Bình Phước với khát vọng phát triển xanh

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nguồn lực nội sinh về vị trí địa lý, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, nguồn nhân lực được Bình Phước phát huy đã và đang góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà thời gian qua. Song hành với sự phát triển không ngừng lớn mạnh của ngành công nghiệp, sản xuất xanh, thân thiện với môi trường được xác định là yếu tố mang tính tiên quyết để Bình Phước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Khu công nghiệp Bắc và Nam Đồng Phú đươc lấp đầy gắn với phát triển xanh, thân thiện với môi trường

Khu công nghiệp Bắc và Nam Đồng Phú đươc lấp đầy gắn với phát triển xanh, thân thiện với môi trường

Xanh hóa nhà máy, xí nghiệp

Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất gỗ MDF xuất khẩu, tạo việc làm cho hơn 300 lao động, cùng với đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại, nhiều giải pháp đã được Công ty cổ phần Kim Tín MDF Đồng Phú đóng chân ở Khu công nghiệp (KCN) Nam Đồng Phú triển khai nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Ông Trịnh Hữu Đại, Tổng Giám đốc công ty cho biết: “Hệ thống hồ chứa, xử lý nước thải của doanh nghiệp có công suất 500m3/ngày, đêm, nước thải qua xử lý có thể phục vụ tái sản xuất. Nước thải luôn đạt cấp độ B trước khi về nhà máy xử lý nước thải của Công ty cổ phần KCN Bắc Đồng Phú và đảm bảo cấp độ A theo đúng quy định khi thải ra môi trường”.

Người lao động được tạo điều kiện thuận lợi về môi trường làm việc với thu nhập ổn định. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH New Apparel Far Eastern (Việt Nam), KCN Bắc Đồng Phú trong giờ làm việc

Người lao động được tạo điều kiện thuận lợi về môi trường làm việc với thu nhập ổn định. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH New Apparel Far Eastern (Việt Nam), KCN Bắc Đồng Phú trong giờ làm việc

Đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI), sản phẩm đảm bảo chất lượng gắn với an toàn lao động, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường là một trong những tiêu chí bắt buộc từ phía nhà nhập khẩu. Ông Su Yang Tao, đại diện Công ty TNHH Chuang Yuan Việt Nam, KCN Nam Đồng Phú chia sẻ: “Doanh nghiệp tiếp tục ưu tiên nhập những thiết bị tiên tiến phục vụ sản xuất, bảo vệ môi trường, tuân thủ đúng quy định của Chính phủ Việt Nam”.

Các KCN Nam và Bắc Đồng Phú đang thu hút hàng trăm doanh nghiệp với tổng vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng đối với doanh nghiệp trong nước và 320 triệu USD vốn FDI, giải quyết việc làm cho khoảng 15.000 lao động. Theo phương án mở rộng giai đoạn 2 đã được UBND tỉnh thông qua, 2 KCN Nam và Bắc Đồng Phú được mở rộng với diện tích gần 800 ha, trong đó KCN Bắc Đồng Phú mở rộng thêm 317 ha, KCN Nam Đồng Phú là 479 ha.

KCN luôn đảm bảo tỷ lệ cây xanh gắn với tuân thủ những quy định về bảo vệ môi trường, nhà đầu tư hạ tầng luôn khuyến khích doanh nghiệp đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại, tái sử dụng nước sau sản xuất, đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái phục vụ sản xuất theo hướng dẫn mới của Chính phủ. “Rất mong Chính phủ, Quốc hội sớm thuận chủ trương, thông qua dự án mở rộng KCN giai đoạn 2 để tiếp tục thu hút đầu tư, trong đó, những ngành nghề thân thiện với môi trường, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao được ưu tiên hàng đầu” - ông Phạm Phi Điểu, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần KCN Bắc Đồng Phú chia sẻ.

Sản xuất xanh gắn với du lịch cộng đồng

Lợi thế rất lớn về hệ thống di tích lịch sử, đa dạng về bản sắc văn hóa, cảnh quan môi trường, các điểm du lịch gắn với tour thân thiện với môi trường được huyện Lộc Ninh xác định là hướng đi lâu dài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với hoạt động xúc tiến, kết nối, giới thiệu, quảng bá, các điểm du lịch sinh thái hình thành ngày càng nhiều được kỳ vọng sẽ tạo xung lực mới cho sự phát triển của ngành du lịch huyện Lộc Ninh.

3 thác nước nằm liền kề tạo nên cảnh quan hết sức độc đáo, tuy nhiên, thác Cô Mai ở ấp Tân Bình 2, xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh vẫn chưa được nhiều người biết đến do nằm khá xa trung tâm. Tâm huyết dành cho du lịch sinh thái, ông Hoàng Chuẩn ở xã Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh đã mạnh dạn đầu tư, bỏ ra rất nhiều thời gian, công sức, tiền của để có được Hội quán thác Lộc Thành với diện tích khoảng 6.000m2. Cùng với khai thác tiềm năng, thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên sẵn có, đây còn là địa điểm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương.

Du lịch xanh, sinh thái đang trở thành xu thế phát triển ở nhiều địa phương trong tỉnh

Du lịch xanh, sinh thái đang trở thành xu thế phát triển ở nhiều địa phương trong tỉnh

Ông Hoàng Chuẩn, Chủ nhiệm Hội quán thác Lộc Thành cho biết: “Mục đích chính của gia đình là phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, giúp con em, người dân hiểu hơn về những di tích, cảnh quan thiên nhiên, tạo điểm nhấn cho du khách gần xa thông qua du lịch xanh, du lịch sinh thái, đồng thời giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm đặc trưng, từ đó tăng thêm cơ hội việc làm, thu nhập cho người dân”.

Những tour du lịch mới đưa vào khai thác sẽ góp phần đa dạng, phong phú các hình thức trải nghiệm, tiếp tục cụ thể hóa chủ trương phát triển du lịch xanh, giảm thiểu tác động đến môi trường thiên nhiên theo xu thế chung hiện nay. “Hoạt động kết nối vùng đang được địa phương triển khai với mục tiêu thu hút ngày càng nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm. Trong đó, du lịch sinh thái và các sản phẩm du lịch đặc trưng vùng miền được xác định là những điểm nhấn góp phần quảng bá, thúc đẩy phát triển du lịch Lộc Ninh lâu dài” - bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh cho biết.

Từng là cây trồng chủ lực, góp phần quan trọng cho công tác xóa đói giảm nghèo nhưng do giá giảm sâu, nhiều diện tích bị thất mùa do thời tiết, đã có không ít nông dân quay lưng với cây điều để lựa chọn những cây trồng cho giá trị kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, đối với ông Nguyễn Đình Nam ở thôn 8, xã Long Bình, huyện Phú Riềng, việc lựa chọn giống điều ghép địa phương gắn với vận dụng khoa học - kỹ thuật đã giúp ông trở thành nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi nhiều năm trở lại đây. Nhiều diện tích đất ở vùng đồi dốc, không phù hợp với các loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao, ông Nam quyết tâm gắn bó với cây điều để ổn định kinh tế lâu dài. Hiện tại, với 5 ha cây điều ghép giống địa phương luôn cho năng suất cao, 1,5 ha cao su đang khai thác, mỗi năm gia đình ông thu 700 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Ông Nam chia sẻ: “Những giống điều gia đình trồng trước đây thường thất mùa do thời tiết, cùng với đó, giá bấp bênh nên hiệu quả không cao. Riêng cây điều ghép giống địa phương được gia đình gắn bó nhiều năm qua rất ít bị sâu bệnh hại, năm thất mùa cũng được 3,5 tấn/ha, năng suất bình quân luôn hơn 4 tấn/ha, năm được mùa đạt 5 tấn”. Hiện tại, ông Nam đang mở rộng diện tích trên cơ sở chuyển đổi những vườn điều năng suất thấp và cao su đến thời kỳ thanh lý sang trồng điều ghép. Cây điều ghép cũng đã được rất nhiều nông hộ tại địa phương triển khai nhân rộng. Mô hình không chỉ giúp nâng cao thu nhập, giúp người trồng yên tâm gắn bó mà qua đó còn tạo điều kiện duy trì diện tích cây điều, góp phần xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, hướng đến nâng tầm thương hiệu, phát triển bền vững hạt điều Bình Phước giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, với quyết tâm cao xây dựng thương hiệu điều Bình Phước của lãnh đạo tỉnh, ông Nam và người trồng điều đang rất kỳ vọng ngành điều Bình Phước sẽ có bước tiến mạnh mẽ trong thời gian tới.

Dư địa phát triển còn nhiều, nguồn lực nội sinh tiếp tục được khơi dậy, phát huy hiệu quả, 2025 được kỳ vọng sẽ là năm vươn mình mạnh mẽ và phát triển xanh, bền vững tiếp tục là điểm tựa để Bình Phước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Trần Cảnh - Trung Quang

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/167656/binh-phuoc-voi-khat-vong-phat-trien-xanh