Bình Thuận: Đào tạo nghề sát nhu cầu thực tế

Đào tạo nghề nhằm cung cấp lao động có tay nghề và tay nghề cao cho doanh nghiệp (DN) công nghiệp nông thôn (CNNT) được xác định là nội dung trọng tâm của khuyến công Bình Thuận. Tuy nhiên qua thực tế triển khai, nội dung này đang gặp nhiều khó khăn, nhất là trong công tác chiêu sinh và mở rộng ngành nghề hỗ trợ.

Theo đại diện Sở Công Thương, DN lớn cần sử dụng nhiều lao động lại không đáp ứng được yêu cầu về đối tượng thụ hưởng. Cùng đó, chương trình đào tạo nghề phải gắn với nhu cầu của DN, trong đó khuyến công chỉ là cấp trung gian để làm đầu mối hỗ trợ kinh phí đào tạo lao động cho cơ sở CNNT.

 Đào tạo nghề là nội dung trọng tâm giai đoạn 2021-2025

Đào tạo nghề là nội dung trọng tâm giai đoạn 2021-2025

Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề từ trung tâm giáo dục nghề nghiệp của các huyện, thị xã cũng thu hút lượng lớn DN, do sau khi đào tạo lao động được cấp chứng chỉ, thủ tục đơn giản và nhanh chóng hơn so với chương trình khuyến công. Do vậy, nội dung đào tạo nghề, truyền nghề của khuyến công phải chuyển sang hình thức đào tạo chuyên sâu và ngày càng bị thu hẹp, kết quả đạt được cũng chưa như mong muốn.

Số liệu từ Sở Công Thương cho thấy, từ năm 2013-2020 chương trình khuyến công của tỉnh chỉ đào tạo được 570 học viên, tập trung vào nghề may công nghiệp, mộc dân dụng và may len, với kinh phí thực hiện 654,51 triệu đồng.

Trong khi đó, chương trình khuyến công tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2013-2020 đặt mục tiêu: Đào tạo lao động thành nghề và nâng cao tay nghề cho 5.000 lượt người gắn với giải quyết việc làm tại các cơ sở, tạo thu nhập, ổn định cuộc sống cho lao động tại các địa phương. Hình thành đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật, nghệ nhân, thợ giỏi đảm bảo trình độ và số lượng đáp ứng đủ giáo viên truyền nghề cho các cơ sở phát triển sản xuất công nghiệp.

Ngoài ra, biên soạn tài liệu và hỗ trợ tổ chức các khóa đào tạo nghề, truyền nghề theo nhu cầu của các cơ sở CNNT. Hình thức đào tạo chủ yếu là ngắn hạn, gắn lý thuyết với thực hành, gắn với cơ sở CNNT, để tạo việc làm và nâng cao tay nghề cho lao động sau khi đào tạo thành nghề. Công tác đào tạo nghề tập trung vào 4 nhóm ngành nghề, với thứ tự ưu tiên: Ngành nghề giải quyết nhiều việc làm cho lao động; sản xuất các sản phẩm phục vụ du lịch và xuất khẩu; khôi phục, phát triển ngành nghề truyền thống; du nhập ngành nghề mới.

Tổng kinh phí thực hiện chương trình dự kiến 6,82 tỷ đồng. Tuy nhiên trong thực tế triển khai, kinh phí khuyến công quốc gia chỉ đạt 11,41% kế hoạch, kinh phí khuyến công địa phương cũng chỉ đạt 10% kế hoạch.

Dù còn nhiều khó khăn trong triển khai, song do nhu cầu lao động có tay nghề của DN, cơ sở CNNT còn cao, Sở Công Thương Bình Thuận xác định đào tạo nghề là một trong sáu nội dung trọng tâm của chương trình khuyến công giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, khuyến công dành nguồn vốn hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao, đào tạo nâng cao năng lực cho DN. Đồng thời, tỉnh cũng dành một phần lớn nguồn kinh phí cho triển khai nội dung xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng máy móc, thiết bị, nhằm giúp cơ sở CNNT phát triển sản xuất, tăng nhu cầu sử dụng lao động.

Để thực hiện mục tiêu, Sở Công Thương chủ động trong công tác tham mưu, đề xuất đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp với thực tế công tác đào tạo và nhu cầu của địa phương. Cân đối kinh phí hàng năm theo chương trình khuyến công tỉnh đã được phê duyệt.

Sở Công Thương sẽ ưu tiên không cắt giảm kinh phí sau khi được phê duyệt, để không ảnh hưởng đến kết quả thực hiện của đề án. Đa dạng hình thức tuyên truyền, đưa chính sách khuyến công trong đó có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề sát hơn nữa với người dân, DN.

Hải Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/binh-thuan-dao-tao-nghe-sat-nhu-cau-thuc-te-154514.html