Bình ổn thị trường thịt lợn
Thời gian qua, giá thịt lợn tăng ở mức cao do tác động của dịch tả lợn Châu Phi làm hụt mạnh số lượng đàn, người chăn nuôi khó khăn trong tái đàn vì thiếu lợn giống và lo ngại dịch quay trở lại. Cộng thêm sự tác động mạnh của ảnh hưởng các đợt lũ lớn trong tháng 10/2020 đã làm cho đàn lợn trên địa bàn giảm mạnh. Tuy nhiên, với sự điều tiết nhanh của thị trường và nỗ lực khôi phục chăn nuôi trên địa bàn trong những tháng gần đây đã góp phần bình ổn giá thịt lợn trên thị trường.
So với trước đây 3 tháng, giá thịt lợn hiện nay trên địa bàn đã giảm 30.000 đồng/kg (còn 120.000 đồng/kg thịt lợn mông). Đây là mức giá có thể xem là đúng với giá trị của thịt lợn và phù hợp trong sự tương quan giá cả với các loại thực phẩm khác trên thị trường. Mức giá này cũng phù hợp với giá lợn hơi từ 70 - 75 ngàn đồng/kg. Chị Hoàng Thị Gái, ở Khu phố 2, Phường 1, Đông Hà, kinh doanh thịt lợn cho biết: “Mức giá thịt lợn hiện nay là phù hợp với giá lợn hơi. Mỗi con lợn kể cả công mổ và công bán chỉ lãi được khoảng 700 - 800 ngàn đồng, gặp con có tỉ lệ thịt xẻ ít thì lãi chưa được chừng đó”.
Trên thị trường hiện giá cả nhiều mặt hàng thực phẩm tăng, giá thịt lợn dự đoán không thể giảm hơn, một phần là do so với chi phí sản xuất, giá thịt lợn ở mức trên là vừa phải, phần khác là phù hợp với tương quan giá các mặt hàng thực phẩm khác trong thời điểm hiện tại. Trước đây, khi giá thịt lợn hơi ở mức 30 - 40 ngàn đồng/kg thì giá thịt lợn mông 100 ngàn đồng/kg, người chăn nuôi bị thua lỗ nặng. Còn hiện nay giá thịt lợn hơi 70 - 75 ngàn đồng/kg thì giá thịt lợn mông 120 ngàn đồng/kg là hợp lý và người chăn nuôi có lãi ở mức phù hợp với mặt bằng thu nhập chung của người dân trên địa bàn.
Giá thịt lợn hơi tăng từ mức thấp lên mức cao như trong thời gian giữa năm 2020 một mặt do hụt nguồn cung, mặt khác cũng do sự điều tiết của thị trường. Trong một thời gian rất dài, người chăn nuôi thua lỗ hoặc lãi không nhiều, mức lãi không tương xứng với một ngành sản xuất quá nặng nhọc, làm mất công bằng đối với người chăn nuôi. Chăn nuôi hiện nay không còn theo kiểu tận dụng phế phụ phẩm trồng trọt để chi phí thấp, lấy công làm lãi và tăng trọng chậm nữa mà chuyển qua chăn nuôi theo kiểu công nghiệp và bán công nghiệp. Thức ăn cho lợn phần lớn là thức ăn công nghiệp, lợn ở lứa tuổi nào có loại thức ăn ở lứa tuổi đó, phù hợp với khả năng tiêu hóa và thúc đẩy tăng trưởng. Do chi phí cho thức ăn công nghiệp nhiều nên giá thành sản xuất lợn khá cao. Bình quân mức chi phí thức ăn cho tăng trọng 1 kg lợn hơi khoảng 60- 65 ngàn đồng.
Bên cạnh đó, các trang trại cũng như nông hộ chăn nuôi hiện nay phần lớn thực hiện đầy đủ công tác tiêm phòng và vệ sinh phòng dịch nên phát sinh thêm chi phí thú y so với chăn nuôi tận dụng trước đây. Bình quân mỗi con lợn chi phí thú y khoảng 70 - 80 ngàn đồng. Đó là chưa kể các chi phí khác trong chăn nuôi lợn như chi phí điện, nước, nhân công lao động, khấu hao chuồng trại… Ngoài ra, người chăn nuôi còn chịu nhiều rủi ro do các loại dịch bệnh luôn rình rập đối với đàn gia súc. Giá thịt lợn hơi như hiện nay là đảm bảo được lợi ích cho người chăn nuôi và đảm bảo được công bằng trong thu nhập của lao động giữa các ngành sản xuất. Mỗi con lợn sau 4 tháng nuôi lãi được khoảng 800 ngàn đồng. Mỗi năm nuôi được 2,5 lứa, thì một gia trang quy mô nuôi 100 con lợn thịt/lứa thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm là đảm bảo được cuộc sống cho gia đình và người lao động.
Hiện nay đang là thời gian sắp đón Tết Nguyên đán, nhu cầu thực phẩm đang tăng lên, nhất là thịt lợn. Do đó, dự báo giá thịt lợn có thể tăng lên nhưng tăng theo quy luật cung cầu hằng năm vào dịp Tết Nguyên đán chứ không tạo ra cơn sốt giá như thời kỳ xảy ra dịch tả lợn Châu Phi. Giá thịt lợn hơn tăng khoảng thêm 5.000 đồng/kg, thịt lợn mông tăng khoảng 10.000 đồng/kg. Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Trị Đào Văn An cho biết: “Thời gian qua, tốc độ khôi phục chăn nuôi sau dịch tả lợn Châu Phi tăng khá nhanh. Đến nay, tổng đàn lợn đạt 170.000 con. Do đó, việc hụt nguồn cung thịt lợn sẽ không xảy ra. Giá thịt lợn hiện nay đang ở mức hợp lý nên việc điều chỉnh giá thịt lợn sẽ theo quy luật cung cầu. Ngành nông nghiệp cũng đã quy hoạch phát triển chăn nuôi trong giai đoạn mới, trong đó chú trọng phát triển đàn phù hợp đảm bảo được thu nhập cho người chăn nuôi, đồng thời thúc đẩy phát triển sản xuất của ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng theo quy hoạch”.
Mối quan hệ giữa sản xuất và tiêu dùng trong chăn nuôi lợn trên địa bàn đang đảm bảo tính hợp lý và cân đối thu nhập giữa các bên tham gia vào chuỗi sản xuất. Điều này khuyến khích người chăn nuôi đầu tư phát triển đàn và người tiêu dùng cũng dễ dàng tiêu thụ thịt lợn mà không quá đắt so với giá các loại thịt gia súc, gia cầm khác. Trong chiến lược phát triển ngành chăn nuôi của tỉnh, ngoài phát triển tổng đàn, ngành nông nghiệp chú trọng phát triển chất lượng đàn theo hướng sản xuất sạch từ sản xuất đến tiêu thụ đáp ứng nhu cầu thị trường, đảm bảo tính bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe cho người tiêu dùng.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=154529