Bình Phước sẽ là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, là 'điểm đến hấp dẫn' của vùng Đông Nam Bộ

Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt vào ngày 24-11-2023 (Quyết định số 1489/QĐ-TTg) và phê duyệt điều chỉnh vào ngày 24-10-2024 (Quyết định số 1259/QĐ-TTg).

Quy hoạch đặt mục tiêu phát triển đến năm 2030, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, là “điểm đến hấp dẫn” của vùng Đông Nam Bộ, có quy mô kinh tế khá dựa trên xây dựng đồng bộ nền tảng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, phát triển các cụm ngành có tiềm năng tạo nhiều việc làm có thu nhập và nguồn thu ngân sách; nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới với đô thị; tăng cường kết nối vùng thông qua phát triển hệ thống hạ tầng trọng yếu; hoàn thành chính quyền điện tử, từng bước chuyển dần sang chính quyền số; đảm bảo quốc phòng - an ninh vững chắc; xây dựng tổ chức Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.

Tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu xây dựng tỉnh Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển giàu mạnh và văn minh, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng Đông Nam Bộ, tương đương các tỉnh có trình độ phát triển khá của cả nước; không gian phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn; xây dựng đô thị theo hướng sinh thái, hiện đại và bền vững; xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, văn minh; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, dân tộc, con người phát triển toàn diện, môi trường sống trong lành, là “điểm đến hấp dẫn” của vùng Đông Nam Bộ.

Kính thưa quý độc giả!

Bình Phước có nhiều lợi thế cho phát triển, đặc biệt là đất đai và vị trí ở vùng Đông Nam Bộ. Những năm qua, các lợi thế này đã bước đầu được phát huy, nhưng vẫn còn có hạn chế như: Quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn so với các tỉnh trong vùng; thu hút đầu tư chưa nhiều so với các tỉnh, chưa có các nhà đầu tư lớn đến làm ăn; thu ngân sách chưa cân đối được chi; quy mô dân số còn nhỏ, đô thị hóa còn thấp…

Để phát huy hết tiềm năng, khắc phục các điểm nghẽn, hướng tới các mục tiêu phát triển kinh tế trong thời gian tới, UBND tỉnh Bình Phước tổ chức lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 nhằm xác định phương án phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, phát huy các tiềm năng, lợi thế, cơ hội mới, huy động tối đa các nguồn lực trong hoạt động đầu tư, loại bỏ các quy hoạch chồng chéo, cản trở sự phát triển để xây dựng và đưa Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, phát triển toàn diện và bền vững.

Tuyến bài Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 sẽ cung cấp thông tin toàn diện về Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bài 1:
CÁC YẾU TỐ, ĐIỀU KIỆN PHÁT TRIỂN ĐẶC THÙ CỦA TỈNH BÌNH PHƯỚC

Vị trí địa lý

Bình Phước là tỉnh nằm ở phía Bắc vùng Đông Nam Bộ, tổng diện tích tự nhiên 6.873,56km2, là tỉnh có diện tích lớn nhất miền Nam, chiếm khoảng 2% diện tích cả nước, 30% diện tích vùng Đông Nam Bộ ở tọa độ địa lý từ 11o07’ đến 12o19’ độ vĩ Bắc, 106o24’ đến 107o25’ độ kinh Đông; phía Đông giáp tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai; phía Tây giáp tỉnh Tây Ninh, Vương Quốc Campuchia; phía Nam giáp tỉnh Bình Dương và phía Bắc giáp tỉnh Đắk Nông, Vương Quốc Campuchia.

Bình Phước có vị trí địa lý chiến lược, giữ vai trò quan trọng trong hành lang kinh tế mới, là 1 trong 6 tỉnh của vùng Đông Nam Bộ, là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long với Tây Nguyên và quốc tế, đặc biệt với Campuchia, Thái Lan. Hệ thống giao thông của Bình Phước (quốc lộ 14, quốc lộ 13, đường Hồ Chí Minh…) là một phần của mạng lưới giao thông liên vùng quan trọng của quốc gia. Với các tuyến đường chính như quốc lộ 13 từ cầu Tham Rớt đi từ phía Nam lên phía Bắc qua trung tâm thị xã Chơn Thành, thị xã Bình Long đến Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư với tổng chiều dài là 79,90km. Quốc lộ 14 nối các tỉnh Tây Nguyên qua Bình Phước về Thành phố Hồ Chí Minh với 112,70km. Trung tâm tỉnh lỵ Bình Phước cách sân bay Tân Sơn Nhất 110km, sân bay quốc tế Long Thành gần 100km và các cảng nước sâu như Đồng Nai, Sài Gòn, Thị Vải.

Hệ thống giao thông của Bình Phước (quốc lộ 14, quốc lộ 13, đường Hồ Chí Minh…) là một phần của mạng lưới giao thông liên vùng quan trọng của quốc gia - Ảnh: Tiến Dũng

Bên cạnh đó, các tuyến đường khác như tỉnh lộ 741 kết nối trung tâm tỉnh (thành phố Đồng Xoài) với các huyện, thị xã; các tuyến đường liên huyện; các tuyến đường nối với tỉnh Tây Ninh, Lâm Đồng, Đồng Nai và gần 90% tuyến đường đến trung tâm các xã được láng nhựa, rất thuận tiện, giúp Bình Phước trở thành một địa bàn cửa ngõ, đóng vai trò trung chuyển giữa Nam Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ.

Ngoài ra, tỉnh có trên 258,9km đường biên, 3 huyện biên giới tiếp giáp với 3 tỉnh của Vương quốc Campuchia gồm Tbong Khmum, Kratie, Mondulkiri; với 4 cửa khẩu và 1 lối mở. Trong đó, Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư có điều kiện giao thông thuận lợi đưa tỉnh trở thành địa phương quan trọng, giữ vai trò kết nối các tuyến du lịch quốc tế với các nước láng giềng, có tiềm năng và điều kiện thuận lợi để trở thành đầu mối giao thương, phát triển thương mại, du lịch và xuất khẩu...

Điều kiện tự nhiên xã hội

Tỉnh Bình Phước là địa bàn trung chuyển giữa Nam Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ nên tỉnh có địa hình rất đa dạng, gồm cả địa hình cao nguyên, đồi núi và đồng bằng. Địa hình có dạng đồi thấp thoải lượn sóng nối liền với nhau tạo thành dạng địa hình yên ngựa, nhiều nơi dạng địa hình bát úp, ít bị đứt gãy sâu và thấp thoải dần về phía Tây và Tây Nam. Với vị trí chuyển tiếp từ miền núi và cao nguyên xuống đồng bằng, Bình Phước là địa hình trung du, có nhiều đồi núi thấp. Như vậy, đặc điểm địa hình đa phần là bằng phẳng của Bình Phước thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp (đặc biệt là cây công nghiệp dài ngày) và phát triển công nghiệp.

Tỉnh Bình Phước là địa bàn trung chuyển giữa Nam Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ nên có địa hình rất đa dạng, gồm cả địa hình cao nguyên, đồi núi và đồng bằng. Trong ảnh: Một góc thành phố Đồng Xoài - Ảnh: Tiến Dũng

Tỉnh Bình Phước mang đặc điểm chung của khí hậu vùng Đông Nam Bộ, nằm trong vùng có khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, có nền nhiệt cao đều quanh năm, ít gió bão, không có mùa đông lạnh. Như vậy, khí hậu ổn định của tỉnh Bình Phước thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, nhất là các loại cây trồng lâu năm và rừng.

Tỉnh còn có 75 con sông với chiều dài từ 10km trở lên, thuộc 2 hệ thống sông chính là hệ thống sông Đồng Nai và hệ thống sông Mê Kông. Trong đó, thuộc hệ thống sông Đồng Nai có các lưu vực sông: Da Mlo, Da R'Lou, Da Ko, Sông Bé, Sài Gòn và một phần sông Đồng Nai. Thuộc hệ thống sông Mê Kông có 2 lưu vực sông: Sông Măng (Đắk Jer Man) và Chiu Riu. Như vậy, điều kiện thủy văn của Bình Phước thuận lợi cho việc phát triển các cây công nghiệp và công nghiệp.

Văn hóa lịch sử

Cùng với miền Đông Nam Bộ, Bình Phước là nơi có dấu tích người cổ xưa từ khoảng 3.000 năm trước. Từ cuối thế kỷ 19 Bình Phước có sự thay đổi khi thực dân Pháp đánh chiếm lục tỉnh Nam Kỳ và biến vùng đất này trở thành vùng trồng cao su, thu hút dân nghèo từ nhiều nơi đổ về hình thành tầng lớp “phu đồn điền” cần cù lao động và có tinh thần cách mạng. Qua gần 150 năm phát triển đã tạo ra hai nét đặc thù trong văn hóa của Bình Phước. Thứ nhất là giàu truyền thống cách mạng. Thứ hai là sự đa dạng của văn hóa vùng miền với sự có mặt và chung sống của 41 dân tộc anh em, tạo ra bản sắc văn hóa đa dạng của tỉnh. Những đặc thù này nếu được khai thác sẽ tạo ra bản sắc để Bình Phước hấp dẫn người dân hay du khách. Với đất đai màu mỡ và dồi dào, sự trù phú qua quá trình phát triển của Bình Phước trong suốt chiều dài phát triển gắn với các loại cây công nghiệp (nhất là cây cao su), trong thế kỷ 20 Bình Phước đã trở thành nơi đến của nhiều người, hiện nay có 41 dân tộc anh em cùng chung sống trên vùng đất này, tạo nên sự đa dạng về văn hóa. Đây chính là nét độc đáo của tỉnh Bình Phước.

Hơn thế, việc tiếp giáp với nước bạn Campuchia cũng góp phần hình thành một không gian văn hóa phong phú hơn. Như vậy, Bình Phước như một Việt Nam thu nhỏ, nổi bật là sự đa dạng về mặt văn hóa của nhiều dân tộc anh em. Tính đa dạng vừa là ưu điểm, vừa là thách thức cho phát triển của tỉnh Bình Phước. Sự phong phú về văn hóa có thể giúp cho những lao động di cư đến Bình Phước có thể dễ dàng thích nghi, ổn định cuộc sống. Đồng thời đa dạng văn hóa còn là nguồn tài nguyên bản địa đầy tiềm năng được phát huy trong kinh tế du lịch và kinh tế di sản. Sự thách thức là sự không đồng nhất trong hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, làm cho việc phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.

Dân số và nguồn nhân lực

Vào năm 2020, dân số trung bình của tỉnh Bình Phước đạt 1.011 ngàn người, gồm 41 dân tộc với tỷ lệ một số dân tộc chủ yếu gồm: người Kinh 80,34%, S’tiêng 9,72%, Tày 2,5%, Nùng 2,4%, Khmer 1,94%, M’nông 1,09%, còn lại là các dân tộc khác. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở là 617 ngàn người, chiếm 61% tổng dân số. Trong đó, lao động thành thị chiếm 18,79% và lao động nông thôn chiếm 71,21%. Dân số Bình Phước hiện tại là dân số vàng, là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Đây có thể coi là lợi thế so sánh của Bình Phước so với các địa phương khác cũng như bình diện chung của cả nước khi cơ cấu dân số trẻ hơn.

Giai đoạn dân số vàng là một ưu điểm đối với Bình Phước. Thêm vào đó, sự chuyển dịch cơ cấu lao động đang theo xu hướng tích cực. Tuy nhiên, thách thức của Bình Phước là lực lượng lao động không có kỹ năng, không có tay nghề cao, ở khu vực nông nghiệp, nông thôn và phi chính thức còn nhiều. Điều này làm cho các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút lực lượng lao động có kỹ năng, tay nghề cao.

Nguồn nhân lực chất lượng cao và chất lượng nguồn nhân lực là một trong những thách thức hay điểm yếu của Bình Phước. Cho dù tỉnh đã có những nỗ lực trong thời gian qua, nhưng kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng. Có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan cho vấn đề này. Nguyên nhân khách quan là do: trình độ phát triển của Bình Phước so với các địa phương trong vùng vẫn ở mức thấp nên rất khó thu hút và giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao; nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao của Bình Phước không nhiều; và Bình Phước chưa có và chưa thể thu hút để có các cơ sở giáo dục đại học, đào tạo nhân lực chất lượng cao tại tỉnh. Nguyên nhân chủ quan là sự lúng túng của các cơ quan chuyên trách trong việc tìm ra các giải pháp cũng như tham mưu để lãnh đạo tỉnh có thể đưa ra các chính sách phù hợp.

Tài nguyên thiên nhiên

Tỉnh Bình Phước nằm ở vùng chuyển tiếp giữa cao nguyên Nam Trung Bộ xuống đồng bằng Tây Nam Bộ. Tỉnh có khí hậu nhiệt đới gió mùa khá ôn hòa, kết hợp với địa hình tương đối thấp, bằng phẳng, rất thuận lợi cho việc sử dụng đất. Thổ nhưỡng tỉnh Bình Phước rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Theo đánh giá, có tới 96,59% diện tích có khả năng sử dụng cho nông nghiệp.

Thổ nhưỡng tỉnh Bình Phước rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp - Ảnh: Tiến Dũng

Nằm ở vị trí địa lý thuộc vùng chuyển tiếp từ Tây Nguyên xuống đồng bằng, rừng Bình Phước có vai trò rất lớn trong việc điều tiết nguồn nước và môi trường của cả vùng Đông Nam Bộ, có hệ sinh thái tiêu biểu của rừng khô trung tâm Đông Dương. Diện tích rừng của Bình Phước năm 2020 là 171.556,4 ha (rừng đặc dụng 31.179,8 ha; rừng phòng hộ 43.458,9 ha; rừng sản xuất 96.917,7 ha). Trong đó, diện tích rừng sản xuất và phòng hộ có xu hướng giảm, rừng đặc dụng ổn định ở mức 31.076 ha. Đa dạng sinh học và các nguồn gen cần bảo tồn của tỉnh Bình Phước chủ yếu phân bố tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập và phần rừng đặc dụng Tây Cát Tiên. Như vậy, Bình Phước hiện là tỉnh có diện tích rừng lớn thứ 2 khu vực Đông Nam Bộ. Những diện tích rừng có giá trị bảo tồn của tỉnh hiện đã được khoanh vùng bảo vệ. Điều này tạo điều kiện cho tỉnh phát triển kinh tế lâm nghiệp, du lịch xanh, và bảo tồn thiên nhiên.

Bình Phước sở hữu hệ thống hồ chứa tương đối lớn - Ảnh: Tiến Dũng

Bình Phước có tổng cộng 20 loại khoáng sản phân bổ trên 91 mỏ, tập trung chủ yếu ở các vùng phía Tây. Trữ lượng lớn nhất là đá xây dựng với 1.468 triệu m3, sét gạch ngói hơn 81 triệu m3, vật liệu san lấp 43,6 triệu m3. Nguyên liệu sản xuất xi măng với các mỏ đá vôi có trữ lượng lên đến gần 550 triệu m3 và khoảng hơn 40 triệu tấn puzơlan, cao lanh hơn 150 triệu tấn. Ngoài ra còn có các mỏ bô xít có trữ lượng thăm dò gần 217 triệu tấn. Bên cạnh đó, một số loại khoáng sản khác có trữ lượng không đáng kể.

Ngành khai khoáng có xu hướng phát triển trong giai đoạn 2011-2020, với mức tăng chỉ số sản xuất trung bình hàng năm là 6,8%. Trong giai đoạn 2011-2015, mức tăng trung bình là 7,65%, tổng giá trị sản phẩm của ngành khai khoáng chiếm 0,44% trên cơ cấu toàn tỉnh, thì trong giai đoạn 2016-2020, mức tăng trưởng giảm xuống 5,9%, nhưng giá trị sản phẩm chiếm 0,754% GRDP. Riêng năm 2020, tổng giá trị sản phẩm ngành khai khoáng là hơn 595 tỷ đồng, chiếm 0,85% GRDP. Như vậy, Bình Phước có một số tài nguyên khoáng sản, nhưng sức hấp dẫn không nhiều (chủ yếu là nguyên liệu sản xuất xi măng). Do vậy, khoáng sản không phải là một tiềm năng thế mạnh của tỉnh.

(Còn nữa)

PV

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/555/164510/binh-phuoc-se-la-tinh-cong-nghiep-theo-huong-hien-dai-la-diem-den-hap-dan-cua-vung-dong-nam-bo