Bình ổn thị trường vàng để người tiêu dùng tiếp cận với giá hợp lý
Ổn định thị trường vàng giúp hạn chế biến động tỷ giá, kiểm soát kỳ vọng lạm phát, tránh dòng vốn đầu cơ chảy vào vàng gây méo mó thị trường; từ đó góp phần giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường thuận lợi cho tăng trưởng và củng cố niềm tin của người dân vào chính sách điều hành. Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Ngô Trí Long cho biết khi trao đổi với phóng viên.

Dù chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới khá cao, người dân vẫn đổ dồn mua. Ảnh: Lê Toàn
PV: Ông đánh giá thế nào về yêu cầu mới đây của Thủ tướng Chính phủ là đưa chênh lệch giá vàng về ngưỡng hợp lý?

Ông Ngô Trí Long: Mục tiêu bình ổn thị trường vàng là biến động giá vàng trong nước sát với thế giới, ngăn chặn tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế và bảo vệ người tiêu dùng.
Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới hiện nay đang ở mức cao từ 16 - 18 triệu đồng/lượng, gây ra nhiều lo ngại về tính minh bạch và bất ổn của thị trường vàng Việt Nam. Thị trường vàng ổn định sẽ hạn chế được biến động tỷ giá, kiểm soát kỳ vọng lạm phát, tránh dòng vốn đầu cơ chảy vào vàng gây méo mó thị trường, từ đó, góp phần giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường thuận lợi cho tăng trưởng và củng cố niềm tin của người dân vào chính sách điều hành.
Trước thực trạng đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nhanh chóng đưa chênh lệch này xuống mức hợp lý khoảng 1 - 2% để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và bảo vệ quyền lợi của người dân.
PV: Có ý kiến cho rằng, cần sớm bổ sung nguồn vàng ra thị trường hoặc cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng, bởi khi nguồn cung được khơi thông, khoảng cách giá giữa thị trường trong nước và quốc tế mới có cơ hội thu hẹp. Quan điểm của ông như thế nào?
Ông Ngô Trí Long: Nguồn cung không đáp ứng đủ cầu là một trong những nguyên nhân tạo ra sự chênh lệch đáng kể giữa giá vàng trong nước và thế giới. Vì thế, việc xem xét bổ sung nguồn cung vàng hoặc cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng theo cơ chế hiện hành là một giải pháp cần thiết và hợp lý.
Cùng với việc cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng theo cơ chế hiện hành, yêu cầu các đơn vị nhập khẩu bán sỉ cho các doanh nghiệp bán lẻ. Biện pháp này sẽ góp phần giúp giá vàng trong nước không chênh lệch quá cao so với thị trường thế giới. Điều này không chỉ giúp ổn định thị trường vàng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà còn góp phần vào sự ổn định kinh tế vĩ mô của đất nước.
Theo báo cáo của Hội đồng Vàng thế giới, nhu cầu nhập khẩu vàng nguyên liệu thô tối đa của Việt Nam chỉ khoảng 20 tấn vàng, trị giá khoảng 1,7 - 2 tỷ USD. Trong khi đó, năm 2024, Việt Nam đã thu về lượng ngoại tệ là 65 tỷ USD từ xuất siêu, vốn đầu tư nước ngoài và kiều hối, cho thấy khả năng đáp ứng nguồn ngoại tệ. Do đó, việc chi gần 2 tỷ USD để nhập khẩu vàng là hoàn toàn hợp lý và không gây áp lực lớn lên dự trữ ngoại tệ quốc gia.
Đồng thời, việc bổ sung nguồn cung vàng sẽ góp phần giảm động cơ buôn lậu khi giảm chênh lệch giá, góp phần kiểm soát thị trường hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, giá vàng trong nước hợp lý hơn sẽ bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, tránh thiệt hại do mua vàng với giá cao.
PV: Đó là giải pháp trước mắt, Thủ tướng cũng yêu cầu nghiên cứu hình thành sàn giao dịch vàng để người dân tự do mua bán. Theo ông, mô hình sàn giao dịch vàng cần tổ chức như thế nào để có thể triển khai, vận hành khả thi?
Ông Ngô Trí Long: Trước bối cảnh hiện nay, việc tái lập sàn vàng theo mô hình minh bạch, có quản lý nhà nước đang được xem xét như một giải pháp dài hạn.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo nghiên cứu thành lập sàn giao dịch vàng, nhằm mục tiêu quản lý hiệu quả thị trường, giảm chênh lệch giá trong nước và quốc tế; đồng thời tách bạch rõ ràng giữa vai trò quản lý nhà nước và hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng. Tuy nhiên, chúng ta chưa có kinh nghiệm trong việc triển khai và vận hành sàn giao dịch vàng một cách khả thi.
Theo tôi, việc thiết lập một mô hình sàn giao dịch vàng tại Việt Nam là cần thiết, nhưng phải tiếp cận từng bước, bài bản, minh bạch và chuyên nghiệp. Mô hình “sàn vàng quốc gia - giao dịch tập trung - giám sát chặt - doanh nghiệp vận hành” là một hướng đi phù hợp với điều kiện Việt Nam hiện nay, vừa bảo đảm ổn định vĩ mô, vừa đảm bảo quyền tự do giao dịch hợp pháp của người dân trong khuôn khổ thị trường có tổ chức.
Để mô hình triển khai khả thi, cần thực hiện theo lộ trình: Năm 2025 - 2026, hoàn thiện khung pháp lý sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP; ban hành quy chế hoạt động sàn vàng; năm 2026 - 2027 thành lập sàn giao dịch vàng thí điểm, kiểm thử với các tổ chức tài chính lớn; năm 2027 - 2028 mở rộng quy mô, triển khai chính thức, kết nối ngân hàng - kho bạc - thanh toán bù trừ điện tử và từ 2028 trở đi tăng dần vai trò của sàn trong hình thành giá vàng trong nước; giảm vai trò điều tiết hành chính.
PV: Xin cảm ơn ông!
Cải thiện môi trường kinh doanh an toàn, lành mạnh cho thị trường vàng
Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh an toàn, thuận lợi, lành mạnh, hấp dẫn để người dân tích cực đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp thay vì dự trữ vàng. Những chính sách về lâu dài như thuế, việc cấp quota, hạn ngạch cho phép xuất khẩu… sẽ là những công cụ điều tiết hữu hiệu và giúp Chính phủ linh động trong những tình huống cần phải điều tiết thị trường vàng.