Ngân hàng quay lại thời kỳ 'độc canh tín dụng'
Lũy kế 9 tháng năm 2024, cả 29 ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán ghi nhận hơn 218.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, tỷ trọng thu nhập từ lãi liên tục tăng trong 6 quý gần nhất trong khi thu nhập ngoài lãi giảm đều, nhất là lãi thuần từ dịch vụ…
Có sự phân hóa mạnh giữa tăng trưởng lợi nhuận và chất lượng tài sản của các ngân hàng. Đến ngày 30/9/2024, nợ xấu của 29 ngân hàng niêm yết tăng gần 28% so với cuối năm 2023 trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm hơn 10%...
CÓ 5 NGÂN HÀNG NẮM GIỮ MỘT NỬA LỢI NHUẬN TOÀN NGÀNH
Theo báo cáo tài chính được các ngân hàng niêm yết công bố (trừ Agribank chưa niêm yết), đến hết quý 3/2024, toàn ngành ghi nhận 21/29 ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận dương so với cùng kỳ năm 2023, có 8/29 ngân hàng lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ năm 2023 và một ngân hàng bị lỗ.
Trong đó, Vietcombank vẫn là quán quân khi đạt 31.533 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng năm 2024, tăng nhẹ 6,7% so với cùng kỳ năm 2023. Vị trí thứ hai là Techcombank với 22.842 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 33,5% so với cùng kỳ năm 2023. Với kết quả này, Techcombank soán ngôi của MB và đẩy ngân hàng này xuống vị trí thứ tư trong bảng xếp hạng lợi nhuận sau 9 tháng năm 2024.
Đến hết quý 3/2024, lợi nhuận trước thuế của BIDV đạt 22.047 tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2023 và trụ vững ở vị trí thứ ba trên bảng xếp hạng. MB ở vị trí thứ tư khi đạt 20.736 tỷ đồng và VietinBank đứng thứ năm với 19.513 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng năm 2024.
Tổng lợi nhuận 9 tháng năm 2024 của 5 ngân hàng nói trên là hơn 116.671 tỷ đồng, chiếm 53,52% lợi nhuận của 29 ngân hàng niêm yết.
Xét về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận, BVBank đứng đầu nhờ nền thấp của năm 2023. Cụ thể, 9 tháng năm 2024, BVBank ghi nhận 182 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 198,4% so với 61 tỷ đồng cùng kỳ năm 2023. LPBank có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận đứng thứ hai toàn ngành khi ghi nhận 8.818 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng năm 2024, tăng 139,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Ở chiều ngược lại, 8 ngân hàng sụt giảm lợi nhuận so với cùng kỳ năm 2023 là: PVCombank giảm 74,3%; ABBank giảm 66,2%; OCB giảm 34,8%; VIB giảm 20,7%; MSB giảm 6,2%; PGBank giảm 4,4%; BaoVietBank giảm 5,9%; SaigonBank giảm14,1%.
Trong 3 quý đầu năm 2024 và đặc biệt là quý 3, lợi nhuận ngân hàng ngày càng phụ thuộc lớn vào hoạt động tín dụng.
Dữ liệu từ WiChart và báo cáo tài chính các ngân hàng cho thấy thu nhập lãi thuần quý 3/2024 của 29 ngân hàng đạt 126.893 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ. Sự tăng trưởng trong thu nhập lãi thuần đã giúp tổng thu nhập hoạt động (TOI) tăng thêm khoảng 20.200 tỷ đồng so với quý 3/2023, đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận.
Cụ thể, thu nhập lãi thuần chiếm tới 80,6% tổng thu nhập hoạt động quý 3/2024 của các ngân hàng niêm yết, tăng 2 điểm phần trăm so với quý 2/2024 và 13 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2023. Lãi thuần từ dịch vụ quý 3/2024 giảm 1,3 điểm phần trăm so với quý 2/2024 và giảm 2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2023, chiểm 9,1%.
Trong quý 3/2024, ngoài tăng trưởng lợi nhuận từ mảng tín dụng, lãi thuần từ hoạt động khác (chủ yếu đến từ thu nhập từ các khoản nợ đã được xử lý rủi ro) đã trở thành điểm sáng của thu ngoài lãi. Lãi thuần từ hoạt động khác trong quý 3/2024 của 29 ngân hàng đã tăng trưởng 129% (tăng 3.375 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2023, đem về 10.417 tỷ đồng. Khoản mục này đã đóng góp tới 6,6% cho tổng thu nhập hoạt động của các ngân hàng, so với chỉ 3,3% vào cùng kỳ năm 2023.
Tuy nhiên, tăng trưởng trong thu ngoài lãi lại không đồng đều giữa các ngân hàng. Chỉ 3 ngân hàng là VietinBank, BIDV và VPBank đã chiếm tới 67% lãi thuần từ hoạt động khác của 29 ngân hàng niêm yết. Trong đó, riêng VietinBank đã ghi nhận lãi thuần từ hoạt động khác 3.963 tỷ đồng, chiếm hơn 1/3 tổng lợi nhuận của toàn ngành ở mảng kinh doanh này.
Trong khi lợi nhuận từ hoạt động khác ghi nhận đà tăng trưởng, những mảng kinh doanh như dịch vụ, ngoại hối hay chứng khoán (gộp chứng khoán đầu tư và kinh doanh) lại quay đầu giảm do những khó khăn trên thị trường bảo hiểm và trái phiếu chưa được giải quyết.
Đến ngày 30/9/2024, tổng số dư nợ xấu của 29 ngân hàng niêm yết là 259.186 tỷ đồng, tăng 27,9% so với cuối năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu bình quân của các ngân hàng niêm yết là 2,3%. Hầu hết các ngân hàng niêm yết đều ghi nhận nợ xấu tăng ở mức hai con số. Trong đó, LPBank dẫn đầu về tốc độ tăng nợ xấu khi đến cuối quý 3/2024 nợ xấu đạt 6.272 tỷ đồng, tăng 70% so với cuối năm 2023. Đến ngày 30/9/2024, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của LPBank là 2%.
CHẤT LƯỢNG TÀI SẢN TIẾP TỤC SUY GIẢM
Trong 9 tháng đầu năm 2024, chỉ 3/29 ngân hàng có tốc độ tăng trưởng nợ xấu ở mức một chữ số là VPBank 7,4%, PVcomBank 0,9% và SeABank 5,8%, bởi vì tỷ lệ nợ xấu ở những ngân hàng này đã rất cao, đều ở mức xấp xỉ 4-5%.
Ở chiều ngược lại, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của 29 ngân hàng niêm yết đã giảm từ 92% cuối năm 2023 xuống 82% vào cuối quý 3/2024. Đến cuối quý 3/2024, có 11/29 ngân hàng duy trì hoặc tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu so với cuối năm 2023; 18/29 ngân hàng giảm tỷ lệ bao phủ nợ xấu, trong đó, những “ông lớn” như BIDV, MB giảm mạnh tỷ lệ bao phủ nợ xấu so với thời điểm 31/12/2023, lần lượt là giảm 65,2 điểm phần trăm và 48,2 điểm phần trăm.
Đến nay, chỉ 4/29 ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu trên 100% là Vietcombank 204,6%, cao nhất hệ thống; VietinBank 153%; BIDV 115,7%; Techcombank 103,5%.
Trải qua thời kỳ Covid-19, dư nợ tái cơ cấu vẫn chưa thể hiện rõ ràng, do đó, các ngân hàng đối mặt với tình trạng suy giảm chất lượng tài sản từ năm 2020 đến nay. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 23/7/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn ngành đạt gần 5%. Nếu bao gồm nợ tiềm ẩn có khả năng thành nợ xấu, nợ xấu bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), thì tổng tỷ lệ nợ xấu toàn ngành khoảng 6,9%.
Đầu tháng 9/2024, bão Yagi được đánh giá là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào đất liền Việt Nam trong 70 năm qua, gây thiệt hại nặng nề ở 26 tỉnh, thành phố miền Bắc, đặc biệt là tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Thái Nguyên, Yên Bái. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 25/9/2024, tổng dư nợ bị ảnh hưởng bởi bão số 3 của tất cả các tỉnh, thành phố là 165 nghìn tỷ đồng (tương đương 1,1% tín dụng toàn nền kinh tế) với hơn 94 nghìn khách hàng chịu ảnh hưởng.
Giới phân tích giả định trong trường hợp có từ 10 - 50% dư nợ bị ảnh hưởng bởi bão Yagi chuyển thành nợ xấu, ước tính tỷ lệ nợ xấu có thể dao động trong mức 5,11-5,55%, tương đương tăng 11-55 điểm cơ bản. Như đã đề cập ở trên, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của các ngân hàng đã giảm tương đối kể từ sau đại dịch Covid-19 đến nay, khiến bộ đệm rủi ro mỏng dần. Trong bối cảnh rủi ro nợ xấu của ngành ngân hàng tương đối cao, những thiệt hại do bão Yagi đang bồi thêm rủi ro cho cả hệ thống.
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 46-2024 phát hành ngày 11/11/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/ngan-hang-quay-lai-thoi-ky-doc-canh-tin-dung.htm