Bình phong của các cơ quan đặc biệt
Suốt hơn nửa thế kỷ, Mỹ và Đức cùng nhau do thám các chính phủ hải ngoại thông qua một công ty Thụy Sĩ có tên là Crypto AG. Crypto AG chuyên bán các thiết bị mã hóa và những thiết bị này cũng dùng để do thám các khách hàng của họ. Những đối tác khách hàng này đến từ Pakistan, Ấn Độ, Syria, Saudi Arabia và thậm chí cả Vatican.
Crypto AG không phải là công ty đầu tiên (và chắc chắn cũng không phải là cuối cùng) được điều hành theo cách đó. Trên thế giới đang thực sự tồn tại những công ty bình phong chuyên hoạt động cho các cơ quan tình báo.
Brewster Jennings & Associates
Năm 1994, CIA đã thành lập công ty Brewster Jennings & Associates có trụ sở chính tại thành phố Boston (Thịnh vượng chung Massachusetts) như là công ty bình phong cho các viên chức bao gồm Valerie Plame (cựu giám đốc tác chiến của Lực lượng đặc nhiệm chung Iraq). Bà Vlarie Plame (năm 2003 bị phát giác làm gián điệp) đã liệt kê công ty này dùng làm nơi làm việc của bà cho mục đích thuế, mặc dù tờ Boston Globe mô tả nó có một số điện thoại cùng hòm thư bưu chính.
Dun & Bradstreet liệt kê Brewster Jennings là một “văn phòng dịch vụ pháp lý” với doanh thu thường niên đạt 60.000 Mỹ kim và có duy nhất 1 nhân viên: giám đốc điều hành (CEO) “Victor Brewster”. Chính quyền Mỹ thừa nhận đó là một công ty bình phong! CIA cũng dùng công ty này nhằm điều tra một đường dây tình báo hải ngoại bị cáo buộc, bao gồm ISL (Pakistan), mà theo tờ Sunday Times thì đường dây gián điệp này đang cố gắng lấy cắp những bí mật hạt nhân Mỹ.
Anom
Hồi năm 2018, FBI và cảnh sát Australia cùng nhấm nháp vài loại đồ uống khi họ đang lập kế hoạch bắt tội phạm bằng cách tạo nên Anom: một công ty ứng dụng được mã hóa. FBI được cho là đã trả 100.000 USD và giảm án tù cho các phạm nhân nhằm giúp xây dựng công nghệ mới bằng cách sử dụng khóa chính Trojan để giải mã và lưu trữ dữ liệu truyền qua ứng dụng này.
Anom được hơn 300 tổ chức tội phạm sử dụng bao gồm tội phạm có tổ chức người Ý, các băng quái xế giang hồ và những phần tử buôn lậu ma túy quốc tế. Khoảng 800 người bị tình nghi đã bị tóm vào năm 2021. Cảnh sát trưởng Reece Kershaw phía Australia nói: “Làm vài chai bia là có ý tưởng!”.
Xe chở hàng
Lẽ dĩ nhiên Anom không phải là doanh nghiệp đầu tiên của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA). Cuối thập niên 1980, ông Michael R. McGowan là một đặc vụ FBI tại Philadelphia, khi đó ông quản lý một khu vực ma túy có cái tên nôm na là “Hung Địa” (Đất xấu). Những tay buôn lậu đã chế ra những khoang ẩn giấu bên trong xe nhằm giấu ma túy tránh bị phát hiện bởi chó nghiệp vụ và cảnh sát, vì thế FBI nghĩ cách thuê một công ty chế tạo ra những chiếc xe “chở hàng” của riêng FBI. Theo đó họ đã thuê một nhà kho dùng làm phòng trưng bày và dùng một người cung cấp thông tin để phát tán tin tức. Chẳng mấy chốc việc kinh doanh phát tài.
Các cỗ xe đặc biệt này giúp FBI theo dõi các tuyến buôn lậu bằng cách dùng các băng ma túy hùng cứ dọc theo duyên hải Đông Hoa Kỳ. Cựu đặc vụ McGowan kể: “Vì quá nhiều việc để kinh doanh nên có lẽ chúng tôi chỉ dùng 7 trong số 10 băng đảng, cũng như có thể chọn lọc các băng mà chúng tôi muốn điều tra”.
Omnisec AG
Crypto có thể không phải là công ty Thụy Sĩ duy nhất dính líu đến gián điệp Mỹ. Vào năm 2020, Đài truyền hình SRF (Thụy Sĩ) bị cáo buộc rằng Omnisec AG (đối thủ chính của Crypto AG) dính dáng đến Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) và có thể cũng đã bán những loại máy móc đã bị thao túng. Vị giáo sư kiêm nhà mật mã học người Thụy Sĩ Ueli Maurer, tuyên bố trước truyền thông nước này rằng NSA đã tìm cách tiếp cận ông từ năm 1989 lúc ông hãy còn là một nhà nghiên cứu trẻ.
GS Ueli Maurer nhớ lại: “Tôi tuyên bố rằng mình chẳng động chạm gì đến các sản phẩm của Omnisec, tôi cũng không hậu thuẫn cho các hành vi thao túng sản phẩm”, sau đó vị giáo sư đã ngay tức khắc liên hệ với CEO của Omnisec để cảnh báo người này. GS Maurer kể: “Sau đó, có một cuộc họp diễn ra giữa các đại diện của NSA, CEO của Omnisec và cá nhân tôi. Tại đó, CEO của Omnisec đã loại trừ mọi sự hợp tác và chấm dứt liên lạc theo một cách rất rõ ràng và dứt khoát”. GS Maurer nói thêm rằng ông không có thông tin hay bằng chứng cụ thể nào cho thấy CEO của Omnisec tiếp tục liên lạc với NSA. Omnisec bị thanh lý trong năm 2017. NSA miễn bình luận.
Rana
Mỹ không phải là chính phủ duy nhất có tinh thần khởi nghiệp. Năm 2020, Bộ Tài chính Mỹ đã áp các lệnh trừng phạt nhắm vào nhóm đe dọa mạng APT39, 45 nhân viên công nghệ và một công ty tên là Rana (đều của Iran). Báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ chỉ rõ: “Bằng cách ngụy trang sau công ty bình phong của mình (Công ty máy tính tình báo Rana (gọi tắt là Rana), chính phủ Iran đã triển khai một chiến dịch phần mềm độc hại kéo dài nhiều năm nhắm mục tiêu vào những thành phần bất đồng chính kiến, các nhà báo, và các công ty quốc tế của Iran trong lĩnh vực lữ hành. Rana thúc đẩy những mục tiêu an ninh quốc gia của Iran cùng những mục tiêu chiến lược của Bộ An ninh và tình báo Iran (MOIS) bằng cách tiến hành các cuộc xâm nhập máy tính và các chiến dịch phần mềm độc hại chống lại kẻ thù, bao gồm các chính phủ hải ngoại và những cá nhân khác”.
Hàng không Hoa Kỳ
FBI vận hành một đội máy bay tầm thấp được trang bị công nghệ giám sát bằng video và điện thoại di động. Hãng tin AP đã theo dõi những chiếc máy bay này bay tới ít nhất 13 công ty bình phong chỉ riêng trong năm 2015, bao gồm KQM Aviation, NBR Aviation, FVX Research, và PXW Services. (FBI nhấn mạnh rằng các công ty này được dùng để bảo vệ an toàn cho các phi công).
Theo một báo cáo của Tổng thanh tra của Bộ Tư pháp Mỹ vào năm 2011 thì Cục Quản lý thực thi ma túy (DEA) cũng có đội máy bay riêng, ám chỉ 92 máy bay. Trong khi đó Công ty hàng không Mỹ (Air America) và Công ty vận tải hàng không phương Nam (Southern Air Transport) - vào những năm đầu tiên - do CIA vận hành, thực hiện các nhiệm vụ bay chiến đấu yểm trợ trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam.
Nortel
Có hay không việc Trung Quốc “khai tử” Nortel, từng một thời là hãng viễn thông lớn nhất Canada? Thời điểm năm 2000, Nortel có 90.000 nhân viên và giá trị thị trường đạt 250 tỷ USD. Năm 2009, công ty này phá sản. Cục Tình báo an ninh Canada (tương đương CIA) đã cảnh báo Nortel rằng tin tặc Trung Quốc có thể đánh đánh cắp dữ liệu (một cáo buộc mà phía Trung Quốc phủ nhận). Một địa chỉ email của Nortel đã chuyển tiếp thông tin tình báo đến Shanghai Faxian Corp (có vẻ đây là một công ty bình phong không có liên hệ gì với Nortel).
Ông Brian Shields, khi đó là cố vấn an ninh hệ thống, phát biểu với hãng tin Bloomberg rằng: “Nó giống như một cách tiếp cận bằng máy hút bụi vậy”. Ông Shields hoài nghi việc chính phủ Trung Quốc gây ra, song không ai chứng minh được chính phủ Trung Quốc hay các cơ quan tình báo của họ đứng phía sau vụ tấn công. Huawei phủ nhận bất kỳ sự liên quan nào đến Nortel, và về mặt pháp lý, Huawei đã lôi kéo các khách hàng lớn nhất của Nortel, đồng thời thuê các nhà nghiên cứu của Nortel để dẫn đầu phát triển mạng lưới 5G cho đại gia Trung Quốc.
Nhà máy thịt Nortel của Mossad
Y hệt như CIA, trong hàng thập kỷ qua, các công ty tình báo của Israel đang dùng rất nhiều công ty bình phong cho các hoạt động mật. Theo tiết lộ của ông Yossi Harel, cựu sĩ quan tình báo quân đội, người đã quản lý nhà máy Incoda ở Eritrea, tuyên bố Incoda (chuyên xuất khẩu thịt bò Ethiopia) do Mossad sở hữu hoàn toàn và nắm quyền hoạt động trong giai đoạn 1955-1964. Trong cuốn sách do mình chấp bút mang tựa đề “Liên lạc đáng sợ”, tác giả Harel mô tả nhà máy Incoda thực ra là một trạm tình báo của Israel ở Châu Phi.
Ông Harel khẳng định: “Chúng tôi có một kho vũ khí khổng lồ. Chúng tôi chỉ là vỏ bọc trong các giao dịch của Mossad. Khi họ (Mossad) phái ai đó đến một nước Arab, họ sẽ đi qua Incoda. Ngay trên tàu (chở thịt bò xuất khẩu) của mình, chúng tôi sẽ chuyển thư từ cho các điệp viên tại các nước Arab”.
Chiến dịch Huynh đệ
Khu nghỉ mát trên bờ Hồng Hải của Mossad tinh vi đến nỗi năm 2019, Netflix đã chuyển thể nó thành bối cảnh của một bộ phim kinh dị có sự thủ vai của nam diễn viên Chris Evans, Evans trong vai điệp viên đã bí mật thành lập một khu resort lặn biển dùng làm vỏ bọc để sơ tán người di cư Ethiopia gốc Do Thái đến nơi trú ẩn an toàn ở Israel.
Ông Gad Shimron, một trong những điệp viên đời thực của Mossad, người từng giúp hàng ngàn người di cư kể rằng lấy màn đêm làm vỏ bọc, các điệp viên Mossad sẽ giả vờ rằng họ đang đi dự tiệc với người Thụy Sĩ các y tá Hội Chữ Thập Đỏ - vào hàng tối thứ Sáu. Song thực tế thì họ đã rời resort bằng một đoàn xe tải để tiếp nhận 200 người di cư mỗi tuần, chở họ vượt qua các chốt gác để đến một con tàu hải quân Israel giương cờ nước ngoài. Bằng giọng trìu mến, cựu điệp viên Gad Shimron nhớ lại: “Tôi nghĩ đó là một trong số hiếm hoi những trường hợp trong lịch sử của Mossad khi một công ty bình phong có thể hái ra tiền”.
Gruppe 2
Trong siêu phẩm “Sống và hãy chết”, tác giả Ian Fleming cho nhân vật James Bond thủ vai một doanh nhân của Universal Export - một công ty bình phong của MI.6. Dường như cuộc sống có thể là một nghệ thuật bắt chước trong các góc tối của thế giới gián điệp London. Hakluyt (một cơ quan do các cựu điệp viên MI.6 thành lập) đã thuê một đặc vụ tình báo người Đức để do thám những nhà chiến dịch môi trường nhằm thay mặt cho các “đại gia” Shell và BP. Năm 2001, tờ Sunday Times tiết lộ rằng ông Mike Reynolds (giám đốc của Hakluyt kiêm trưởng trạm tình báo MI.6 tại Đức) đã thuê một người tên là Manfred Schlickenrieder (bí danh Camus) người từng có kinh nghiệm thu thập tình báo từ các phần tử cấp tiến như Phái Hồng quân (RAF).
Schlickenrieder được cho là người đứng đầu Gruppe 2-một công ty phim có trụ sở ở Munich. Người ngoài nhìn vào nói rằng Schlickenrieder là một “nhà quay phim đơn độc” đã dành hơn 15 năm để quay bộ phim tài liệu dang dở về Lữ đoàn đỏ của Ý.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/binh-phong-cua-cac-co-quan-dac-biet--i751198/