Bình luận World Cup là giải trí, sao phải khắt khe với hotgirl

'Tôi tin rằng chẳng ai muốn có 'ý đồ xấu' để bị khán giả la ó, bị lãnh đạo đài xử lý và bị các cơ quan quản lý nhắc nhở', nhà văn Hoàng Anh Tú viết.

Có thể bởi tâm thế của tôi khi xem bóng đá trên truyền hình chỉ là giải trí nên dù mọi người chê trách bình luận viên hay những chia sẻ của các hotgirl trong phần bình luận trận đấu, tôi lại thấy bình thường. Thậm chí đôi khi còn bật cười. Nhưng tuyệt nhiên không phán xét hay đánh giá. Vì đơn giản, đó là một chương trình giải trí không hơn. Và nó được truyền hình trực tiếp, có nghĩa là không dàn dựng, cắt ghép.

Tôi không thấy “ý đồ” của những người thực hiện chương trình này như mọi người gán cho. Bởi nếu có “ý đồ” tôi nghĩ, những người thực hiện chương trình sẽ còn có thể biến nó thành màn tấu hài. Nhưng chúng ta đều thấy, mọi thứ đều rất vừa phải. Như một cuộc bàn luận về bóng đá mang tính cảm xúc chứ không phải là chỉ dạy cho người xem bóng đá.

Giống cái cách chúng ta phỏng vấn bất chợt một ai đó về cảm xúc của họ khi xem trận bóng này vậy. Có thể có đôi ba câu, ở vài hotgirl khiến chúng ta bật cười vì hơi ngô nghê. Nhưng nó đều là cảm xúc của người xem mà. Tại sao chúng ta lại phán xét và lên án cảm xúc của người khác vậy?

Các khách mời nữ bình luận trận Đức - Nhật Bản.

Các khách mời nữ bình luận trận Đức - Nhật Bản.

Tôi nghĩ rằng nhiều người đang “tiêu chuẩn kép”, biến một chương trình thể thao giải trí thành một chương trình nghị luận, đòi hỏi nó phải như chương trình khoa giáo, muốn nó phải tròn trịa, trang trọng như một chương trình nghệ thuật trên VTV1. Buồn cười hơn là nhiều người phản ứng một cách tiêu cực là tắt tivi đi và thà xem các chương trình lậu trên mạng (lấy sóng từ kênh nước ngoài) dù đó là một việc làm vi phạm pháp luật.

Khi tôi nói với bạn bè mình rằng tôi không nặng nề chuyện này, một vài người bạn của tôi cho rằng tôi dễ dãi và rất mất quan điểm. Nhất là tôi lại là một nhà văn, nhà báo. Bởi đó là chương trình truyền hình chiếu cho cả triệu người xem, rằng đó là sự phản cảm, rằng đấy là đem phụ nữ ra làm trò cười, câu khách. Tôi không phản đối cách nghĩ của họ vì mỗi người đều có một quan điểm, cách nhìn riêng.

Việc này vốn phải do các cơ quan chức năng vào cuộc phân tích, bóc tách và cần cả một hội đồng gồm các chuyên gia nhiều lĩnh vực tham gia. Còn tôi, khi xem World Cup, tôi chỉ là một người xem bình thường, thích bóng đá và cũng hay cãi nhau với tivi. Vì cảm xúc của mỗi người luôn là thứ chúng ta cần tôn trọng thay vì phán xét.

Cuối cùng, tôi vẫn cứ xem dù mọi người chê trách. Chừng nào tôi vẫn thấy những người thực hiện chương trình đã nỗ lực đến thế nào cho mỗi chương trình khi lên sóng trực tiếp.

Cùng là đồng nghiệp làm báo với nhau tôi hiểu rằng họ, những ngày này, đang nỗ lực miệt mài đêm hôm cho mỗi trận đấu trong khi chúng ta chăn ấm nệm êm thích thì xem không thích thì tắt tivi đi ngủ.

Tất nhiên, nói vậy cũng thật giống như kiểu ngụy biện vì họ làm là có lương còn chúng ta xem là đang trả tiền cho truyền hình cáp, ta có quyền đòi hỏi một chương trình xứng với số tiền chúng ta bỏ ra hàng tháng. Nhưng thay vì chỉ lên án, phản ứng, sao không góp ý mang tính xây dựng hơn. Bởi họ cũng cần những ý tưởng hay ho từ người xem mà, đúng không?

Độc giả có thể gửi ý kiến về địa chỉ: banvanhoa@vietnamnet.vn. Ý kiến của bạn không nhất thiết trùng với quan điểm bài viết đã đăng trên VietNamNet. Xin trân trọng cảm ơn!

Hoàng Anh Tú

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/binh-luan-world-cup-la-giai-tri-sao-phai-khat-khe-voi-hotgir-2084290.html