Bình quân lãi suất trái phiếu bất động sản cao gấp đôi ngành ngân hàng

Bình quân lãi suất trái phiếu bất động sản (BĐS) cao gấp đôi ngành ngân hàng cho thấy rủi ro của thị trường vẫn đang hiện hữu.

Theo báo cáo thị trường trái phiếu tháng 7 của Công ty Chứng khoán MB (MBS), tính từ đầu năm đến nay, lượng trái phiếu ngân hàng được phát hành có sự tăng trưởng mạnh. Tổng lượng phát hành đạt 96.200 tỷ đồng, tăng 140% so với cùng kỳ.

Lãi suất của các đợt trái phiếu ngân hàng phát hành bình quân 5,4% với kỳ hạn 4 năm.

 Trái phiếu BĐS đang có lãi suất cao gấp đôi ngành ngân hàng, cho thấy mức độ rủi ro hiện hữu với lĩnh vực này. (Ảnh TL)

Trái phiếu BĐS đang có lãi suất cao gấp đôi ngành ngân hàng, cho thấy mức độ rủi ro hiện hữu với lĩnh vực này. (Ảnh TL)

Theo lý giải của MBS, việc tăng cường huy động trái phiếu giúp các ngân hàng ổn định nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu tín dụng trong nửa cuối năm 2024.

Theo sau lĩnh vực ngân hàng, các công ty BĐS cũng có lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành cao thứ 2 trên thị trường. Tuy nhiên, lãi suất bình quân neo ở mức cao cho thấy mức độ rủi ro vẫn đang hiện hữu trong lĩnh vực này.

Cụ thể, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp BĐS phát hành trong 7 tháng đạt 32.600 tỷ đồng. Lãi suất trung bình lên tới 12%/năm với kỳ hạn bình quân 2,7 năm. So với ngành ngân hàng, lãi suất bình quân của trái phiếu BĐS cao gấp 2 lần, tương ứng kỳ hạn phát hành lại thấp hơn rất nhiều.

Về tình hình thanh toán nợ gốc và lãi trái phiếu, MBS đánh giá vẫn còn tình trạng một số doanh nghiệp chậm thanh toán lãi, gốc trái phiếu. Tính riêng trong tháng 7 có thêm 3 đơn vị công bố chậm thanh toán gốc và lãi trái phiếu, nâng tổng số lượng doanh nghiệp chậm thanh toán lên 116 đơn vị.

Tổng giá trị trái phiếu chậm thanh toán ước tính khoảng 209.800 tỷ đồng, chiếm 21% tổng dư nợ trái phiếu toàn thị trường. Không quá ngạc nhiên khi nhóm BĐS vẫn chiếm tỷ trọng lớn với 68% lượng trái phiếu chậm thanh toán.

Ước tính của MBS cho thấy trong nửa cuối năm 2024, sẽ vẫn còn 95.300 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, lĩnh vực BĐS chiếm 65%, ngân hàng chiếm 15%. Như vậy, áp lực về trái phiếu đáo hạn đối với ngành BĐS vẫn có chiều hướng gia tăng từ nay tới cuối năm 2024.

Trang Thu

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/binh-quan-lai-suat-trai-phieu-bat-dong-san-cao-gap-doi-nganh-ngan-hang-post306266.html