Bình quyền nam nữ sau tấm vé World Cup
Thắng Thái Lan và Đài Loan (Trung Quốc) để giành vé World Cup lần đầu tiên, tuyển nữ Việt Nam làm nức lòng người hâm mộ, kéo theo đó là bài ca muôn thuở chuyện trọng nam khinh nữ.
Ngay từ cái tiêu đề của bài viết này, chẳng cần tinh ý, bất kỳ bạn đọc nào cũng nhận ra ngay 5 tiếng “đội tuyển nữ Việt Nam”. Tại sao không là đội tuyển Việt Nam mặc dù nó đầy đủ ý nghĩa rồi? Dễ hiểu, đã từ rất lâu rồi, và còn lâu thêm nữa về sau này, người ta cứ mặc định 4 tiếng "đội tuyển Việt Nam" là dành cho các cầu thủ nam.
Chỉ nói ví dụ ấy thôi để chúng ta hiểu câu chuyện bóng đá nữ là như thế nào. Và chuyện gọi tên đội tuyển như thế là câu chuyện phổ quát, đã đi vào tiềm thức đến mức nhiều lúc chẳng ai muốn nghĩ tới làm gì.
Tuyển nữ Việt Nam được quan tâm
Nhưng trong dàn đồng ca kêu gọi sự công bằng cho tuyển nữ, than trách bóng đá nữ thiếu sự quan tâm, chúng ta cần khẳng định và nhìn nhận lại một cách cực kỳ nghiêm túc. Chúng ta cần nói thẳng và nói thật, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cực kỳ quan tâm tới bóng đá nữ. Có những ông bầu thực sự quan tâm tới bóng đá nữ mà đơn cử là bầu Hiển, bầu Tú.
Nếu không có sự quan tâm ấy, không thể có chiếc vé dự World Cup hôm nay. Những người than trách VFF hình như bỏ quên rất nhanh chi tiết trước khi đến Ấn độ thi đấu, tuyển nữ Việt Nam đã có chuyến tập huấn ra trò ở Tây Ban Nha. Chúng ta phải nói thẳng, nền tảng thành công được góp phần từ chính các đợt tập huấn đắt tiền kiểu này. Thế nên, chúng ta đừng than trách nữa. VFF không hề có lỗi.
Nếu mở trang chủ của FIFA lên, chúng ta sẽ thấy có hẳn một mục tên là “Women Football”. Vâng, nhìn thì rất trang trọng nhưng cơ bản, sự phân biệt giới tính đã nằm ngay trong nó. Tại sao tất cả mục khác, kể cả bóng đá trẻ, chỉ cần dùng chữ “football” là đủ, miễn là cầu thủ nam giới? Dường như đã có sự mặc định cứ nhắc tới 2 tiếng “bóng đá” là ai cũng cho rằng nó của nam giới, còn muốn minh định thêm về bóng đá nữ, hoặc họ thêm từ “women”, hoặc họ thêm từ “female”.
Nhắc tới FIFA, nhắc tới World Cup, chúng ta cũng cần nhớ lại 2 kỳ World Cup gần đây nhất: 2018 và 2019. Năm 2018, ở Nga, World Cup của cánh mày râu, tổng tiền thưởng lên tới 400 triệu USD. Năm 2019, ở Pháp, World Cup dành cho nữ, tổng tiền thưởng chỉ có 30 triệu USD. Tiền thưởng của nhà vô địch Pháp năm 2018 (38 triệu) còn vượt xa tổng tiền thưởng cả giải cho World Cup nữ và á quân Croatia nhận cũng tròm trèm mức toàn bộ chị em “chia nhau”.
Nếu đọc con số kể trên, ai cũng nghĩ FIFA cũng trọng nam khinh nữ. Quan điểm ấy là sai lệch hoàn toàn. FIFA có muốn tổng tiền thưởng World Cup 2019 của chị em ngang bằng của anh em không? Họ muốn quá đi chứ. Nhưng bằng cách nào? Tiền thưởng thực tế là cách đánh giá khác về doanh thu của giải đấu. Nếu nguồn thu không đủ, không thể nào có được tiền thưởng nhiều đến mất ngủ.
Bất bình đẳng do đâu?
Khi mà bóng đá nữ không được xem là món hàng có giá trị trong mắt của truyền thông (sẽ liên quan đến bản quyền truyền hình); của khán giả yêu bóng đá (liên quan đến giá vé và số lượng vé bán vào sân, áo thi đấu, vật phẩm lưu niệm)…, chắc chắn bóng đá nữ khó có thể kiếm được nguồn thu cho tương xứng với ước mơ “nam nữ bình đẳng”. Sự bất bình đẳng không đến từ nhà quản lý, không đến từ đơn vị tổ chức mà đến từ chính chúng ta, kể cả người đang viết những dòng này.
Trong những người góp vào dàn đồng ca đòi hỏi sự bình đẳng, quyền lợi cho bóng đá nữ, có mấy ai nhớ nổi giải vô địch quốc gia có bao nhiêu đội, là những đội nào? Và chúng ta có đi xem bóng đá nữ hay không?
Chúng ta có biết chị em thi đấu ở giải vô địch quốc gia phải đá vào lúc 15h là chủ yếu vì lúc đó mới có sân trống hay không? Ngay cả cánh báo chí cũng vậy, số lượng phóng viên đi dự khán một trận đấu bóng đá nữ là cực hiếm. Rồi bài viết về bóng đá nữ lại càng hiếm hơn. Cùng lắm chỉ là mẩu tin nho nhỏ mà chắc chắn ai cũng bỏ qua.
Bóng đá nữ cũng như bất kỳ môn thể thao nào, cần sinh quyển của nó để sống. Ai tạo ra sinh quyển ấy? Là chúng ta, những người là khán giả, là các đơn vị đầu tư, các đơn vị khai thác lợi ích trên các nội dung thể thao chứ không phải là vài cá nhân nào đó ở Liên đoàn hay ở cấp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Chúng ta chỉ nói đến bóng đá nữ khi chị em làm chúng ta phải vỡ òa ra tự hào về họ mà thôi. Bản thân việc nói đến chị em cũng khiến cho lượt xem, lượt đọc tăng lên đáng kể. Nhưng cũng như mọi xu thế mạng xã hội khác, vài bữa nữa chúng ta lại quên và chị em sẽ chỉ bừng lên trong lòng chúng ta ở năm 2023, khi vòng chung kết World Cup khởi tranh.
Có những người làm bóng đá nữ từng nói với anh em phóng viên đại ý rằng đừng viết than thở kiểu con gái đi đá bóng thiệt thòi lắm vì nói vậy, nhiều em năng khiếu tốt nhưng gia đình sẽ ngăn cấm cho theo nghề. Và thực tế, đời sống cầu thủ nữ bây giờ cũng đỡ hơn thời xưa rất nhiều.
Chúng ta đừng bi kịch hóa đời sống của họ dưới cái mác “đòi bình quyền cho nữ” bởi thực tế, làm vậy nhiều khi cũng chỉ để đỏm dáng cho chính bản thân mình chứ không phải mang lại lợi ích thực tế cho bóng đá nữ.
Chỉ muốn nhắc tên và tạ ơn huấn luyện viên Mai Đức Chung. Đó là người đàn ông 73 tuổi bao nhiêu năm cần mẫn với bóng đá nữ. Nếu được nhận xét, dám khẳng định ông là nhân vật vĩ đại của bóng đá Việt Nam. Sự vĩ đại ấy không đến từ thành tích đưa chị em đi World Cup đơn thuần mà nó đến từ nhân cách một người làm nghề.
Ông Chung "xe ca" sẵn sàng làm bất kỳ công việc gì mà VFF giao phó, như thể ông nhận thức sứ vụ của ông mà trời ban cho là phải làm những gì có thể cho bóng đá Việt Nam.
Và sau khi đưa chị em đi World Cup, ông Chung "xe ca" chỉ làm đúng một việc: đăng lại tấm ảnh cưới để tri ân người bạn đời bao năm đứng sau lưng để giúp ông vững vàng tay chống, tay chèo.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/binh-quyen-nam-nu-sau-tam-ve-world-cup-post1294714.html