Bình Phước: 2ha điều thu được 20kg, làm gì để 'giải cứu' người dân?
Khi việc hỗ trợ nông dân trồng điều hồi 2016 - 2017 vẫn chưa xong, việc sản xuất nông sản thế mạnh của tỉnh Bình Phước tiếp tục gặp khó khăn mới trong năm nay.
Chồng chất lo âu qua nhiều năm
Trong tháng 11/2020, tại các buổi tiếp xúc cử tri của HĐND tỉnh Bình Phước trước kỳ họp lần thứ 12 khóa IX, nhiều người dân đã bức xúc phản ảnh về việc chậm hỗ trợ nông dân trồng điều bị thiệt hại do sâu bệnh trong niên vụ 2016-2017.
Vào thời điểm đó, nhiều hộ nông dân trồng điều trên địa bàn tỉnh đã bị thiệt hại nặng nề do dịch bệnh. Nhiều gia đình gần như bị mất trắng mùa điều, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở những xã vùng sâu, vùng xa.
Trước thực trạng đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 247/QĐ-UBND về việc hỗ trợ nông dân trồng điều bị sâu bệnh hại niên vụ 2016-2017 vào cuối tháng 1/2018.
Đây là chủ trương, chính sách mang đậm tính nhân văn, nhất là đối với hộ nghèo. Nhưng cho đến nay, vẫn còn nhiều hộ vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ của tỉnh.
Trong khi đó, do thời tiết biến đổi thất thường và ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc trồng điều tại Bình Phước lâm vào cảnh khó khăn hơn trong năm nay. Giá hạt điều lao dốc từ 28 nghìn đồng/kg đầu vụ còn 12-18 nghìn đồng/kg vào cuối vụ.
Hai năm liền mất mùa, ông Đỗ Ngọc Quyền ở thôn Phước Thịnh, xã Bình Tân, huyện Phú Riềng đã thu hoạch được hơn 5 tấn hạt điều từ tháng 4/2020 nhưng giá liên tục giảm khiến gia đình ông thấp thỏm lo âu.
Không được may mắn như ông Quyền, ông Nguyễn Viết Huy ở thôn 12, xã Long Hà, huyện Phú Riềng lại “nhàn rỗi” vì vườn điều ra bông và trái non đợt đầu tiên gặp cơn mưa trái mùa nên bị hỏng 80%. Khi điều ra bông đợt 2 thì gặp nắng nóng nên bị cháy hết bông.
Canh tác 2ha điều nhưng mỗi ngày gia đình ông Huy chỉ thu được khoảng 20kg. Đã đầu tư chi phí chăm sóc, bón phân và xịt thuốc hết hơn 20 triệu đồng nên ông Huy xác định, vụ điều năm nay thu không đủ bù chi.
Không chỉ năng suất và giá cả bị ảnh hưởng, đầu ra tiêu thụ cũng là khó khăn lớn của hạt điều Bình Phước.
Ông Bùi Văn Tân, chủ cơ sở sản xuất hạt điều Hoàng Long ở thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp cho biết: “Nếu không bị tác động xấu từ dịch bệnh Covid-19, bình thường cơ sở có thể làm ra được gần 100 tấn hạt điều để giao cho thương lái xuất khẩu sang Trung Quốc”.
Đồng thời, vào dịp cao điểm hằng năm, đơn đặt hàng cũng nườm nượp gửi tới không kịp làm. Tuy nhiên, kể từ sau tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đến nay, nhất là những đơn hàng phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc đã bị “đóng băng”. Nếu có làm ra sản phẩm cũng chấp nhận trữ lại và bán ở thị trường nội địa rất “nhỏ giọt”.
Bà Trần Thị Yến, Giám đốc HTX nông nghiệp Bù Gia Mập chia sẻ: “Chúng tôi có trên 500 ha trồng theo chuẩn hữu cơ, trong đó hơn 80% là các hộ dân tộc thiểu số. Những năm trước, HTX ký hợp đồng với công ty ở tỉnh Bình Dương trong việc thu mua toàn bộ điều với giá cao hơn 1 nghìn đồng so với giá thị trường. Sau khi kết thúc mùa vụ, nông dân còn được công ty bù giá 500 đồng/kg”.
Đến năm nay, công ty này ngưng thu mua nên thành viên HTX phải bán cho thương lái với giá bấp bênh. Giá thấp nhưng đa số nông dân trồng điều không dám phơi tích trữ vì không biết thị trường diễn biến thế nào.
Lấy tiền năm nay để “chữa cháy” năm cũ
Nói về việc hỗ trợ cho nông dân trồng điều, ông Trần Văn Lộc, Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bình Phước cho hay: “Đến nay, toàn tỉnh đã có 6 huyện, thị xã, thành phố thực hiện hỗ trợ xong cho nông dân theo Quyết định số 247/QĐ-UBND của UBND tỉnh”.
Cụ thể, huyện Lộc Ninh hỗ trợ 436,34 ha với kinh phí 872,68 triệu đồng; huyện Bù Đốp diện tích 362,6 ha với kinh phí hỗ trợ 725 triệu đồng. Còn thành phố Đồng Xoài diện tích 225 ha được hỗ trợ 450 triệu đồng.
Thị xã Phước Long diện tích 105,8 ha có kinh phí hỗ trợ là 211,6 triệu đồng; thị xã Bình Long 26,15 ha với kinh phí 52,3 triệu đồng. Cao nhất là huyện Bù Gia Mập với diện tích 3.610,95 ha được hỗ trợ 7,22 tỷ đồng.
Ngoài ra, huyện Bù Đăng đã giải quyết hỗ trợ được một phần cho nông dân, với kinh phí gần 4,1 tỷ đồng. Diện tích 8.894,29 ha được chia thành 2 đợt. Đợt 1 cho đối tượng nghèo và cận nghèo, mỗi hộ 1 triệu đồng và đã giải quyết cho 865 hộ.
Đợt 2 hỗ trợ cho các đối tượng nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách và đồng bào dân tộc thiểu số. Mỗi hộ 500 nghìn đồng chứ không theo diện tích. Tất cả cho 6.465 hộ là kinh phí 3,24 tỷ đồng.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn 3 huyện là Hớn Quản, Phú Riềng và Đồng Phú có nông dân trồng điều bị thiệt hại do sâu bệnh nhưng chưa được giải quyết hỗ trợ. Nguyên nhân được chỉ ra là khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 247/QĐ-UBND vào thời điểm năm tài chính 2017 đã kết thúc.
Vì thế, nguồn kinh phí, nguồn dự phòng năm 2017 của các huyện, thị xã được giao trước đó đã không còn. Hơn nữa, phần ngân sách tỉnh hỗ trợ cho 2 huyện Bù Gia Mập, Bù Đăng chưa được cấp bổ sung.
Thậm chí, khi rà soát diện tích trồng điều tại 2 huyện Đồng Phú và Bù Đăng đã phát sinh tăng thêm sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 247/QĐ-UBND. Cho nên chính quyền các huyện này không đủ kinh phí để hỗ trợ các hộ dân theo thực tế.
Thêm lý do khách quan khác là một số nông dân thuộc diện hỗ trợ đã chuyển đổi sang loại cây trồng khác, không có nhu cầu cung cấp thuốc bảo vệ thực vật mà mong muốn được hỗ trợ bằng phân bón hoặc tiền mặt.
Tuy nhiên, việc này khó thực hiện vì thủ tục rất phức tạp, vượt quá thẩm quyền của các Sở ngành, phải chờ UBND tỉnh quyết định.
Trước nhiều vướng mắc, sở NN&PTNT đã phối hợp cùng sở Tài chính thống nhất các nội dung đề nghị UBND tỉnh.
Qua đó, lãnh đạo tỉnh đã cho phép sở NN&PTNT thực hiện hỗ trợ theo Quyết định số 247/QĐ-UBND đối với các huyện, thị xã chưa hoàn thành hỗ trợ cho nông dân trồng điều bị sâu bệnh hại niên vụ 2016-2017.
Các huyện, thị xã tiếp tục sử dụng nguồn kinh phí dự phòng năm 2020 đã giao để chi hỗ trợ theo phân cấp ngân sách hiện hành.
Đối với kinh phí bổ sung cho 2 huyện Bù Đăng và Đồng Phú đã được sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh, chấp thuận cho bổ sung từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh năm 2020.
Trong khi vấn đề phát sinh tăng thêm diện tích thực tế với diện tích được UBND phê duyệt của 2 huyện Bù Đăng và Đồng Phú sẽ do chính quyền cấp huyện phối hợp với sở NN&PTNT báo cáo, trình phương án.
Đồng thời, việc chi hỗ trợ nông dân cũng được thông qua bằng nhiều hình thức như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hoặc là tiền.
Theo số liệu của ngành nông nghiệp, diện tích điều của Bình Phước hiện nay hơn 176 nghìn ha. Trong đó trên đất nông nghiệp là hơn 137 nghìn ha, còn trên đất lâm phần là 39 ngàn ha. Diện tích cho thu hoạch gần 170 nghìn ha.
Số diện tích điều tập trung chủ yếu tại 4 huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập, Phú Riềng và Đồng Phú. Diện tích đạt chuẩn chất lượng và sản phẩm có khoảng 64.104 ha, chủ yếu trồng tại khu vực đất thích nghi và rất thích nghi.