Bình Thuận - Dấu ấn từ các hồ chứa

Gần 2 thập niên qua, tỉnh Bình Thuận đã đầu tư xây dựng nhiều công trình hồ chứa nước và đã phát huy hiệu quả.

Nằm ở cực Nam Trung Bộ, tỉnh Bình Thuận là một trong hai tỉnh có điều kiện khí hậu khô hạn nhất nước, lượng mưa trung bình 800 mm/năm, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của cả nước là 1.900 mm/năm. Trong khi đó tiềm năng phát triển nông nghiệp của tỉnh rất lớn, nhất là vùng ven biển phía Bắc và phía Nam.

Chính vì vậy, các công trình thủy lợi phục vụ chống hạn về lâu dài là nhiệm vụ hết sức cấp thiết. Thời gian qua, được sự quan tâm của Trung ương, tỉnh Bình Thuận đã khắc phục khó khăn, đầu tư xây dựng nhiều hồ chứa với năng lực tưới cho trên hàng chục nghìn ha, bước đầu phát huy hiệu quả thiết thực.

Các kênh tiếp nước từ hồ Cà Giây.

Các kênh tiếp nước từ hồ Cà Giây.

Gần 2 thập niên qua, tỉnh Bình Thuận đã đầu tư xây dựng nhiều công trình hồ chứa nước và đã phát huy hiệu quả. Điển hình như hồ Lòng Sông với dung tích hơn 36 triệu m3, đưa vào khai thác năm 2005 đã góp phần giải quyết được lượng nước sinh hoạt cũng như sản xuất cho cả vùng khô hạn huyện Tuy Phong. Tại hồ, nước được điều tiết về hai kênh chính là Cây Cà và Tuy Tịnh, với tổng diện tích tưới hơn 4.260 ha.

Ông Đặng Quốc Khánh, ngụ thôn Tuy Tịnh, xã Phú Lạc bày tỏ, với bà con nơi đây không còn niềm vui nào hơn khi chứng kiến công trình hồ Lòng Sông được ngăn dòng. Chỉ tay vào vườn thanh long và vườn táo của gia đình, ông Khánh hồ hởi cho biết nhờ có nguồn nước từ hồ Lòng Sông nên khu vườn mới tốt tươi, chứ trước đây, người còn chưa có nước tắm rửa, nói chi tới nước tưới cho cây hay nước uống cho bò.

“Đặc biệt mấy năm gần đây thì các vùng lân cận miền Trung bị nắng hạn thiếu nước trầm trọng. Riêng huyện Tuy Phong thì hồ này vẫn tích trữ được nguồn nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt, không có còn thiếu nước như trước” - ông Khánh nói.

Các tổ máy vận hành cống xả của đập Lòng Sông.

Các tổ máy vận hành cống xả của đập Lòng Sông.

Tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh Bình Thuận là 312.967 ha. Riêng cây lúa 51.861 ha, bắp 20.354 ha, cây thanh long 26.000 ha… chưa kể đàn gia súc trên 200.300 con. Vì vậy mà nhu cầu nước tưới cho mùa nắng hạn là rất lớn.

Để ứng phó với tình trạng khô hạn, tỉnh Bình Thuận đã được Chính phủ đồng ý cho đầu tư xây dựng thêm hồ Sông Lũy tại huyện Bắc Bình, hồ La Ngà 3 tại huyện Tánh Linh và hồ Ka Pét tại huyện Hàm Thuận Nam. Trong đó hồ Ka Pét đã được Quốc hội thông qua, với dung tích 51,21 triệu m3, dự kiến tích nước vào năm 2023. Còn hồ Sông Lũy với dung tích thiết kế trên 100 triệu m3 hiện đang thi công và sẽ tích nước vào tháng 8 năm nay. Riêng hồ La Ngà 3 thì 10 năm qua vẫn “án binh bất động”.

Theo ông Nguyễn Hữu Phước – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, hồ La Ngà 3 được thiết kế với dung tích 470 triệu m3, sẽ tưới cho cả Bình Thuận và Đồng Nai với tổng diện tích hơn 67.000 ha. Tuy nhiên do bị vướng quy hoạch giữa Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên công trình vẫn chưa được triển khai.

“Thủ tướng cũng đã chỉ đạo Bộ Công thương điều chỉnh quy hoạch ra khỏi Quy hoạch điện 7 và giao Bộ NN&PTNT lập chủ trương đầu tư. Tuy nhiên đến nay, Bộ Công thương vẫn chưa điều chỉnh theo chỉ đạo của Thủ tướng. Cũng mong rằng các bộ ngành sớm điều chỉnh quy hoạch thủy điện La Ngâu ra khỏi quy hoạch và sớm có chủ trương thực hiện hồ La Ngà 3 trong giai đoạn 2021 – 2025. Có như thế mới giải quyết tình trạng hạn hán ở Bình Thuận” - ông Phước cho biết.

Đập Lòng Sông.

Đập Lòng Sông.

Toàn tỉnh Bình Thuận hiện có 48 hồ chứa với tổng dung tích trên 334 triệu m3, tưới cho hơn 115.600 ha, trong đó diện tích lúa cả năm 95.800 ha còn lại là tưới cho cây lâu năm. Mỗi năm cấp nước thô hơn 32 triệu m3, tăng đáng kể so với 10 năm trước.

Bên cạnh đầu tư xây dựng hồ chứa, Bình Thuận còn chú trọng xây dựng hệ thống kênh tiếp nước như: Hệ thống kênh tiếp nước Sông Móng - Đu Đủ - Tân Lập (gần 40 km) phủ kín vùng chuyên canh thanh long của huyện Hàm Thuận Nam; hệ thống kênh Châu Tá (dài 32 km) đã đưa nước từ đập 812 về tận vùng hạn Hồng Sơn, Hồng Liêm của huyện Hàm Thuận Bắc...

Để nâng cao năng lực tưới vào mùa nắng hạn. theo ông Phạm Văn Tuyền, nguyên Chi cục phó Chi cục Thủy lợi tỉnh Bình Thuận, cần xây dựng thêm các kênh chuyển nước khu vực.

“Chúng tôi cũng đề nghị xây dựng thêm hệ thống kênh chuyển nước khu vực như: kênh Hàm Tân – Hàm Thuận Nam – La Gi, hồ Sông Dinh – hồ Núi Đất, Biển Lạc – Tân Hà… Những kênh này có nhiệm vụ chuyển nước dư từ vùng thừa sang vùng thiếu. Mặc dù có hồ chứa nhưng chúng ta cũng cần phải có các kênh chuyển, như vậy mới đáp ứng được năng lực tưới trong mùa khô hạn” - ông Tuyền nói.

Cùng với nhiệm vụ cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, các công trình thủy lợi còn tham gia vào việc giải quyết nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân trong tỉnh, cũng như phục vụ nhu cầu của các ngành kinh tế khác, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội ở Bình Thuận phát triển trong những năm tới./.

Đoàn Sĩ/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/binh-thuan-dau-an-tu-cac-ho-chua-1037402.vov