Kết nối biển xanh với đại ngàn

Phú Yên được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho đường bờ biển dài tới 189km, với hàng loạt thắng cảnh nổi bật như gành Đá Đĩa - Di tích quốc gia đặc biệt, vịnh Xuân Đài, bãi Xép, hải đăng Đại Lãnh, đầm Ô Loan… Địa phương này còn sở hữu nền văn hóa Chăm Pa lâu đời, nhiều di tích lịch sử và kho tàng ẩm thực phong phú, mang đậm hương vị biển miền Trung.

Khi biển và rừng cùng hòa nhịp

6 tháng đầu năm 2025, ngành du lịch Phú Yên đã đón khoảng 2,62 triệu lượt khách tăng 33,7% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế đạt hơn 22.700 lượt. Tổng doanh thu từ du lịch đạt 5.850 tỷ đồng, phản ánh rõ nét sự phục hồi và phát triển ấn tượng của ngành du lịch địa phương.

Trong khi đó, Đắk Lắk - thủ phủ cà phê của cả nước, cũng hấp dẫn nhiều du khách. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên vang vọng giữa rừng đại ngàn, những ngọn thác Dray Nur, Dray Sáp đổ ào ào như bản giao hưởng thiên nhiên. Hồ Lắk, vườn quốc gia Yok Đôn, buôn cổ Buôn Đôn - nơi du khách có thể cưỡi voi, tham gia lễ hội mừng lúa mới, nghe khan kể sử thi Ê Đê, trở thành những điểm đến độc đáo của du lịch sinh thái, văn hóa Tây Nguyên. Với đặc trưng địa hình cao nguyên, khí hậu mát mẻ quanh năm, Đắk Lắk là lựa chọn lý tưởng cho du khách muốn “đổi gió” sau những ngày ngụp lặn cùng sóng biển.

Đáng nói hơn, khí hậu đối lập giữa hai vùng lại tạo nên sự bù trừ mùa vụ rất hấp dẫn. Khi Phú Yên nắng đẹp vào cao điểm du lịch hè, thì Đắk Lắk đang vào mùa mưa, thời điểm thích hợp để người dân cao nguyên “xuống biển tránh mưa”. Đến cuối năm, khi gió mùa đông bắc tràn về và biển miền Trung bắt đầu động, thì Tây Nguyên lại chuyển sang mùa khô với những cánh đồng hoa dã quỳ vàng rực, cà phê trổ bông, khí hậu trong lành dễ chịu, một điểm đến lý tưởng cho du khách từ miền biển ngược lên khám phá đại ngàn.

Trên thực tế, ý tưởng phát triển tuyến du lịch “biển - rừng” giữa 2 tỉnh đã xuất hiện từ nhiều năm trước. Nhiều công ty lữ hành đã từng tổ chức tour liên tỉnh kết hợp: từ Tuy Hòa đi Buôn Đôn - Yok Đôn - hồ Lắk, hoặc ngược lại từ Buôn Ma Thuột xuống gành Đá Đĩa, bãi Môn - mũi Điện… Tuy nhiên, các tour này phần lớn chỉ mới dừng ở quy mô nhỏ, thiếu tính đồng bộ về truyền thông, dịch vụ, hạ tầng.

Thắng cảnh gành Đá Đĩa - Di tích danh thắng quốc gia đặc biệt

Thắng cảnh gành Đá Đĩa - Di tích danh thắng quốc gia đặc biệt

Liên kết để nâng tầm thương hiệu du lịch

Với việc sáp nhập 2 tỉnh Phú Yên và Đắk Lắk, câu chuyện liên kết giờ đây đã bước sang một giai đoạn mới - giai đoạn của những hoạch định chiến lược và đầu tư nghiêm túc một cách bài bản.

Theo ông Hồ Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Phú Yên, việc hình thành một tổ chức nghề nghiệp thống nhất sau khi sáp nhập sẽ giúp nâng cao hiệu quả phối hợp giữa hai vùng. “Đây là bước ngoặt để tạo dựng thương hiệu du lịch biển - rừng mang tầm quốc gia, khai thác tốt nhất lợi thế liên vùng trong bối cảnh du khách hiện nay có xu hướng tìm kiếm hành trình trải nghiệm đa dạng, đậm tính bản địa”, ông Tiến nhận định.

Tuy nhiên, bên cạnh tiềm năng lớn, những thách thức cũng không nhỏ. Nhiều doanh nghiệp cho rằng hệ thống giao thông hiện nay giữa 2 tỉnh chủ yếu qua quốc lộ 29 và quốc lộ 25, còn nhiều bất cập về chất lượng như độ rộng, trạm dừng chân và biển báo chưa đồng bộ, gây khó khăn trong tổ chức tour liên tuyến. Việc nâng cấp, mở rộng các tuyến đường, bổ sung dịch vụ vận chuyển chất lượng cao là điều kiện tiên quyết để hiện thực hóa “trục du lịch biển - rừng”.

Một yếu tố khác cũng cần được tính đến là sự kết nối về truyền thông, chính sách và đào tạo nguồn nhân lực. Việc hình thành các tuyến du lịch liên vùng đòi hỏi đội ngũ hướng dẫn viên có kiến thức văn hóa khá sâu rộng về các vùng đất này. Các cơ sở lưu trú, dịch vụ ẩm thực cũng cần được chuẩn hóa để đảm bảo chất lượng đồng đều giữa các điểm đến trong tuyến du lịch.

Cần nhắc lại rằng năm 2022, lãnh đạo 6 tỉnh khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên gồm Bình Định, Gia Lai, Đắk Lắk, Quảng Ngãi, Kon Tum và Phú Yên đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2022 - 2027. Trong đó có nội dung về phát triển các sản phẩm du lịch liên vùng, xây dựng thương hiệu du lịch chung và tổ chức quảng bá tại các hội chợ trong và ngoài nước. Đây chính là nền tảng để thúc đẩy liên kết du lịch Phú Yên - Đắk Lắk bằng những hành động cụ thể.

Thực tế cho thấy, khách du lịch trong nước và quốc tế đang có nhu cầu cao với các tour kết hợp trải nghiệm đa dạng từ biển đến rừng; từ nắng gió đến cồng chiêng, từ tắm biển đến cưỡi voi, leo thác… Nếu được đầu tư bài bản, sản phẩm du lịch “biển xanh - đại ngàn”, có thể trở thành một biểu tượng mới cho du lịch miền Trung - Tây Nguyên, giống như cách mà “con đường di sản miền Trung” ở Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam… từng được định vị thành công hơn một thập niên trước.

Liên kết Phú Yên - Đắk Lắk là mô hình điển hình cho sự gắn kết giữa miền duyên hải và cao nguyên trong phát triển du lịch. Khi những đường biên hành chính được gỡ bỏ, khi các tuyến đường được mở rộng và con người đồng hành cùng một tầm nhìn, “biển xanh - đại ngàn” sẽ trở thành hành trình thực thụ, nơi thiên nhiên, văn hóa và con người hòa làm một.

Với quyết tâm chính trị, sự đồng lòng của doanh nghiệp và kỳ vọng từ cộng đồng, trục du lịch Phú Yên - Đắk Lắk đang dần hình thành trong tâm trí du khách. Và biết đâu, một ngày gần đây, bạn sẽ bắt đầu hành trình buổi sáng bên sóng biển Tuy Hòa, kết thúc ngày bằng tiếng cồng chiêng vang vọng giữa đại ngàn Yok Đôn…

Nghi Lộc

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/ket-noi-bien-xanh-voi-dai-ngan-166698.html