Bình nóng lạnh khi nào cần thay mới và cách sử dụng thiết bị này đỡ 'ngốn điện' trong mùa đông
Không như nhiều người nghĩ, bình nóng lạnh đừng dùng đến khi hỏng thì thôi mà cũng có hạn sử dụng, cần thay mới để đảm bảo an toàn cho cả gia đình.
Bình nóng lạnh là một thiết bị không thể thiếu trong mùa đông. Chuyên gia khuyên nên thay mới bình nóng lạnh khi đã hết hạn sử dụng.
Tuổi thọ của bình nóng lạnh trung bình là 7 năm. Có bình nóng lạnh có tuổi thọ đến 15 năm nhưng đó là số năm sử dụng trong điều kiện nguồn nước sạch, tần suất sử dụng không quá nhiều.
Ngoài ra, để sử dụng thiết bị này tiết kiệm nhất, thì đây là gợi ý:
Hạn chế sử dụng nước nóng
Để không tốn nhiều năng lượng cho việc đun nước, bạn không nên kéo dài thời gian tắm, chỉ chạy máy rửa chén khi gom được kha khá bát đũa.
Khi rửa tay hay tắm gội, bạn không nên dùng nước quá nóng, hãy điều chỉnh vòi để dòng nước vừa đủ ấm hoặc không quá lạnh. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm điện mà còn bảo vệ da bạn không bị khô nẻ.
Tắm vòi sen thay vì tắm bồn
Lượng nước nóng bạn cần để tắm bồn sẽ lớn hơn nhiều lần so với tắm vòi sen, vì vậy nếu bạn cần một cách hay giúp tiết kiệm tiền điện khi dùng bình nóng lạnh, hãy hạn chế tắm bồn. Hóa đơn tiền điện của bạn sẽ giảm không ít.
Mua bình nóng lạnh loại tốt
Nếu máy nước nóng của bạn đã cũ và lỗi thời, nó có thể không duy trì được nhiệt độ nước trong thời gian dài. Mua bình nóng lạnh loại tốt là một cách đầu tư thông minh.
Chọn dung tích bình nóng lạnh phù hợp nhu cầu
Dung tích quá nhỏ khiến bình nóng lạnh bị khai thác tối đa công suất, hao mòn nhanh chóng, còn dung tích bình quá lớn vừa tiêu hao nhiều điện năng vừa dư thừa nước nóng đã đun, gây lãng phí. Do đó, chọn dung tích bình phù hợp nhu cầu gia đình là cách hay giúp tiết kiệm tiền điện khi dùng bình nóng lạnh.
Cụ thể, nếu gia đình có 1-2 người, nên mua loại bình 15 lít; gia đình 2-4 người nên dùng bình nóng lạnh loại 20 lít; còn gia đình 4-6 người nên chọn bình nóng lạnh dung tích 30 lít (loại bình này cũng phù hợp với gia đình 2-4 người thường xuyên sử dụng bồn tắm).
Lắp đặt các thiết bị có dòng chảy thấp
Các loại vòi hoa sen thế hệ cũ có thể sử dụng lượng nước nhiều gấp đôi so với vòi mới. Với một khoản đầu tư nhỏ để lắp đặt thiết bị dòng chảy thấp, bạn có thể tiết kiệm 25%–60% nước, đồng nghĩa với việc tiết kiệm điện khi bạn dùng nước nóng.
Nhớ tắt bình nóng lạnh
Nếu bình nóng lạnh nhà bạn không có chế độ hẹn giờ, bạn cần nhớ tắt sau khoảng 20 - 30 phút bật và nhất thiết đừng để cả ngày. Nước trong bình sẽ nguội dần đi và máy sẽ đun nóng nó liên tục nếu bạn không tắt.
Đừng để nước chảy khi đánh răng, rửa rau
Nhiều người có thói quen để vòi nước chảy trong khi đánh răng, rửa mặt, rửa rau, rửa bát… và điều này cực kỳ lãng phí, nhất là khi bạn sử dụng nước nóng. Hãy khóa vòi nước khi bạn rời đi để lấy bát đĩa bẩn hoặc tìm xà phòng, chỉ mất chưa đến một giây nhưng tiết kiệm được kha khá năng lượng.
Hạn chế giặt nước nóng
Sử dụng nước lạnh cho hầu hết các mẻ giặt và luôn sử dụng nước lạnh cho chu trình xả là cách hay giúp tiết kiệm tiền điện khi dùng bình nóng lạnh. Nếu bạn giặt bằng nước nóng, nên giặt lượng quần áo tối đa mà máy vận hành tốt nhất.