Bình Liêu đã tập trung chỉ đạo, cụ thể hóa các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết của Đảng qua đó đã thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, giảm nghèo bền vững.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Bình Liêu không còn hộ nào có nhà ở tạm, dột nát, 11 thôn trên địa bàn huyện đủ điều kiện ra khỏi diện đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, 100% hộ dân hiện đang được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh và được sử dụng điện an toàn, nâng cao chất lượng điện.
Bình Liêu đã hoàn thiện Đề án tái cơ cấu sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, tiếp tục kêu gọi, thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt đối với các dự án: Chăn nuôi gia súc (trâu, bò), trồng cây dược liệu, trồng hoa chất lượng cao, đầu tư cơ sở chế biến tinh dầu hồi, sở và chế biến gỗ rừng trồng. Riêng về lĩnh vực giáo dục, 100% các xã, thị trấn đã xây dựng trường sở khang trang đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3...
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy thực tế cơ sở đã yêu cầu huyện miền núi, biên giới Bình Liêu cần chủ động trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong các chương trình mục tiêu quốc gia. Huyện cần tiếp tục vận động nhân dân tích cực tham gia các chương trình, dự án, đề án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát triển các sản phẩm OCOP; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tập thể, hợp tác xã trên địa bàn triển khai dự án sản xuất theo chuỗi liên kết.
Song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế, huyện Bình Liêu phải quan tâm triển khai hiệu quả công tác đảm bảo an sinh xã hội; chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; xây dựng và củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân gắn với thế trận lòng dân vững chắc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các dự án được bố trí, phân bổ vốn năm 2023 đảm bảo kịp thời, đúng quy trình, thủ tục; lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực, đảm bảo quy định Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công; đảm bảo tính công khai, minh bạch, không để xảy ra tình trạng tư lợi. Huyện Bình Liêu chỉ đạo các đơn vị tập trung triển khai thi công các dự án, công trình chuyển tiếp để hoàn thành, đưa vào sử dụng đảm bảo chất lượng, tiến độ đề ra.
Huyện Bình Liêu chỉ đạo sát các nhà thầu yêu cầu đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện đầu tư, xây dựng trường THCS và THPT Hoành Mô, trường Dân tộc nội trú xong trước tháng 9/2023 đảm bảo điều kiện đón học sinh bước vào năm học mới; trước ngày 30/6/2023 hoàn thiện tuyến đường Húc Động - Đồng Văn dài gần 29km và tuyến đường Cao Ba Lanh - Quốc lộ 18C trong dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh.
Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/binh-lieu-quang-ninh-khong-con-nha-o-dot-nat-350354.html