Bình Phước và con đường tôi đã chọn (Kỳ 4)

BPO - Tháng 11-2017, cuốn hồi ký “Bình Phước và con đường tôi đã chọn” của Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước giai đoạn 1997-2001 Bùi Thanh Phong được xuất bản. Cuốn hồi ký được hoàn thiện qua ghi chép, thể hiện của nhà báo Trần Phương, kể về quá trình rèn luyện, chiến đấu, đồng cam cộng khổ với đồng đội, đồng chí và nhân dân cả trong chiến tranh và xây dựng quê hương sau khi hòa bình. Nhân kỷ niệm 25 năm ngày tái lập tỉnh, Báo Bình Phước trân trọng trích đăng một số nội dung trong cuốn hồi ký.

CÁI GÌ CŨNG THIẾU

Song song với việc lo nơi ăn ở, làm việc cho bộ máy, Thường trực, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành cùng UBND cũng phải tập trung cao độ, chạy đua với thời gian để triển khai nhiều đầu mối công việc quan trọng. Một trong những việc quan trọng nhất lúc này là phải quy hoạch trung tâm tỉnh lỵ. Điều đầu tiên tôi nghĩ đến khi quy hoạch trung tâm tỉnh lỵ là ưu tiên cho quân sự trước. Thế nên, tôi cùng anh Ba Thống, anh Út Tính (Đại tá Lê Tính, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh) nhiều ngày đi khảo sát vị trí đặt Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh. Anh em đánh giá đầy đủ ưu, nhược điểm của từng vị trí rất khách quan, thẳng thắn.

Sau đó, tôi và anh Ba Thống, anh Út Tính cùng với Thiếu tướng Lê Văn Dũng, lúc đó là Tư lệnh Quân khu 7 đi khảo sát vị trí đặt Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh. Vị trí đặt Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh cũng phải tính toán rất kỹ, bảo đảm yếu tố quốc phòng. Thiếu tướng Lê Văn Dũng là đồng hương huyện Giồng Trôm với tôi nên anh em rất gần gũi, thẳng thắn, sau dần lên Đại tướng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Đã qua khảo sát nhiều ngày, nên lần này anh Út Tính muốn đi hướng tây nam - về phía Chơn Thành, tôi nói:

- Tùy Út Tính, coi được thế trận quân sự nào thuận lợi nhất thì đề xuất.

Anh Út Tính giải thích:

- Bộ chỉ huy xích ra rìa sông Bé thì thuận lợi nhất, nhưng sẽ khiến thị xã nghiêng về phía tây nam.

Nghe vậy, tôi nói:

- Không lo nghiêng ngả gì. Đất đai ở Đồng Xoài còn rộng. Các anh cứ chọn thế quân sự cho tốt nhất, triển khai bảo vệ cho tốt nhất là được.

Chúng tôi đi hướng đề xuất của anh Út Tính. Tới địa điểm Út Tính chọn lựa, tôi phân tích:

- Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh đặt ở đây, nếu có bất ổn từ mé biên giới tiến vào thì có lực lượng vũ trang án ngữ trước các cơ quan đầu não của tỉnh. Khu vực này cũng rất rộng rãi, thuận lợi để triển khai đội hình quân sự.

Tôi phân tích xong, Út Tính nói:

- Anh Năm Phong phân tích rất chính xác. Chọn ở đây rất thuận lợi, chứ nếu đưa về Phước Long thì triển khai đội hình quân sự khó khăn về mặt chiến lược.

Lúc đó Thiếu tướng Lê Văn Dũng nói:

- Mặt bằng chỗ Năm Phong và Út Tính chọn là đẹp, rộng rãi, thuận lợi triển khai đội hình. Năm Phong và Ba Thống thống nhất, quyết đi.

Đường Lê Quý Đôn, thị trấn Đồng Xoài năm đầu tái lập tỉnh Bình Phước. Ảnh tư liệu

Đường Lê Quý Đôn, thị trấn Đồng Xoài năm đầu tái lập tỉnh Bình Phước. Ảnh tư liệu

Họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tôi thống nhất chủ trương xây dựng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh về phía tây nam so với các cơ quan hành chính của tỉnh, cách khoảng 6-7 km tính từ ngã tư Đồng Xoài - điểm nút giao nhau giữa 2 tuyến giao thông huyết mạch xuyên suốt cả tỉnh là đường ĐT 741 và QL 14, cũng là khu vực trung tâm của thị trấn Đồng Xoài lúc bấy giờ. Sau này đi vào triển khai, anh em bên quân đội rất hài lòng vì có vị trí tốt, mặt bằng rộng mà không ảnh hưởng đến quy hoạch phát triển kinh tế, xe tăng có thể để bên mé sông Bé thoải mái. Song song đó, trung tâm hành chính tỉnh cũng được quy hoạch về phía tây so với ngã tư Đồng Xoài. Các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành đều đồng thuận nhất trí. Chúng tôi làm việc trên tinh thần vì lợi ích phát triển cho tương lai, chứ không vì lợi ích của một nhóm hay lợi ích của một cá nhân nào.

Sau khi có được phác thảo trung tâm tỉnh lỵ, UBND tỉnh bắt tay vào việc quy hoạch vị trí các cơ quan hành chính. Việc này không phức tạp như tìm vị trí cho quân đội, nhưng khối lượng nhiều. Anh em bên khối nhà nước, các sở, ngành đều là những cán bộ có năng lực, nhiều kinh nghiệm nên giải quyết rất nhanh chóng. Đồng Xoài lúc đó dân cư thưa, chủ yếu đất lâm nghiệp và đất quốc phòng. Khu vực quy hoạch xây dựng các cơ quan hành chính của tỉnh hầu hết nằm trên đất quốc phòng nên cũng thuận lợi...

Trong mấy tháng đầu sau khi đi vào hoạt động, bộ máy của tỉnh chủ yếu tập trung ổn định nơi ăn chốn ở, quy hoạch để chuẩn bị cho xây dựng cơ sở hạ tầng. Họp Ban Thường vụ, Ban Chấp hành lâm thời, tôi quán triệt: Tỉnh ủy phải đoàn kết nhất trí hành động, rồi cũng phải coi thực tế anh em sống như thế nào, ai cũng phải có cuộc sống của người ấy. Phải chăm lo cuộc sống cho anh em, chăm lo quyền lợi chính trị cho anh em. Không được phân biệt địa phương này địa phương khác, huyện này huyện khác. Nếu chia rẽ thì không thể trở thành một khối hành động. Phải là một khối hành động thì mới có "dân giàu, nước mạnh" được. Phải đoàn kết xây dựng, hỗ trợ lẫn nhau. Khi ấy vốn, ngân sách không có có bao nhiêu. Anh em cũng có người muốn xây cái này trước, xây cái kia sau, có chỗ làm việc khang trang. Tôi nói:

- Các đồng chí coi lại, tính toán cái gì làm trước cái gì làm sau sao cho hợp lý. Không thể làm theo ý muốn của mình mà làm dở dang việc chung. Vốn ít, bỏ ra rồi không làm được, nếu để lãng phí sẽ là cái "tội".

Những năm đầu tái lập, tỉnh Bình Phước luôn được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ, ngành quan tâm, động viên, tạo điều kiện để phát triển. Ảnh tư liệu

Những năm đầu tái lập, tỉnh Bình Phước luôn được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ, ngành quan tâm, động viên, tạo điều kiện để phát triển. Ảnh tư liệu

Nói thì nói vậy, nhưng tôi biết lúc đó anh em cực khổ trăm bề. Cuối năm 1997 Nhà máy nước Đồng Xoài mới được khởi công xây dựng. Trước đó nước sạch là vấn đề rất nan giải. Giếng khoan cả khu vực các cơ quan khối Đảng mới có một chiếc, dùng bơm tay, nước cũng không được sạch. Mỗi tuần một lần hoặc tuần hai lần, ba lần anh em phải từ Đồng Xoài về Bình Dương chở lên gạo, thức ăn, nước sạch và cả... rượu nữa. Tôi đánh giá rất cao tinh thần trách nhiệm và sự hy sinh của anh em lên Bình Phước. Lúc đó, một gia đình tách ra 2 nồi cơm, vợ con ở dưới, anh em khăn gói lên Bình Phước rất cực khổ. Tôi ray rứt chuyện đó lắm. Đặc biệt là đời sống khó khăn, nhu yếu phẩm thiếu thốn, khan hiếm, cái gì cũng thiếu. Anh em cũng không có thứ gì để giải trí. Tối đến kéo nhau ra mấy cái quán lụp xụp đầy bụi đất, đèn đóm tù mù, không gian hiu quạnh, ngồi uống rượu, mồi mè chẳng có gì, thấy mà thương.

(Trần Phương trích lược, còn nữa)

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/129417/binh-phuoc-va-con-duong-toi-da-chon-ky-4