Bình Phước: Cây xanh chết dần, tiền tỷ rụng theo lá khô
Hệ thống cây xanh (CX) trồng trên các tuyến đường trọng điểm ở tỉnh Bình Phước đang chết dần. Khoản tiền ngân sách rót vào hạng mục này nguy cơ đổ sông đổ biển vì chủ đầu tư (CĐT) chỉ làm cho có!
Cây trồng 10 năm, dù chăm vẫn chết
Một trong những dự án (DA) CX lớn của Bình Phước là phủ xanh tuyến đường vành đai hồ Suối Cam (TP. Đồng Xoài). Đây là DA trọng điểm của tỉnh Bình Phước được đầu tư trên 100 tỷ đồng để chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội trước đó.
Thế nhưng, sau gần 13 năm trồng, chăm sóc, hàng trăm gốc cây sao trên tuyến đường này đang "chết mòn" theo thời gian. Theo quan sát của PV Chuyên đề Công an TPHCM, hàng chục gốc cây sao đường kính 15 - 20cm chết dần, nhiều cây tán lá vàng úa, héo rụng; một số gốc chết khô bị cưa bỏ vì không thể cầm cự khi mùa khô đến. Dọc theo tuyến này, nhiều cây chết đã được đơn vị thay thế, "dặm vá” bằng một số cây con lèo tèo, nhiều cây khác trụi lá, không thể phát triển sau hơn chục năm trồng và chăm sóc.
Chạy dọc hai bên đường dưới cái nắng chói chang, nhóm PV vẫn không thể tìm được bóng mát để tạm lánh. Anh Q.N.T (ngụ ấp Suối Cam, TP.Đồng Xoài) chia sẻ: "Cây xanh trên tuyến này trồng lâu rồi nhưng chẳng thấy lớn, không biết họ trồng kiểu gì, chăm sóc ra sao mà hàng trăm cây ngắc ngoải từ từ! Cứ thế này, vài năm nữa chắc phải đào lên trồng mới lại quá".
Theo anh Hiền - kỹ sư cảnh quan, việc trồng CX trên vỉa hè (VH), muốn phát triển phải bảo đảm nhiều yếu tố kỹ thuật như: cách bứng bầu, sử dụng đất mùn, phân bón lót..., cây non đường kính không quá 10cm; ngoài ra, thêm yếu tố phụ như hố đào, cách trồng, khâu tưới nước, bón phân... phải được giám sát chặt, cây mới bảo đảm phát triển về sau. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV thì gần 1.000 gốc cây sao trồng tại DA "trọng điểm" này phần lớn được bứng về từ việc giải tỏa hàng CX dọc Quốc lộ 14 khi đã được trồng trước đó hơn 5 năm, chính vì vậy việc "trám chỗ" trên có thể dẫn đến hậu quả như hiện nay.
"Điệp khúc" trồng, chặt kéo dài!
Tại khu trung tâm hành chính thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú, tình cảnh cũng chẳng khá hơn, chỉ mới tách lập hơn 15 năm nay nhưng hệ thống CX ở khu này đã trải qua 3 lần chặt bỏ, trồng mới... "Điệp khúc" trồng, chặt này đã ngốn hàng tỉ đồng tiền thuế của dân, trong khi bóng mát... vẫn chẳng thấy đâu!
Tại tuyến đường trung tâm cổng chào, chỉ với khoảng 2km VH đã trải qua 3 đời CX gồm: cây viết, dầu và hiện tại là gõ đỏ. Chúng tôi rảo quanh một vòng khu trung tâm hành chính này, tận mắt chứng kiến những cây gõ đỏ sau gần 5 năm trồng vẫn suy dinh dưỡng. Nhiều gốc gõ loe ngoe như mới được trồng qua 1 mùa mưa, một số cây chỉ bằng cùm tay trẻ em dù đã trải qua 5 mùa chăm sóc.
Theo tiết lộ của anh Th. - một nhà thầu phụ thi công CX: "Chúng tôi nhận lại từ nhà thầu chính, giá chát lắm nên nếu làm đúng quy trình, kỹ thuật thì lỗ nặng, vì thế chủ yếu trồng sao cho cây sống để nghiệm thu" (!). Anh Đông Vương - kỹ sư chuyên giám sát công trình - cho biết thêm, hầu hết những CX sống mà không thể lớn là do quá trình thi công, đơn vị làm VH dư xà bần, bê-tông... không chịu đem bỏ mà vùi đại xuống hố CX; đến khi trồng, họ mặc kệ, không đào lên mà nhét đại cây xuống; rễ cây không có đất sống, chạm toàn đá, xà bần thì phát triển sao nổi!".
Tại tuyến đường trung tâm hành chính huyện Đồng Phú, ngoài việc hàng CX bị "xóa sổ" đến 2 lần, VH cũng bị đào lên, lót lại, khiến người dân bức xúc với "điệp khúc" trồng, chặt, đào, lắp... của CĐT. Anh T.Đ.X (ở thị trấn Tân Phú) ngán ngẩm: "Chẳng hiểu họ làm ăn kiểu gì, trồng cây lên được vài năm, có tí bóng mát lại chặt, trồng cây khác... Cây khác chưa được 3 năm lại cưa bỏ để trồng mới. Hàng cây cẩm lai này là loại thứ 3 rồi" .
Tìm hiểu, chúng tôi được biết CĐT của hầu hết hạng mục CX, VH các tuyến đường trung tâm thị trấn Tân Phú là Phòng Kinh tế hạ tầng huyện. Ngoài việc dành hơn 3 tỷ đồng mỗi năm cho khâu chăm sóc CX, mỗi lần chặt phá, trồng lại, lót mới..., CĐT phải chi thêm hàng tỷ đồng tiền ngân sách để "cải thiện" bộ mặt đô thị.
Chính sự "ngó lơ” của CĐT đã làm cho CX, VH huyện Đồng Phú hơn 15 năm qua vẫn sống "ngắc ngoải", tạo điều kiện cho nhà thầu "rút ruột" CX. Xem ra ước mơ bóng mát cho người dân vẫn chỉ là mơ ước!