Bình Thuận - Đắk Lắk: Kết nối giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm

Với vị trí địa lý khác biệt cũng như sở hữu những lợi thế riêng có, mới đây ngành Công Thương giữa Bình Thuận và Đắk Lắk đã xúc tiến kết nối giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm đặc trưng của hai địa phương.

Hội nghị kết nối giao thương mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm giữa Bình Thuận và Đắk Lắk vừa diễn ra vào tháng 7/2024 tại thành phố biển Phan Thiết. Ngoài đại diện lãnh đạo ngành và các đơn vị liên quan, hoạt động này còn có sự tham gia của 40 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh, nhà phân phối đến từ hai tỉnh. Đây được xem là cơ hội tốt để các địa phương đẩy mạnh giới thiệu tiềm năng, lợi thế của sản phẩm đặc trưng ở vùng Tây Nguyên và vùng duyên hải cực Nam Trung bộ. Qua đó hướng tới hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh của hai tỉnh: Đắk Lắk và Bình Thuận kết nối tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm đối tác để mở rộng thị trường trong thời gian đến…

Hội nghị vừa diễn ra tại TP. Phan Thiết vào chiều ngày 9/7/2024.

Hội nghị vừa diễn ra tại TP. Phan Thiết vào chiều ngày 9/7/2024.

Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh của tỉnh Đắk Lắk giới thiệu thương hiệu, sản phẩm ở vùng đất Tây nguyên...

Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh của tỉnh Đắk Lắk giới thiệu thương hiệu, sản phẩm ở vùng đất Tây nguyên...

Tại đây, ông Nguyễn Văn Nhiệm - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk cho biết địa phương có vị trí trung tâm vùng Tây nguyên cùng nhiều điều kiện thuận lợi thể phát triển giao thương. Với đất sản xuất nông nghiệp chiếm 88,37% diện tích tự nhiên mà chủ yếu là đất đỏ bazan màu mỡ, vì vậy tỉnh tập trung phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Theo đó, Đắk Lắk được mệnh danh là thủ phủ cà phê Việt Nam với diện tích hơn 200.000 ha, đạt sản lượng bình quân 550.000 tấn/năm và đã xuất khẩu sang 75 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, địa phương cũng có nhiều sản phẩm nông sản nổi tiếng khác như: Hồ tiêu (diện tích trên 31.000 ha), ca cao (1.100 ha), bơ (hơn 2.500 ha)… và đang phát triển ngành ong mật với khoảng 300.000 đàn ong (sản lượng đạt 15.000 tấn/năm).

...Và trao đổi thông tin, tìm hiểu sản phẩm lợi thế giữa hai địa phương.

...Và trao đổi thông tin, tìm hiểu sản phẩm lợi thế giữa hai địa phương.

Về phía Bình Thuận, đại diện lãnh đạo ngành Công Thương cũng thông tin những sản phẩm đặc trưng và lợi thế mà tỉnh duyên hải cực Nam Trung bộ sở hữu, chủ yếu được chế biến từ thủy sản, nông sản. Đặc biệt về thủy sản, địa phương là 1 trong 3 ngư trường trọng điểm của cả nước, vùng biển nơi đây còn được đánh giá giàu nguồn lợi thủy sản ở Việt Nam. Với hơn 200 doanh nghiệp, cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến theo chương trình quản lý chất lượng tiên tiến, đến nay sản phẩm thủy sản của tỉnh được tiêu thụ rộng khắp trên cả nước và tham gia xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính: Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Italia, Mỹ…

Một số sản phẩm đặc trưng của Bình Thuận và Đắk Lắk giới thiệu tại hội nghị.

Một số sản phẩm đặc trưng của Bình Thuận và Đắk Lắk giới thiệu tại hội nghị.

Thêm nữa, Bình Thuận hiện là địa phương có truyền thống sản xuất nước mắm lâu đời tại Việt Nam với thương hiệu nước mắm Phan Thiết nổi tiếng, vùng đất này cũng phù hợp phát triển nông nghiệp và tạo ra nhiều sản phẩm lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong lẫn ngoài nước. Nhất là với cây thanh long có diện tích 27.320 ha (sản lượng hơn 600.000 tấn trái/năm), được chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đẩy mạnh triển khai quy trình sản xuất an toàn. Ngoài ra toàn tỉnh có 135 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, 60 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu rất đa dạng và phong phú từ miền biển, hải đảo đến vùng đồng bằng, miền núi gắn với lợi thế của Bình Thuận. Như nước mắm các loại, sản phẩm chế biến từ thủy sản, sản phẩm chế biến từ thanh long, sản phẩm từ yến và sản phẩm từ nông sản khác.

Ký kết biên bản giữa Công ty TNHH PM COFFEE và Siêu thị Co.opmart Phan Thiết.

Ký kết biên bản giữa Công ty TNHH PM COFFEE và Siêu thị Co.opmart Phan Thiết.

Thông qua hoạt động này, ông Biện Tấn Tài - Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Thuận đề nghị các siêu thị, trung tâm thương mại, doanh nghiệp phân phối, hộ kinh doanh tại địa phương hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm của tỉnh bạn. Ngược lại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh của tỉnh Đắk Lắk quan tâm và tích cực hợp tác tiêu thụ sản phẩm của Bình Thuận, đồng thời kỳ vọng có nhiều hợp đồng kết nối giao thương, biên bản ghi nhớ được ký kết. Tiến tới hình thành chuỗi giá trị liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, tạo kênh tiêu thụ các sản phẩm, hàng hóa ổn định, bền vững với đa dạng chủng loại, chất lượng cao, giá thành hợp lý và có tính cạnh tranh…

Đưa một số sản phẩm chủ lực đến từ Đắk Lắk (cà phê nhân, cà phê rang xay, rượu cà phê, vang cà phê) tham gia giới thiệu tại hội nghị, anh Minh Trí - đại diện Công ty TNHH PM COFFEE mong muốn được kết nối giao thương thành công. Và ngay sau hội nghị, Công ty TNHH PM COFFEE đã ký kết biên bản ghi nhớ với đại diện Siêu thị Co.opmart Phan Thiết để thêm cơ hội tiêu thụ sản phẩm tại Bình Thuận. Dịp này một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh, nhà phân phối giữa Bình Thuận và Đắk Lắk cũng tiến hành ký kết hợp tác mở rộng thị trường đối với những sản phẩm đặc trưng, lợi thế của hai địa phương.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/binh-thuan-dak-lak-ket-noi-giao-thuong-mo-rong-thi-truong-tieu-thu-san-pham-120261.html