Bình Lục đẩy mạnh thực hiện Đề án 06
Nhằm đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06) của Chính phủ, đồng thời, đưa các ứng dụng, tiện ích của Đề án vào đời sống một cách thiết thực, nhanh chóng, thuận lợi, góp phần nâng cao nhận thức và sự đồng tình ủng hộ của người dân, Tổ công tác Đề án 06 huyện Bình Lục đã triển khai xây dựng các mô hình điểm bảo đảm dữ liệu dân cư 'đúng, đủ, sạch, sống'.
Thực hiện Kế hoạch phối hợp số 63 của Tổ công tác Đề án 06 tỉnh về triển khai các mô hình của Đề án 06 trong đó có 24 mô hình triển khai thực hiện trong năm 2023, UBND huyện Bình Lục đã ban hành Kế hoạch số 08, ngày 16/08/2023 về triển khai 24 mô hình trên địa bàn huyện. Trong đó, Tổ công tác Đề án 06 huyện xác định 10 mô hình huyện có trách nhiệm tham gia thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ đạo chung của tỉnh, còn 14 mô hình tổ chức triển khai trên địa bàn huyện.
Trên cơ sở tình hình thực tế ở địa phương, Tổ công tác Đề án 06 huyện đã tổ chức triển khai được 10 mô hình gồm: “triển khai 53 dịch vụ công” tại Trung tâm hành chính công “một cửa” của huyện và 17 xã, thị trấn; “khám chữa bệnh bằng thẻ căn cước công dân (CCCD) thay thế thẻ bảo hiểm y tế” triển khai tại Trung tâm Y tế huyện, 17 trạm y tế các xã và cơ sở khám chữa bệnh Tâm An; “triển khai tại các điểm công chứng” triển khai tại 3 xã (Vũ Bản, An Ninh, Bình Nghĩa); “triển khai nền tảng quản lý lưu trú tại các cơ sở nhà nghỉ” tại 19/19 cơ sở nhà nghỉ trên địa bàn; “quản lý lưu trú tại cơ sở khám chữa bệnh” triển khai tại Trung tâm Y tế huyện; “triển khai tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT” triển khai tại một cơ sở cầm đồ tại thị trấn Bình Mỹ; “bảo đảm điều kiện công dân số; “truyền thông nội bộ cho toàn cán bộ công chức, viên chức, cơ quan nhà nước”; “truyền thông chính sách qua hệ thống LED, pano áp phích, qua hệ thống phát thanh thông minh”; “triển khai tố giác tội phạm” triển khai ở các cơ quan, đơn vị.
Giải quyết TTHC tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả “một cửa” huyện Bình Lục.
Ảnh: Thảo Thu
Để triển khai thực hiện các mô hình, Tổ công tác Đề án 06 của huyện đã tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, chủ trì xây dựng kế hoạch, phân công cụ thể tập thể, cá nhân trong tổ chức thực hiện, phát huy tối đa nguồn lực sẵn có, triển khai thực chất, hiệu quả phù hợp với mục tiêu và tình hình thực tế tại địa phương nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án 06 trên địa bàn huyện. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong triển khai thực hiện Đề án 06; giao chỉ tiêu cụ thể cho các cơ quan, đơn vị; các xã, thị trấn thực hiện hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng có thông báo, biểu dương đơn vị làm tốt; chấn chỉnh, nhắc nhở đơn vị làm chưa tốt.
Với sự chỉ đạo triển khai quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở, đặc biệt lực lượng công an đã phát huy vai trò nòng cốt trong tham mưu, đôn đốc và trực tiếp triển khai, thực hiện các mô hình của Đề án, việc triển khai, thực hiện 10 mô hình Đề án 06 trên địa bàn huyện đã đạt được một số kết quả tích cực. Mô hình “triển khai 53 dịch vụ công” đã tiếp nhận và giải quyết hơn 15.205 thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công; mô hình “khám chữa bệnh bằng thẻ CCCD thay thế thẻ bảo hiểm y tế” với 46.734/51.654 lượt khám (chiếm tỷ lệ 90%) và 3.256 lượt thanh toán tiền viện phí không dùng tiền mặt; mô hình “triển khai tại các điểm công chứng” với 228 lượt xác thực thông tin thẻ CCCD gắn chíp; mô hình “triển khai nền tảng quản lý lưu trú tại các cơ sở nhà nghỉ” với 519 lượt thông báo lưu trú qua hệ thống ASM; mô hình “quản lý lưu trú tại cơ sở khám chữa bệnh” với 916 lượt thông báo qua phần mềm ASM; mô hình “triển khai tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT” với 14 lượt xác thực thông tin thẻ CCCD gắn chíp; mô hình “bảo đảm điều kiện công dân số” với 116.664/127.689 tài khoản định danh điện tử được kích hoạt (đạt 91,3%); mô hình “truyền thông nội bộ cho toàn cán bộ công chức viên chức, cơ quan nhà nước” với 4 hội nghị tập huấn, 1.091 lượt người tham gia; mô hình “truyền thông chính sách qua hệ thống LED, pano áp phích, qua hệ thống phát thanh thông minh” với hơn 8.894 lượt tuyên truyền. Cùng với thực hiện 10 mô hình, Bình Lục đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn phối hợp triển khai có hiệu quả các mô hình do các sở, ngành của tỉnh chủ trì thực hiện trên địa bàn.
Đồng chí Nguyễn Đăng Định, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Lục cho biết: Việc triển khai thực hiện các mô hình Đề án 06 trên địa bàn huyện đã góp phần tích cực vào cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Thông qua đó, nhận thức của người dân, doanh nghiệp trong việc ứng dụng các tiện ích của thẻ CCCD gắn chíp và định danh điện tử vào các thủ tục hành chính được nâng lên. Các dịch vụ công thiết yếu được triển khai trên môi trường điện tử đặc biệt là 2 dịch vụ công liên thông (đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú- cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 06 tuổi và đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí) được triển khai thực hiện mang lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện các mô hình Đề án 06 trên địa bàn huyện vẫn còn tồn tại, khó khăn, vướng mắc nhất định.
Thực tế cho thấy việc tiếp cận, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến của người dân địa phương còn hạn chế. Được biết, hiện trên địa bàn huyện còn không ít công dân, nhất là trong độ tuổi từ 60 trở lên không sử dụng điện thoại thông minh; không thực hiện được các thao tác công nghệ trên điện thoại. Cùng với đó, vẫn còn “cản trở” trong thực hiện nhiệm vụ của Đề án 06 đó là nhận thức của công dân về việc chuyển đổi số và những nhiệm vụ của Đề án còn hạn chế nên chưa tích cực tham gia thực hiện. Việc triển khai trên diện rộng các mô hình về Đề án 06 tại các địa phương còn khó khăn do thiếu trang thiết bị. Các mô hình đã triển khai dù bước đầu phát huy hiệu quả, tuy nhiên chưa cao. Quy trình, các bước thực hiện xác thực định danh điện tử, lập tài khoản công trực tuyến; quy trình, thủ tục giải quyết TTHC trên Cổng dịch vụ công quốc gia còn phức tạp, nhiều dịch vụ qua nhiều bước, nhiều thao tác, đính kèm nhiều hồ sơ, khó sử dụng khi sử dụng dịch vụ công mức độ 3, 4. Việc số hóa hồ sơ điện tử của các cơ quan phục vụ kết nối chia sẻ dữ liệu còn chậm. Dữ liệu chuyên ngành của các cơ quan, ban ngành chưa được “làm sạch” triệt để, ảnh hưởng tới công tác đối sánh, đồng bộ dữ liệu.
Theo đồng chí Nguyễn Đăng Định, Phó Chủ tịch UBND huyện, để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các mô hình của Đề án 06, huyện chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thực hiện Đề án 06. Đồng thời phát huy tinh thần trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể, nhất là người đứng đầu trong công cuộc cải cách nền hành chính phục vụ chuyển đổi số; đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp, tạo sự lan tỏa đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cũng như toàn thể nhân dân. Cùng với nỗ lực của địa phương, kiến nghị các sở, ngành xây dựng, hoàn thiện phần mềm nghiệp vụ; đầu tư, xây dựng, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật nhằm bảo đảm đường truyền giải quyết dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ công liên thông được thông suốt, đáp ứng yêu cầu dễ hiểu, dễ thực hiện, thuận lợi khi người dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện các thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công.