Bình Phước: Thúc đẩy hợp tác, xúc tiến đầu tư với các địa phương Trung Quốc
Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước vừa ban hành Quy chế hoạt động của Tổ công tác thúc đẩy hoạt động giao lưu, hợp tác, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch với các địa phương và đối tác Trung Quốc.
Tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh, tạo động lực mới để phát triển kinh tế-xã hội, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước vừa ban hành Quy chế hoạt động của Tổ công tác thúc đẩy hoạt động giao lưu, hợp tác, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch với các địa phương và đối tác Trung Quốc.
Theo Quy chế, Tổ công tác thực hiện theo nguyên tắc chỉ đạo tập trung. Tổ trưởng quyết định mọi vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ công tác trên cơ sở ý kiến của các thành viên tổ.
Trong trường hợp vượt quá thẩm quyền, Tổ trưởng báo cáo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh xem xét, quyết định. Các thành viên của Tổ công tác hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, căn cứ lĩnh vực công tác của cơ quan, đơn vị mình có trách nhiệm phối hợp với hoạt động của Tổ công tác, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ của Tổ công tác.
Tổ công tác phải mở rộng hoạt động giao lưu đối ngoại, giao lưu nhân dân giữa các địa phương để trao đổi một số công tác về xây dựng Đảng giữa tỉnh Bình Phước với các địa phương Trung Quốc. Các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch nhằm thu hút, kêu gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư Trung Quốc đến hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh cần đẩy mạnh.
Tổ công tác kết nối với các địa phương, hiệp hội, tổ chức, xúc tiến đầu tư, thương mại của Trung Quốc để đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch và quảng bá hình ảnh của tỉnh Bình Phước đến cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc.
Ngoài ra, Tổ công tác cung cấp thông tin cần thiết về tiềm năng, thế mạnh và môi trường đầu tư của tỉnh Bình Phước; hướng dẫn trình tự, thủ tục, chính sách thu hút ưu đãi và hỗ trợ đầu tư cho nhà đầu tư Trung Quốc tìm hiểu môi trường đầu tư tại tỉnh.
Đặc biệt, Tổ công tác thực hiện hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch trong nước và nước ngoài nhằm thu hút các dự án có chất lượng; quy mô vốn lớn; công nghệ cao; đổi mới sáng tạo; có sự lan tỏa, cam kết hợp tác, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp của tỉnh tham gia vào chuỗi giá trị, đầu tư vào các công đoạn có giá trị gia tăng cao gần với hợp tác đào tạo nhân lực; tăng cường hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, giáo dục đào tạo, y tế... thúc đẩy kinh tế số và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Bên cạnh đó, Tổ công tác đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, bố trí quỹ đất sạch, hạ tầng khu công nghiệp và điều kiện cần thiết để đáp ứng, thu hút nhà đầu tư nước ngoài nói chung và nhà đầu tư đến từ Trung Quốc nói riêng. Đồng thời, tạo kết nối với các sở, ngành liên quan trong việc hỗ trợ, hướng dẫn nhà đầu tư Trung Quốc thực hiện thủ tục đầu tư và dịch vụ liên quan; hỗ trợ cho doanh nghiệp Trung Quốc giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong qua trình hoạt động...
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền, địa phương đang triển khai thực hiện phương châm "nền tảng 4 tốt" đó là hạ tầng tốt, nhân lực tốt, chính sách tốt và dịch vụ công tốt. Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư được Bình Phước áp dụng mức ưu đãi cao nhất trong khung quy định của Trung ương. Bình Phước cam kết sẽ đồng hành với các nhà đầu tư và sẽ tạo điều kiện thuận lợi về chính sách, về môi trường đầu tư, kinh doanh với phương châm "2 nhanh, 3 tốt" (2 nhanh đó là nhanh giải phóng mặt bằng, nhanh thực hiện thủ tục đầu tư; 3 tốt là chính sách tốt, hạ tầng tốt, tình cảm tốt).
Đến ngày 30/9 vừa qua, Bình Phước có 423 dự án FDI đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; trong đó Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu với 139 dự án. Các doanh nghiệp Trung Quốc đang đầu tư thành công ở các lĩnh vực: sản xuất nông nghiệp, sản xuất, chế biến các sản phẩm từ gỗ nông nghiệp với 55 dự án; sản xuất giày da, vải, các sản phẩm công nghiệp khác 63 dự án; sản xuất kim loại, các sản phẩm điện tử 21 dự án…
Hiện nay, tỉnh Bình Phước có 5 khu, cụm công nghiệp đang kêu gọi đầu tư như: Khu công nghiệp Becamex Bình Phước; Khu công nghiệp Minh Hưng-Sikico; Khu công nghiệp Việt Kiều; Cụm công nghiệp Tân Phú-Tiến Hưng và Nha Bích; Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư.
Bình Phước thuộc miền Đông Nam bộ, là cầu nối giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long với Tây Nguyên, là cửa ngõ giao thương hợp tác với các nước trong Khu vực (Campuchia-Lào-Việt Nam). Với diện tích đất đỏ bazan chiếm gần 60% diện tích toàn tỉnh, thuận tiện cho sự phát triển tối ưu các cây công nghiệp; trong đó, cao su, điều, hồ tiêu có diện tích và sản lượng đứng đầu cả nước./.