Vào thời gian đầu của chiến dịch quân sự đặc biệt do Nga phát động, Pháp và Ý đã cung cấp một số hệ thống tên lửa chống tăng MILAN cho Lực lượng vũ trang Ukraine.
Lần đầu tiên báo chí biết đến sự xuất hiện của tên lửa MILAN trong thành phần tác chiến của Ukraine là vào tháng 4/2022. Nhưng đến nay, thông tin chi tiết về việc sử dụng loại ATGM phương Tây ra đời từ năm 1970 trong các trận chiến chống lại quân Nga vẫn rất hiếm hoi.
Các phóng viên của cổng thông tin ArmiyaInform đã thực hiện một phóng sự về cách binh sĩ Ukraine sử dụng vũ khí này để chống lại thiết giáp Nga. Để bắt đầu, cần lưu ý rằng tổ hợp MILAN ATGM nặng 45 kg, và tối thiểu phải có 2 binh sĩ để mang theo bệ phóng và tên lửa.
Quá trình lắp đặt tên lửa vào vị trí mất 5 phút, với tầm bay 2.000 mét, thời gian đạn đến mục tiêu là 13 giây. Tham số này rất quan trọng, bởi vì trắc thủ phải dẫn đường cho tên lửa toàn quá trình, anh ta rất dễ lộ diện bởi MILAN tạo ra vệt khói rất rõ khi bay.
Do vậy, vị trí bắn của ATGM MILAN cần được bố trí sao cho tránh bị pháo địch đáp trả. Những người lính Ukraine có một liên tưởng rằng công việc của họ giống như một tay súng bắn tỉa"
Binh sĩ Ukraine cho biết họ đã sử dụng MILAN ATGM trong các trận chiến chống lại quân Nga ở vùng Chernihiv và Sumy. Theo đánh giá, Milan là một tổ hợp tên lửa chống tăng hiệu quả, khiến người Nga phải lo ngại theo đúng nghĩa đen.
Missile d'Infanterie Léger Antichar, viết tắt là MILAN (trong tiếng Pháp nghĩa là diều hâu) là tên lửa chống tăng được Pháp và Tây Đức đồng phát triển và đưa vào sản xuất trong những năm đầu thập niên 1970.
Tên lửa MILAN được xem là một trong những tổ hợp vũ khí chống tăng thành công nhất của Tây Âu, quá trình nghiên cứu diễn ra từ năm 1962 tới năm 1971 thì hoàn thành, chính thức đưa vào phục vụ trong năm 1972.
Khoảng 350 nghìn quả đạn và 10 nghìn bệ phóng tên lửa MILAN đã được chế tạo phục vụ trong Quân đội Pháp, Đức và nhiều nước Tây Âu khác. Ngoài ra, chúng cũng được xuất khẩu rộng rãi tới các quốc gia ở châu Á, châu Phi.
Hệ thống ATGM MILAN gồm 3 thành phần chính: Đạn tên lửa chống tăng; bộ điều khiển bắn và kính ngắm hồng ngoại. Trong đó, thiết bị ngắm hồng ngoại MIRA có tầm phát hiện mục tiêu lên đến 4 km.
Toàn bộ cơ cấu phóng lắp trên giá ba chân. Tín hiệu dẫn đường cho đạn được truyền qua dây dẫn, qua đó hạn chế khả năng gây nhiễu từ các hệ thống phòng vệ như Shtora-1 trên T-90. Tuy nhiên phương thức này khiến tầm bắn tên lửa bị hạn chế.
Đạn tên lửa MILAN có trọng lượng 7,1 kg, chiều dài 1,2 m, đường kính thân 115 mm, trang bị đầu nổ lõm chuyên dụng, phiên bản nâng cấp có đầu đạn Tandem để phá giáp ERA. Tên lửa lắp động cơ rocket nhiên liệu rắn cho tốc độ bay 200 m/s.
Đuôi tên lửa có một dây dẫn nối với bệ phóng dùng để truyền lệnh dẫn đường từ xạ thủ tới đạn trong hành trình bay tới mục tiêu. Khi bắn, tầng động cơ đầu tiên sẽ cháy trong 1,5 giây, sau đó tầng đẩy thứ hai sẽ cháy trong 11 giây, đưa đạn bay xa 2 km.
Các phiên bản MILAN ban đầu chỉ đạt tầm bắn giới hạn 2 km, tuy nhiên biến thể mới MILAN ER đã tăng tầm bắn lên tới 3 km, mặc dù vậy vẫn thua kém khá nhiều khi đặt cạnh những loại ATGM tiên tiến.
Sức xuyên giáp của phiên bản MILAN đầu tiên chỉ đạt 550 mm thép đồng nhất (RHA), đến thế hệ MILAN 2T trang bị đầu nổ tandem HEAT thì con số này vọt lên 880 mm RHA sau ERA, đáng nể nhất là MILAN ER xuyên được 1.000 mm RHA sau ERA.
Nói chung MILAN là một loại ATGM khá lạc hậu, cồng kềnh, kém tinh vi, không thể so sánh với Javelin hay NLAW, thậm chí đặt cạnh Stugna-P do Ukraine sản xuất cũng kém xa. Nhưng trong tình cảnh thiếu vũ khí, Kyiv vẫn buộc phải tiếp nhận để sử dụng.
Bạch Dương