Bình Thạnh khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi

Thời gian qua, xã Bình Thạnh (Ðức Trọng) đã tăng cường vận động nông dân đầu tư phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, tham gia mô hình kinh tế trang trại, bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan.

Ông Nguyễn Như Thủy là một trong những nông dân của xã Bình Thạnh tiên phong trong việc phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: T.Vũ

Ông Nguyễn Thiện Tâm - Trưởng thôn Thanh Bình 1, xã Bình Thạnh là một trong những người đi đầu trong công tác vận động người dân trên địa bàn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Ông Nguyễn Thiện Tâm cho biết, ông luôn xác định, xây dựng nông thôn mới ngoài mục tiêu tạo dựng diện mạo, cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân thì việc phát triển đời sống kinh tế cũng quan trọng không kém. Chính vì xác định được điều đó, ông đã tích cực vận động Nhân dân trong thôn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng, thế mạnh của địa phương. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho Nhân dân. Qua đó, đã đạt được những kết quả đáng mừng như: Tính đến nay tổng đàn bò của thôn có 435 con; có nhiều trang trại nuôi gà và nuôi heo; thực hiện chuyển đổi 2 cánh đồng Thanh Bình 1 và Fatima từ trồng lúa cho thu nhập thấp sang trồng dâu tằm với kinh tế cao; cà phê được chuyển từ giống cũ sang giống ghép năng suất cao. Từ đó, đời sống của Nhân dân cũng từng bước ổn định, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 21 triệu đồng/người/năm (2011) đến nay đã đạt 70 triệu đồng/người/năm.

Theo Hội Nông dân Bình Thạnh, đại đa số nông dân trong xã sinh sống bằng nghề nông, trong đó, chủ yếu là trồng trọt và chăn nuôi. Thời gian qua, Hội Nông dân xã đã tích cực vận động Nhân dân tập trung sản xuất, nâng cao năng suất theo hướng sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn, tăng hiệu quả kinh tế, từng bước phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Từ đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cơ giới hóa, hiện đại hóa trong nông nghiệp đã có chuyển biến tích cực, đặc biệt là nhân rộng mô hình nhà lưới, nhà kính theo hướng công nghệ cao và mô hình trang trại, gia trại chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị sản xuất và phát triển bền vững đang có những bước phát triển đáng kể. Hiện nay, toàn xã có khoảng 80 ha diện tích sản xuất theo hướng công nghệ cao; trong đó, diện tích nhà kính gần 1 ha, diện tích nhà lưới 3,42 ha; diện tích tưới phun sương ngoài trời 71 ha và có 2 ha phủ màng Polime. Điển hình như hộ ông Nguyễn Như Thủy (thôn Kim Phát, xã Bình Thạnh) là một trong những người đi tiên phong trong việc chuyển đổi cây trồng của xã. Hiện, gia đình ông đang có gần 1 ha nhà lưới và 1 ha nhà kính sản xuất theo hướng công nghệ cao. Cuối năm 2018 vừa qua, ông cũng là một trong số hai nông dân của huyện Đức Trọng áp dụng công nghệ Internet vạn vật (IOT) vào quản lý sản xuất. Ông Thủy cho biết, từ khi áp dụng công nghệ IOT vào sản xuất nông nghiệp, việc làm nông của ông nhàn hẳn và chi phí sản xuất cũng tiết kiệm hơn rất nhiều. Ông Thủy giải thích thêm, đó là chi phí sản xuất giảm thông qua việc tiết kiệm nước, tiết kiệm năng lượng, giảm nhân công, giảm lượng phân bón bị rửa trôi, đo chính xác EC, pH của dung dịch phân bón hòa tan. Ngoài ra, khi có việc bận, không có mặt ở trang trại, ông Thủy vẫn có thể theo dõi được tình hình cây trồng, điều khiển các thiết bị tưới và bộ châm phân thông qua ứng dụng điều khiển từ xa qua điện thoại thông minh vào bất cứ thời điểm nào và bất cứ ở đâu.

Cùng đó, việc thực hiện tái canh cây cà phê cũng được các cấp hội rất quan tâm. Hội đã vận động, thông báo rộng rãi cho hội viên đăng ký chuyển đổi được 145 ha; toàn xã đã ghép được 645 ha cà phê giống mới và hiện có khoảng 400 ha cho thu hoạch, năng suất đạt 4,5-5 tấn/ha.

Cũng theo Hội Nông dân xã Bình Thạnh, trong những năm qua, cơ cấu sản xuất nông nghiệp đã có bước chuyển đáng kể. Vào năm 2014, giá trị sản xuất trồng trọt chiếm 80%, giá trị ngành chăn nuôi là 20%. Lúc này, mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi mới chỉ xuất hiện ở một số hộ với quy mô nhỏ, chỉ có 1 trang trại với số lượng là 700 con/lứa, chưa có trại heo. Đến nay, giá trị sản xuất chăn nuôi đã có bước chuyển biến tích cực, phát triển nhanh chóng, với 51 mô hình trang trại heo, gà, trong đó có 23 trại heo với gần 25.000 con/năm, 28 trại gà với 700.000 con/năm, với tổng giá trị sản xuất chăn nuôi chiếm 55,6% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của xã. Điển hình như hộ ông Nguyễn Công Khanh có 9 trại gà (trong đó có 5 trại gà đẻ, trại lạnh) với hệ thống trại hiện đại, tổng mức đầu tư khoảng 15 tỷ đồng. Mỗi năm trại của ông Nguyễn Công Khanh thả và xuất khoảng 120 triệu con, đạt mức doanh thu gần 12 tỷ đồng và tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động.

Ngoài ra, việc vận động nông dân thành lập tổ hợp tác cũng được xã quan tâm, đẩy mạnh, Đến nay, toàn xã đã thành lập được 4 tổ hợp tác rau an toàn, 1 tổ hợp tác chăn nuôi, 1 tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững, trong đó có 1 tổ hợp tác liên kết tiêu thụ sản phẩm sạch VietGAP.

THY VŨ

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/201906/binh-thanh-khuyen-khich-nong-dan-chuyen-doi-co-cau-cay-trong-vat-nuoi-2950320/