Bình minh châu thổ

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1305 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Cuộc gọi kết thúc, bên tai tôi vẫn còn văng vẳng tiếng nói của một người chị ngoài miền Bắc xa xôi vẫn chưa có dịp đặt chân đến miền sông nước: “Chị nghe bảo, bây giờ, người ta không còn đi chợ nổi nhiều như xưa nữa, phải không em?”.
Tim tôi lặng đi một nhịp sau khi chúng tôi nói với nhau một lời hẹn hò phù sa châu thổ.
*
Nhiều lần, tôi vẫn nghe người ta đồn thổi những lời như thế. Lòng tôi đầy trăn trở. Có lẽ vì dòng chảy đô thị hóa, kinh tế thị trường ồ ạt khiến cho những giá trị văn hóa truyền thống ở nhiều vùng quê bị thay đổi, nên người ta dần mất đi niềm tin vào sự sôi động, sầm uất và bình dị của xóm chợ nổi lên giữa dòng sông mênh mông, từ bao đời làm nên nét độc đáo của miền sông nước.
Tôi không phân trần, cũng không cố gắng để mô tả lại quang cảnh của chợ nổi đồng bằng - nơi mà tôi gắn bó từ thuở còn thơ cho đến tận bây giờ, nơi mà tôi yêu như máu thịt. Trong tâm khảm tôi, chợ nổi bao giờ cũng đầy sinh khí, ở đó có những người dân chân chất, hiền lành, một đời bám trụ chiếc ghe, con sóng, cánh lục bình trôi, cây bẹo lúc lỉu những sắc màu rau trái… Không chỉ vậy, chợ nổi còn là một nét văn hóa độc đáo, là niềm tự hào của xứ sở đồng bằng, là điểm tựa để tôi trở về sau những bộn bề của cuộc sống…
*
Đêm hôm trước, chị đáp xuống sân bay. Vùng sông nước đón chị bằng cơn mưa đêm mịt mù giăng, suýt nữa chuyến bay đã bị hoãn lại. Vừa đặt chân xuống đồng bằng châu thổ, chị nhắn tôi ngay tức khắc: “Chị đã ngửi thấy mùi nồng nàn của phù sa, mùi của những dòng sông cuộn chảy”. Tôi cười, một cuộc gặp gỡ thật tình cờ, khi chị chẳng cần viện lý do đi công tác hay đi thăm một người thân xa xôi nào để gác lại mớ bòng bong công việc, mà là đi khám phá phương Nam - nơi chị chưa một lần đến.
Tờ mờ sáng, chúng tôi gặp nhau ở bến tàu, hết tay bắt mặt mừng, lại vội vã xuống tàu ra chợ nổi. Khi ấy, dòng sông vẫn còn bảng lảng màn đêm và sương, nhưng đằng đông đã ló dạng, đỏ ửng vầng mặt trời từ từ nhô lên từ lồng ngực châu thổ. Tàu chạy chầm chậm ra giữa sông, mũi tàu xé nước văng những hạt li ti vào bên trong, khiến tôi cảm thấy rờn rợn. Còn chị vẫn đang say sưa ngắm bình minh châu thổ, nhìn những chuyến tàu ồ ạt đưa khách du lịch ra chợ nổi để khám phá cho kỳ hết vẻ đẹp của miền sông nước thơ mộng, hữu tình.
- Sảng khoái quá, em ạ! Chưa bao giờ chị dậy sớm và đi tàu trên sông như thế này! - Chị líu ríu.
Tôi nở nụ cười tươi rói đáp lại. Kỳ thực, khoảnh khắc ấy tôi cũng không biết mình phải nói gì với chị, bởi miền sông nước này có nói bao nhiêu cũng không bằng lắng lòng và cảm nhận để thấy hết tất cả cái đẹp của một vùng văn hóa.
Tôi không phải hướng dẫn viên du lịch, chỉ biết giới thiệu với chị bằng tình yêu của một người gắn bó máu thịt với phương Nam. Năm tháng trôi qua, tình yêu sông nước, yêu chợ nổi, yêu những con người chân chất, hiền lương trong tôi không vơi đi mà cứ lớn dần lên. Tôi nhớ trước khi nhắm mắt, ngoại dặn: “Mai này, dù có đi đâu cũng không được quên đi miền sông nước quê mình, nghe con”. Tôi nghe lời ngoại, sau này, khi đã trưởng thành, tôi vẫn chọn miền sông để sống những ngày đầy nhiệt huyết và trách nhiệm. Cũng có khi vì một nỗi buồn nào khó tránh trong cuộc đời, tôi chọn một cuộc rời, nhưng rồi không lâu sau đó nỗi nhớ miền sông lại dâng lên trong tôi như con sóng. Tôi lại về, nói như cách một bài hát tôi từng nghe, “về úp mặt sông quê”…
- Rồi chị sẽ thấy, chợ nổi không như người ta đồn thổi. Chợ vẫn đông, vẫn còn đâu đó bóng dáng của chợ nổi truyền thống, như chính sự hồn hậu muôn đời vẫn vậy trong phẩm chất những người đồng bằng.
Chị lấy chiếc khăn rằn, chiếc khăn chị vừa mua được ở một cửa hàng nhỏ trên bến tàu, choàng qua cổ. Nhìn chị chẳng khác nào một người miền sông “chính hiệu”, nếu như không ai nghe được chất giọng phương Bắc trìu mến của chị.
*
Tàu đến chợ nổi khi trời hửng sáng. Một vùng sông nước rộn rã hiện ra trước mắt chúng tôi. Mắt chị tròn xoe, nhất là khi chị nghe tiếng leng keng của những chiếc xuồng chèo bán kem, những chiếc ghe bầu nhỏ bán nước giải khát, bán đủ loại hoa quả đặc sản của vùng châu thổ. Rồi đến những chiếc ghe lớn hơn, trước ghe có cây bẹo thay lời mời gọi, bán đủ thứ sản vật miệt vườn như dưa hấu, chôm chôm, măng cụt, xoài, khóm… trong cái ngoắt tay duyên dáng của các chị, các mẹ đứng trên ghe hàng. Chị reo lên:
- Ôi! Cảnh mà chị muốn thấy đây rồi!
Tôi buột miệng, tự dưng trong tim dâng lên một niềm tự hào:
- Linh hồn sông nước là đây, chị ạ! Quang cảnh này, âm thanh này, dẫu có đi đến đâu em cũng không sao quên được…
Tàu dừng giữa chợ nổi trong ít phút để chúng tôi ăn sáng, chị mua ít hoa quả như măng cụt, mãng cầu… đem về. Mùi sầu riêng chín sực nức trong không gian. Tôi ngồi bên chị, nghe gió thoảng qua tai. Hương phù sa thơm nồng quyện vào trong tóc chị. Tôi thấy mắt chị tôi sáng rỡ. Với người xứ khác, chợ nổi luôn là một hình ảnh đẹp và đầy thú vị để họ tò mò, tham quan, tìm hiểu và rồi đem lòng yêu mến vùng sông nước hữu tình này, yêu những con người hiền lương, nhân hậu.
- Chị thấy đó, chợ nổi vẫn vậy, chị ạ! Bao năm, người xứ này vẫn giữ cho chợ nổi một sắc màu không đổi. Dẫu cho thời gian có đổi thay, và công cuộc đô thị hóa có xâm nhập, chợ nổi vẫn luôn giữ trọn mảnh hồn chào đón khách phương xa…
Chị gật đầu nhưng không đáp lại lời tôi. Có lẽ hồn chị đang phiêu diêu theo từng con sóng, từng cánh lục bình cuộn trôi, từng tiếng rao mời và từng lời dịu ngọt khi khách hàng kì kèo trả giá.
Khi chúng tôi ra mũi tàu ngồi hóng gió, chiếc tàu được cột dây vào một chiếc tàu khác, sông dập dềnh sóng nước. Tôi nói với chị:
- Người xứ này, nhìn tươi cười vậy chứ bên trong cũng nhiều niềm nỗi lắm chị!
Chị nhìn tôi, mắt chị có chút gì rưng rưng sâu thẳm. Im lặng trong thoáng chốc, tôi nói tiếp:
- Thương hồ trên chợ nổi, cực chẳng đã mới phải lênh đênh bấp bênh trên sông nước mà sống, chỉ mong sao cuộc đời tươi đẹp, khấm khá, ấm no hơn.
Chị sụt sùi:
- Thương quá em ạ!
Tôi nhìn ra xa xa, đằng sau gương mặt trù phú của đồng bằng là cả những niềm đau âm ỉ, là giọt mồ hôi rơi, là nếp nhăn hằn in trên khuôn mặt của bà, của chị, của mẹ, của những người tay cầm chắc mái chèo lướt trên sóng nước đồng bằng. Tuy cơ cực, vất vả, hiểm nguy rập rình, vẫn một lòng bám trụ mảnh đất quê hương và dành tình yêu thiết tha cho vùng sông nước.
Chị đưa ống kính lên, cố ghi hết không khí sầm uất của một vùng chợ nổi trên dòng sông nước trong gạo trắng. Tôi nhìn theo ánh mắt chị, thấy bừng lên ánh sáng của vùng châu thổ quê mình. Lấp lánh trước mắt tôi là màu nâu trầm của những chiếc ghe, xuồng lênh đênh, sắc vàng óng ánh của dâu Hạ Châu, sắc tím của măng cụt, màu xanh của dưa hấu, sầu riêng… và muôn vạn những sắc màu khác trong bức tranh đồng bằng sông nước.
*
Chiếc tàu du lịch trở về khi mặt trời đã lên cao. Châu thổ đang vào mùa nắng đẹp. Tàu đang di chuyển chầm chậm trên dòng sông bềnh bồng sóng, như muốn níu chị lại với đất này thêm vài giây phút nữa, để chị ngửi thấy mùi phù sa sông nước quyện trong gió lành của buổi sớm mai, mùi đất nồng nàn mấy trăm năm nuôi lớn đời lúa, đời cây trái xum xuê, nuôi lớn thể xác và tâm hồn của những người con châu thổ.
Tôi không nói thêm gì nữa, tự dưng thấy lòng mình nghẹn lại. Trong tôi dợn lên một tình yêu đồng bằng sâu lắng, thiết tha. Tình yêu ấy cứ như những con sông chằng chịt, ngang dọc trên vùng đất này, cứ chảy hoài, chảy hoài trong miên man nỗi nhớ…
Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/binh-minh-chau-tho-post76236.html