Thế giới cần nỗ lực giải quyết tình trạng ô nhiễm nhựa
Ngày 25/11, vòng đàm phán thứ 5 và cũng là vòng đàm phán cuối cùng của Ủy ban đàm phán liên chính phủ về ô nhiễm nhựa sẽ diễn ra tại thành phố cảng Busan, Hàn Quốc. Hiện vấn đề đang được quan tâm nhất hiện nay là liệu các quốc gia có thể đạt được thỏa thuận hay không, trong bối cảnh các nước vẫn bất đồng sâu sắc về cách thức tiếp cận thỏa thuận này.
Vòng đàm phán cuối của Ủy ban đàm phán liên chính phủ về ô nhiễm nhựa diễn ra từ ngày hôm nay tới 1/12, với sự tham dự của các đại diện từ 175 quốc gia. Các quốc gia sẽ thảo luận về một hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa, bao gồm cả trong môi trường biển.
Ủy ban đàm phán liên chính phủ về ô nhiễm nhựa được thành lập năm 2022 theo nghị quyết của Liên hợp quốc nhằm xây dựng một văn bản quốc tế có tính ràng buộc pháp lý liên quan đến ô nhiễm nhựa, bao gồm cả trong môi trường biển, dựa trên cam kết chấm dứt tình trạng này vào năm 2040. Tuy nhiên, dù đã trải qua 4 vòng đàm phán nhưng vẫn chưa đạt được nhiều tiến triển, do bất đồng về phạm vi áp dụng quy định, vốn sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của mỗi quốc gia.
Điểm bế tắc chính trong các cuộc đàm phán này là liệu có nên quản lý sản xuất polymer, một nguyên liệu quan trọng có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch hay không. Vòng đàm phán cuối sẽ nỗ lực thúc đẩy các quốc gia thành viên phá vỡ thế bế tắc để đi tới một thỏa thuận chung. Tuy nhiên, cơ hội đạt được đột phá vẫn rất mong manh, vì theo các bên, sự bất đồng giữa các nước rất khó giải quyết.
Mời quý vị và các bạn theo dõi chi tiết!