Bình Phước, Gia Lai ghi nhận hàng nghìn ca mắc sốt xuất huyết
Dịch sốt xuất huyết ở các tỉnh khu vực phía nam đang bùng lên, diễn biến phức tạp. Số ca mắc đang tăng mạnh và đã có một số trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, cơ quan y tế khuyến cáo không được lơ là, chủ quan với dịch bệnh.
Bình Phước ghi nhận gần 3.100 ca mắc và 5 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết
Phóng viên Thiên Lý/VOV tại TP.HCM cho biết: Tính đến ngày 31/7, Bình Phước ghi nhận gần 3.100 ca sốt xuất huyết, tăng hơn 1.200 ca; tử vong 5 trường hợp, tăng 1 trường hợp so với cùng kỳ năm 2021. Các địa phương có nhiều ca mắc sốt xuất huyết là thành phố Đồng Xoài, huyện Chơn Thành, huyện Đồng Phú...
Để dập dịch, UBND tỉnh Bình Phước đã phát động phong trào diệt lăng quăng, bọ gậy, diệt muỗi trưởng thành cho người dân ở các địa phương; đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh để tự giác phòng tránh.
Đối với các cơ sở y tế cũng chuẩn bị đầy đủ thuốc, dịch truyền kịp thời thu dung, điều trị bệnh nhân không để xảy ra trường hợp tử vong. Bình Phước củng cố đội cơ động phòng, chống dịch sốt xuất huyết các tuyến, thường xuyên diễn tập, vận hành trang thiết bị, sẵn sàng đáp ứng khẩn cấp khi phát hiện ổ dịch.
Sốt xuất huyết diễn biến phức tạp ở Gia Lai với hơn 2.400 ca mắc
Phóng viên Hoàng Qui/VOV thường trú khu vực Tây Nguyên đưa tin: Sốt xuất huyết tại Gia Lai đang diễn biến hết sức phức tạp với hơn 2.400 ca mắc, xảy ra ở tất cả 17 huyện, thị xã, thành phố. Trước thực tế này, ngành y tế tỉnh Gia Lai đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm khống chế.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai, hiện nay sốt xuất huyết đã bùng phát mạnh ở tất cả 17 huyện, thị xã, thành phố với 2414 ca mắc, tăng hơn 6 lần so với cùng kì năm ngoái. Chỉ từ tháng 6 đến nay, Gia Lai đã có khoảng 2000 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Các huyện có số ca mắc sốt xuất huyết cao là huyện Ia Grai 321 ca, thành phố Pleiku 233 ca, Krông Pa 188 ca, Ia Pa 155 ca…với 511 ổ dịch.
Cũng theo ngành y tế Gia Lai, số ca mắc sốt xuất huyết sẽ tiếp tục tăng cao cho đến tháng 10 năm nay vì thời điểm này có mưa nhiều, thời tiết ẩm thấp, là môi trường để loăng quăng, bọ gậy phát triển. Chính vì vậy, ngoài những nỗ lực của ngành y tế trong phòng chống sốt xuất huyết thì điều kiện tiên quyết là người dân không được chủ quan phòng bệnh.
Ông Đinh Hà Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế Gia Lai cho biết, theo chu kì của sốt xuất huyết thì năm 2016 Gia Lai có số ca mắc là trên 13.000 ca, năm 2019 là trên 11.000 ca và năm nay là năm trùng với chu kì đó nên nguy cơ tỷ lệ sốt xuất huyết trên địa bàn sẽ cao.
"Người dân cố gắng thực hiện hướng dẫn của ngành chuyên môn đặc biệt là công tác vệ sinh môi trường, đặc biệt là không để nước đọng. Người dân hãy cố gắng từ 5 đến 7 ngày hãy kiểm tra chung quanh khu vực sinh sống của mình xem có nước đọng hay không để loại bỏ phát triển loăng quăng bọ gậy”, ông Nam lưu ý./.