Bình ổn giá thị trường hàng hóa dịp tết
ĐBP - Thời điểm cận tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao. Nhằm chủ động đảm bảo nguồn hàng, hạn chế sự biến động về giá đối với các mặt hàng thiết yếu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, ngành Công Thương tỉnh đã phối hợp với các đơn vị, địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường, chủ động phương án đảm bảo nguồn cung, chất lượng và giá cả; không để xảy ra thiếu hàng, tăng giá đột biến.
Đội Quản lý thị trường số 1 kiểm tra hàng hóa tại hộ kinh doanh chợ Trung tâm 1, TP. Điện Biên Phủ.
Thực hiện Chỉ thị 12/CT-BCT ngày 12/11/2021 của Bộ Công Thương về các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2021 và dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, thời gian qua Sở Công Thương chỉ đạo các phòng ban chuyên môn và đề nghị các địa phương tăng cường theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu hoặc những mặt hàng biến động về giá trên địa bàn, để chủ động có phương án đảm bảo cân đối cung cầu, ổn định thị trường. Hướng dẫn các doanh nghiệp đầu mối tổ chức mạng lưới phân phối hàng hóa, chuẩn bị nguồn hàng, đảm bảo dự trữ đủ lượng hàng thiết yếu, phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn trong dịp tết Nguyên đán với giá cả hợp lý. Trong đó tập trung vào các nhóm hàng: Lương thực, thực phẩm, xăng dầu, gas, vật tư y tế, thuốc chữa bệnh cho người, sữa và các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi và các hàng hóa tiêu dùng khác.
Các đơn vị sản xuất, kinh doanh thương mại đã chủ động dự trữ vật tư, nguyên nhiên liệu, nhằm duy trì sản xuất ổn định để đảm bảo chất lượng cung ứng hàng hóa cho thị trường với giá cả hợp lý, chất lượng tốt. Đồng thời chủ động tham gia các chương trình bình ổn thị trường, chương trình xúc tiến thương mại; hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, xây dựng điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”; các chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng biên giới”... Thực hiện các phương thức bán hàng văn minh, hàng hóa bán đảm bảo chất lượng, đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng, rõ nguồn gốc xuất xứ, có tem nhãn, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết.
Cùng với công tác chuẩn bị hàng hóa, Cục Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá; kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận thương mại. Chú trọng các mặt hàng thiết yếu như bánh kẹo, nước giải khát, các mặt hàng thực phẩm tươi sống... Tăng cường kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về giá đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật về: Đầu cơ, găm hàng, không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật, tăng giá cao quá mức hoặc lợi dụng dịch bệnh, khan hiếm hàng hóa để định giá bán hàng hóa bất hợp lý gây biến động thị trường...
Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 6.000 thương nhân (doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh) hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại; trong đó chủ yếu là hộ kinh doanh với trên 5.000 hộ. Thời điểm này, thị trường hàng hóa phục vụ tết từ khu vực thành phố đến trung tâm các huyện, thị xã đã bước vào những ngày sôi động. Hàng hóa tại các chợ, cửa hàng, đại lý, siêu thị được các doanh nghiệp, tư thương, các cơ sở kinh doanh chuẩn bị sẵn sàng về số lượng, mẫu mã, chủng loại, đảm bảo về chất lượng, nhãn mác. Nhờ tăng cường các biện pháp bình ổn giá, đến thời điểm này hầu hết giá lương thực, bánh kẹo, rượu, bia không tăng cao so với năm trước. Cụ thể, các mặt hàng thực phẩm tươi sống, các loại rau xanh giá tăng nhẹ từ 5 - 10%. Giá bán gạo tẻ thường từ 15.000 - 18.000 đồng/kg tùy loại; gạo nếp nương 33.000 - 35.000 đồng/kg. Đối với nhóm thực phẩm: thịt lợn nạc thăn giá 120.000 đồng/kg, thịt ba chỉ giá 110.000 đồng/kg; thịt trâu, bò loại I giá 260.000 đồng/kg; gà nuôi truyền thống giá từ 125.000 - 140.000 đồng/kg; trứng gà 4.000 - 5.000 đồng/quả... Đối với nhóm các mặt hàng tiêu dùng khác: Mì tôm 100.000 đồng/thùng, dầu ăn 50.000 đồng/1 lít... Đối với mặt hàng vật tư y tế, các doanh nghiệp đã chủ động rà soát, bổ sung lượng hàng dự trữ đảm bảo đáp ứng nhu cầu trong phòng chống dịch Covid-19 nên giá cả các mặt hàng ổn định, không có hiện tượng khan hiếm, găm hàng hay tăng giá bất hợp lý.
Theo ông Phạm Xuân Hưng, Phó phòng Quản lý Thương mại (Sở Công Thương), đến nay công tác chuẩn bị hàng hóa và bình ổn giá cả thị trường hàng hóa phục vụ tết Nguyên đán đang được triển khai tốt. Hầu hết các doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp phân phối và cơ sở sản xuất kinh doanh đã có phương án cung ứng hàng hóa dịp tết Nguyên đán 2022. Đặc biệt các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cam kết đảm bảo số lượng và chất lượng, không kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng. Với sự vào cuộc kịp thời và quyết liệt của các cơ quan chức năng, sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, thương nhân, tin tưởng thị trường dịp tết Nguyên đán 2022 sẽ ổn định, phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân.