Bình Phước: Điều tra làm rõ 2 vụ tai nạn lao động

Ngày 27-5, Công an tỉnh Bình Phước phối hợp Công an thị xã Chơn Thành điều tra 2 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) nghiêm trọng vừa xảy ra trên địa bàn

Tai nạn khiến anh Nguyễn Văn L. (SN 1986, quê tỉnh Hà Tĩnh; công nhân Công ty TNHH Azure Wooden ở khu phố 10, phường Hưng Long, thị xã Chơn Thành) và chị Võ Thị Ngọc A. (SN 1985, ngụ TP HCM; công nhân Công ty Leoch Super Power - Khu Công nghiệp Becamex Bình Phước ở phường Minh Thành, thị xã Chơn Thành) tử vong thương tâm.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Phạm Thị Mai Hương, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước, cho biết đã thành lập đoàn điều tra cấp tỉnh theo quy định tại Nghị định 39/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động (AT-VSLĐ) để làm rõ nguyên nhân 2 vụ TNLĐ, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, kiến nghị xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật.

Khu vực nơi xảy ra tai nạn lao động khiến chị Võ Thị Ngọc A. tử vong

Khu vực nơi xảy ra tai nạn lao động khiến chị Võ Thị Ngọc A. tử vong

Bà Hương cho rằng những vụ TNLĐ xảy ra trong thời gian gần đây là rất đáng tiếc, thương tâm, để lại hậu quả nặng nề về người và tài sản... Việc này cho thấy tính cấp thiết trong công tác AT-VSLĐ. Nguyên nhân dẫn đến TNLĐ cũng rất đa dạng, từ sự chủ quan của người lao động, sự thiếu quan tâm, tắc trách của chủ sử dụng lao động đến những lỗ hổng trong công tác quản lý, kiểm tra an toàn. Người sử dụng lao động, cán bộ làm công tác AT-VSLĐ và người lao động chưa tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật về kiểm định thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.

Bà Hương nhấn mạnh phải có giải pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các vụ TNLĐ xảy ra trong quá trình làm việc tại doanh nghiệp nói chung và đối với các ngành nghề có nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ nói riêng. Cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức và ý thức tuân thủ pháp luật về AT-VSLĐ của người sử dụng lao động và người lao động, đưa văn hóa an toàn vào doanh nghiệp. Tăng cường tần suất thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về AT-VSLĐ để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.

Cũng theo bà Hương, doanh nghiệp phải thực hiện trang bị đầy đủ, đúng chủng loại phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động. Huấn luyện AT-VSLĐ cho người lao động trước khi giao việc theo đúng quy định về nội dung huấn luyện, thời gian huấn luyện, kiểm tra sát hạch sau huấn luyện. Xây dựng, niêm yết các quy trình vận hành an toàn, quy trình xử lý sự cố của các hệ thống, máy móc, thiết bị. Định kỳ hằng tháng, hằng quý doanh nghiệp phải tổ chức tự kiểm tra về AT-VSLĐ của các nhà xưởng, máy móc, thiết bị, tiến hành khắc phục, sửa chữa những sự cố hỏng hóc có thể gây mất an toàn trước khi đưa vào sử dụng.

Bài và ảnh: Sỹ Hưng

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/binh-phuoc-dieu-tra-lam-ro-2-vu-tai-nan-lao-dong-196240527210753073.htm