Bình Phước: Căng mình ứng phó nắng hạn
BÀI 2: CHỦ ĐỘNG CHỐNG HẠN, GẮN KẾT TÌNH QUÂN DÂN
BPO - Trước tình hình nắng hạn ở cấp khắc nghiệt và rất khắc nghiệt, nhiều nông dân đã chủ động có giải pháp sáng tạo để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Các cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn tỉnh và chính quyền cấp huyện, xã đã linh hoạt hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân vùng bị nắng hạn ổn định cuộc sống. Trong điều kiện càng khó khăn, tinh thần đoàn kết càng keo sơn, gắn bó.
DÙNG NĂNG LƯỢNG MẶT TRỜI THAY ĐIỆN LƯỚI
Nắng nóng kéo dài khiến nước dưới lòng suối Rạt thuộc huyện Đồng Phú cạn kiệt. Nhiều diện tích cây trồng của bà con bị thiếu nguồn nước tưới, đối mặt với giảm năng suất, chất lượng. Trước thực trạng này, ông Tống Công Đông, ấp 4B, xã Tân Lập, huyện Đồng Phú quyết tâm tìm giải pháp để có nước tưới vườn sầu riêng của gia đình. Ông Đông chia sẻ: Cây ăn trái, nhất là cây sầu riêng thời kỳ đậu trái non rất cần nước. Nếu thiếu nước, cây không đủ sức, trái non sẽ bị rụng. Gia đình tôi có 6ha sầu riêng 6 năm tuổi, năm nay bắt đầu thu hoạch, trái non đã bằng nắm tay. Để có nước tưới, giải pháp khoan giếng là điều chắc chắn. Tuy nhiên ở đây cách xa khu dân cư, không có điện lưới. Nếu gia đình tự kéo điện phải đầu tư kinh phí lắp đặt khoảng 400 triệu đồng, vượt khả năng tài chính. Sau khi đi một số nơi tham khảo, thấy hệ thống điện năng lượng mặt trời có thể thay thế điện lưới, đầu tư rẻ, tiện lợi hơn nên tôi quyết định chọn phương án này.
“Để gắn hệ thống pin năng lượng mặt trời, 2 giếng khoan, 2 máy bơm, mỗi máy công suất 3hp, chỉ hết 120 triệu đồng. Hàng ngày, khi nắng lên, pin tích điện, thông qua bộ chuyển đổi từ điện 1 chiều sang xoay chiều sẽ tự động bơm nước lên hồ chứa. Từ hồ chứa, máy bơm dầu tiếp tục bơm tưới cho từng gốc cây. Bài toán lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời thay cho điện lưới rất phù hợp với những hộ sản xuất ở khu vực xa trung tâm. Chi phí ban đầu không cao nhưng đáp ứng được nhu cầu nước tưới”.
Ông Tống Công Đông, ấp 4B, xã Tân Lập, huyện Đồng Phú
Ở ấp Sắc Si, xã Tân Phước, huyện Đồng Phú, nơi được coi là chảo lửa khiến đất nứt, cây khô. Trong khi nhiều hộ chua xót vì hệ quả của nắng hạn thì 6ha sầu riêng và chôm chôm Thái của gia đình ông Ngô Hoàng Tâm vẫn xanh mượt vì đủ nước tưới. Ông Tâm cho biết: Trước khi trồng cây, gia đình đã có sự chuẩn bị rất kỹ nguồn nước, chứ không phải đến khi nắng hạn mới tìm giải pháp. Ngoài khoan sẵn 2 giếng, đào 3 ao nổi để chứa thì hàng ngày, ông chủ động bơm từ giếng khoan lên ao để nguồn nước không bị nghẽn”.
CẤP NƯỚC CHO DÂN VÙNG KHÓ KHĂN
Mùa khô năm nay, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập vẫn phải đối mặt với hạn hán khắc nghiệt nhất tỉnh. Đầu tháng 3-2024, UBND xã đã khảo sát lập danh sách các hộ dân trong xã thiếu nước sinh hoạt để có hướng giải quyết. Vì thiếu nước nên một số hộ phải đi lấy nước từ các suối, ao, hồ về dùng. Hộ không đi lấy được nước suối buộc phải mua với giá khoảng 75.000 đồng/m3.
Box: Trước thực trạng khó khăn trên, UBND xã đã có văn bản gửi Đoàn Kinh tế quốc phòng (KT-QP) 778, Vườn quốc gia Bù Gia Mập và Đồn biên phòng Bù Gia Mập về việc phối hợp hỗ trợ vận chuyển, cung cấp nước sinh hoạt cho bà con. Đồng thời, xã phân công cán bộ các đoàn thể, cán bộ công chức thay phiên nhau phối hợp các lực lượng thực hiện việc cấp nước.
Ông Phạm Sỹ Hoàn, Chủ tịch UBND xã Bù Gia Mập
Thiếu tá Đỗ Văn Thắng, Đội trưởng đội sản xuất số 5, Đoàn KT-QP 778, người được giao chủ trì theo dõi và phụ trách công tác cấp nước chia sẻ: “Từ ngày 19-3, cán bộ chiến sĩ đơn vị phối hợp với các lực lượng đã triển khai cấp nước. Chúng tôi lên phương án, trước mắt vận động và bơm nước từ giếng khoan công nghiệp của các hộ Điểu Then, thôn Bù Lư, Điểu Vơn thôn Bù Dốt, Nguyễn Huy Hoàng khu chợ xã Bù Gia Mập chia sẻ nước cho bà con. Khi giếng cạn mới lấy nước từ suối Đắk Mai, xã cũng đã chuẩn bị hóa chất để khử trùng, lọc nước. Mặc dù khó khăn do địa bàn rộng, đường đi tới từng hộ xa, đường hẹp xe bồn không vào được, nhưng hộ nào cũng chuẩn bị sẵn xô, chậu, thùng phuy, can nhựa để đựng nước, tinh thần rất phấn khởi”.
Thượng úy chuyên nghiệp Nguyễn Thanh Định, Đoàn KT-QP 778 trực tiếp lái xe cấp nước hàng ngày cho biết: “Mỗi ngày chúng tôi vận chuyển được 4 xe bồn, mỗi xe 8 khối nước. Trung bình một ngày cấp được cho khoảng 32 hộ, mỗi hộ khoảng 1m3.
Cùng cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 778, các cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Bù Gia Mập cũng tham gia đều đặn. Mặc dù phải tập trung lực lượng cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, tuy nhiên Vườn quốc gia Bù Gia Mập vẫn tranh thủ bố trí xe của đơn vị phối hợp cấp nước cho bà con.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và Cục Chính trị Quân khu 7 về việc yêu cầu các đơn vị trong lực lượng vũ trang quân khu phối hợp với địa phương nắm tình hình, khảo sát và hỗ trợ nhân dân trên địa bàn đóng quân thiếu nước sạch sinh hoạt do ảnh hưởng của hạn hán. Đảngủy - Chỉ huy Đoàn KT-QP778 đã chỉ đạo các đội sản xuất khảo sát nắm tình hình. Với tinh thần “Ở đâu nhân dân thiếu nước, ở đó có bộ đội Đoàn KT-QP 778” đáp ứng. Từ ngày 19-3- 2024, Đoàn KT-QP 778 đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã Bù Gia Mập, Đồn biên phòng Bù Gia Mập và Vườn quốc gia Bù Gia Mập tiến hành cấp nước sạch cho người dân trên địa bàn xã Bù Gia Mập. Việc cấp nước được thực hiện cả thứ Bảy, Chủ nhật, đến nay đã đáp ứng cho hơn 300 hộ. Đây là việc làm hằng năm của đơn vị, không riêng xã Bù Gia Mập mà nhân dân các xã còn lại trong vùng dự án nếu thiếu nước sạch sinh hoạt cũng sẽ được đơn vị phối hợp với địa phương kịp thời cấp nước đầy đủ. Việc làm này nhằm thắt chặt hơn mối quan hệ đoàn kết quân, dân qua đó thực hiện tốt chức năng của đơn vị là đội quân công tác.
Thượng tá HOÀNG VĂN HÙNG,
Chính ủy Đoàn KT-QP 778, Quân khu 7
Hộ bà Thị Sriêng và hộ ông Điểu Đu ở thôn Bù La, thuộc diện khó khăn vì tuổi già, sức yếu, khi được cấp nước rất xúc động. Bà Thị Sriêng chia sẻ: “Gia đình không có bể, chỉ có thùng phuy và một vài dụng cụ chứa nước nên sẽ cố gắng xài tiết kiệm, đợi mưa xuống là vừa. Cảm ơn bộ đội và lãnh đạo xã quan tâm”.
Trước tình hình nắng hạn kéo dài, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo người dân cần cải tạo, nạo vét giếng, chia sẻ nguồn nước trong thời gian nắng hạn, thực hiện tiết kiệm nước trong sinh hoạt và sản xuất, tránh lãng phí nguồn nước. Bà con nên ưu tiên sử dụng cho sinh hoạt, nước uống cho gia súc, gia cầm. Đối với cây trồng, người dân cần có biện pháp tưới tiết kiệm, ủ gốc để giữ ẩm, giảm thiểu sự bốc hơi nước gây thiệt hại.
Ông HOÀNG MẠNH THƯỜNG,
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/155636/binh-phuoc-cang-minh-ung-pho-nang-han