Bình Phước: Khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục dẫn dắt nền kinh tế trong năm 2024

Năm 2024, mặc dù tình hình địa chính trị thế giới đã tác động không nhỏ đến phát triển kinh tế của Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Phước nói riêng. Tuy nhiên, trong khó khăn, tình hình kinh tế Bình Phước vẫn đạt nhiều thành quả tích cực, trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng vẫn là nhân tố chính đóng góp vào tăng trưởng chung…

Kinh tế Bình Phước có xu hướng phục hồi mạnh trong bối cảnh khó khăn chung từ các tác động bên ngoài.

Kinh tế Bình Phước có xu hướng phục hồi mạnh trong bối cảnh khó khăn chung từ các tác động bên ngoài.

Báo cáo kinh tế – xã hội tỉnh Bình Phước năm 2024 cho thấy, xu hướng phục hồi tăng trưởng với những thành quả tích cực với tổng sản phẩm trên địa bàn toàn tỉnh (GRDP) năm 2024 (theo giá so sánh 2010) đạt gần 61.293 tỷ đồng, tăng hơn 9,3% so với năm 2023.

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt gần 17.828 tỷ đồng, tăng gần 5,2%, đóng góp 1,57 điểm phần trăm vào tăng trưởng GRDP của tỉnh. Khu vực công nghiệp và xây dựng đạt gần 21.709 tỷ đồng, tăng gần 15,2%, đóng góp 5,10 điểm phần trăm vào tăng trưởng GRDP của tỉnh, tăng 5,47% so với cùng kỳ năm trước (năm 2023 tăng 9,72%). Tính riêng ngành công nghiệp tăng gần 16%, trong đó, ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng cao nhất gần 17,2% giữ vai trò là động lực chính trong khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp phần tăng trưởng GRDP của tỉnh.

Khu vực dịch vụ đạt gần 19.483 tỷ đồng, tiếp tục đà khởi sắc mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng 7,8%, đóng góp 2,52 điểm phần trăm vào tăng trưởng GRDP của tỉnh. Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt gần 2.274 tỷ đồng, tăng trưởng 3,2% so với năm 2023.

Về cơ cấu nền kinh tế năm 2024, khu vực công nghiệp và xây dựng vẫn giữ vị trí dẫn dắt nền kinh tế chiếm 44,36%, tiếp theo đó là khu vực dịch vụ chiếm 30%, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 22,08%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 3,56%. GRDP bình quân đầu người năm 2024 là 108,59 triệu đồng, tăng gần 14% so với năm 2023.

Bên cạnh đó, về phát triển doanh nghiệp trên địa bàn Bình Phước, tính chung năm 2024, trên địa bàn tỉnh có 1.246 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký gần 15.451 tỷ đồng, 358 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc quay trở lại hoạt động… trong đó, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý IV/2024 cho thấy, hơn 30,5% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý tốt hơn quý trước; 22% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 47,46% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. Dự kiến quý I/2025 có 40,68% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 16,95% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 42,37% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định. Điều này chứng tỏ sự kỳ vọng của doanh nghiệp về năm mới 2025 với nhiều khởi sắc…

Đối với thu hút đầu tư tại Bình Phước năm 2024 cho thấy, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành ước tính đạt hơn 37.813 tỷ đồng, tăng hơn 13% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: vốn khu vực Nhà nước đạt hơn 5.256 tỷ đồng, chiếm gần 14%, tăng gần 13% so với năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt trên 23.513 tỷ đồng, chiếm hơn 62%, tăng 9,16%; khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt hơn 9.043 tỷ đồng, chiếm gần 24%, tăng trên 49%.

Khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục dẫn dắt nền kinh tế trong năm 2024 với mức tăng trưởng tăng gần 15,2%.

Khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục dẫn dắt nền kinh tế trong năm 2024 với mức tăng trưởng tăng gần 15,2%.

Một số công trình trọng điểm đang thực hiện từ vốn đầu tư công góp phần tạo diện mạo mới cho tỉnh phải kể đến như: Đường phía Tây Quốc lộ 13 đoạn Chơn Thành - Hoa Lư tỉnh Bình Phước; Xây dựng đường phía Tây Quốc lộ 13 kết nối Bàu Bàng; Xây dựng cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Bình Phước (giai đoạn 2); Nâng cấp, mở rộng ĐT753 và xây dựng cầu Mã Đà kết nối với sân bay quốc tế Long Thành Đồng Nai và cảng Cái Mép, Thị Vải Bà Rịa - Vũng Tàu; Dự án tăng cường khả năng thoát lũ Suối Rạt; Đầu tư thiết bị, phần mềm, cơ sở dữ liệu phục vụ xây dựng chính quyền số, địa phương thông minh tỉnh Bình Phước giai đoạn 2022- 2025… Song song với thành quả của kinh tế, các chỉ tiêu về xã hội cũng được tỉnh Bình Phước chú trọng, quan tâm và đạt nhiều thành quả tích cực trong năm 2024.

Cụ thể, tỉnh Bình Phước cho biết, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 47.741 lao động, đạt 111,03% kế hoạch. Đào tạo nghề cho 24.684 người, đạt gần 206% kế hoạch năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề nghiệp đang làm việc trong các thành phần kinh tế chiếm 67% tổng số lao động, đạt 100% so với kế hoạch năm, duy trì tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 3%.

Chương trình giảm nghèo bền vững đã nhận được sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Chương trình cũng nhận được sự quan tâm, ủng hộ ngày càng nhiều nguồn lực xã hội, qua đó đã sớm đưa các chính sách hỗ trợ, giúp hộ nghèo thoát nghèo hiệu quả. Đầu năm 2024 toàn tỉnh có 1.121 hộ nghèo, theo báo cáo sơ bộ kết quả rà soát, toàn tỉnh giảm được 659 hộ nghèo, trong đó có 351 hộ nghèo dân tộc thiểu số…

Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đưa ra các chỉ tiêu phấn đấu về kinh tế. Trong đó xác định mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 9%; cơ cấu kinh tế: công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 54%, thương mại - dịch vụ chiếm khoảng 35%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 11%; kinh tế số chiếm tỷ trọng 30%; GRDP bình quân/người đạt 180 triệu đồng (tương đương 7.500 đô la Mỹ).

Công Danh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/bi-nh-phuo-c-khu-vuc-cong-nghiep-va-xay-dung-tie-p-tu-c-da-n-da-t-ne-n-kinh-te-trong-nam-2024-392507.html