Bình Phước: Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua 'Dân vận khéo'

Tỉnh ủy Bình Phước vừa ban hành Kế hoạch số 53-KH/TU về tiếp tục đẩy mạnh triển khai phong trào thi đua 'Dân vận khéo' giai đoạn 2021-2025. Trong đó yêu cầu các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện kế hoạch, đưa phong trào thi đua 'Dân vận khéo' trở thành việc làm thường xuyên của cơ quan, đơn vị.

Trên lĩnh vực kinh tế, phong trào “Dân vận khéo” tập trung vào các lĩnh vực mới, đòi hỏi ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao

Trên lĩnh vực kinh tế, phong trào “Dân vận khéo” tập trung vào các lĩnh vực mới, đòi hỏi ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao

Xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”

Kế hoạch đã đưa ra các nội dung về đẩy mạnh triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Theo đó:

Trong xây dựng nông thôn mới: Tuyên truyền vận động nhân dân tham gia thực hiện 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, như phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu cây trồng; xây dựng đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa, bảo vệ môi trường; xây dựng khu dân cư văn hóa,... Có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; có thêm 2 huyện được công nhận nông thôn mới.

Lĩnh vực kinh tế: Vận động nhân dân thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế; xóa đói, giảm nghèo, sản xuất, kinh doanh; xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình làm kinh tế giỏi; tập trung vào các lĩnh vực mới, đòi hỏi ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, có hiệu quả kinh tế cao và phạm vi tác động đến nhiều người dân; liên kết, trao đổi, giúp đỡ, hỗ trợ kỹ thuật, vốn, kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh… để làm chuyển biến nhận thức, thay đổi tư duy kinh tế; động viên các thành phần kinh tế, huy động được nhiều tiềm năng trong nhân dân nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội: Tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước; tiếp tục vận động nhân dân xây dựng và nhân rộng các mô hình: “Khu dân cư văn hóa”, “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư tự quản”, “Cơ quan văn hóa”, “Văn hóa doanh nghiệp”, câu lạc bộ “Thanh niên tình nguyện bảo vệ môi trường”, “Tổ phụ nữ thu gom rác thải”, “Tổ phản ứng nhanh phòng chống Covid-19 và vận động nhân dân cài đặt Bluezone”… Hàng năm, phấn đấu có 90% trở lên hộ gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, từ 70% trở lên thôn, ấp, khu phố được công nhận danh hiệu “Thôn, ấp, khu phố văn hóa”; 100% cơ quan đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.

Tuyên truyền, vận động nhân dân, đồng bào dân tộc thiểu số gìn giữ và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, bài trừ, từ bỏ các hủ tục lạc hậu; tăng cường công tác giáo dục, học tập, giao lưu, học hỏi những tiến bộ khoa học - kỹ thuật, văn hóa, văn nghệ,… để phục vụ cuộc sống.

Lĩnh vực quốc phòng - an ninh: Tăng cường công tác phối hợp tuyên truyền pháp luật, nắm bắt tình hình nhân dân, gần gũi dân, xây dựng lực lượng nòng cốt trong dân thông qua hoạt động của các phong trào: “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “xây dựng nền quốc phòng toàn dân”, “Vì an ninh tổ quốc”, “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, “Vì Hoàng Sa, Trường Sa”, “Mái ấm người nghèo nơi biên giới”, “Tuổi trẻ giữ nước”, “Tốt đời – đẹp đạo”, các tổ “Tự quản”, “Liên gia tự quản”, “Tổ hòa giải”, mô hình “Tiếng kẻng an ninh”, “Phòng chống buôn bán phụ nữ trẻ em”,.. để khơi dậy truyền thống yêu nước, phát huy tinh thần trách nhiệm, quyền làm chủ của nhân dân trong việc chấp hành pháp luật và tích cực tham gia bảo vệ an ninh chính trị, trật tự xã hội.

Trong lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị: Phong trào “Dân vận khéo” phải gắn với thực hiện quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; pháp lệnh dân chủ; quy chế dân chủ ở cơ sở. Xây dựng tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp trong sạch, vững mạnh. Phấn đấu hàng năm có từ 80% tổ chức, cơ sở đảng đạt mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; mỗi đoàn thể chính trị xã hội có từ 90% tổ chức cơ sở hội đạt loại khá trở lên…

Học tập và làm theo phong cách dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Về cá nhân, kế hoạch nêu rõ: Mỗi cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang, đoàn viên, hội viên phải có trách nhiệm thực hiện tốt những nội dung sau: Chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật nhà nước; quy định của cơ quan, đơn vị, địa phương.

Trong công tác chuyên môn, luôn tận tụy với công việc, phục vụ nhân dân; khi xử lý công việc cần phải học tập và làm theo phong cách dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”; “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân”; “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”.

Thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao; luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua do địa phương, cơ quan, đơn vị phát động; giữ mối quan hệ gần gũi, gắn bó với nhân dân.

Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước ở địa phương.

Qua 5 năm thực hiện Kế hoạch số 26-KH/TU ngày 23-6-2016 của Tỉnh ủy Bình Phước về tiếp tục đẩy mạnh triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2016-2020, “Dân vận khéo” đã trở thành phương châm, phương pháp thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, xuất hiện nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” có sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội. Phong trào đã xây dựng và nhân rộng được 1.639 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực đời sống xã hội.

Thanh Ngọc

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/128468/binh-phuoc-tiep-tuc-day-manh-phong-trao-thi-dua-dan-van-kheo