Bình Thuận 'đổi sắc' sau 49 năm giải phóng
Bình Thuận 'đổi sắc' sau 49 năm kể từ ngày giải phóng và trở thành cực phát triển quan trọng của khu vực duyên hải Trung Bộ. Địa phương này có kinh tế biển phát triển mạnh mẽ, bền vững, cơ cấu kinh tế hiện đại...
Ngày 19/4, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Phan Thiết tổ chức viếng, dâng hương tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh tỉnh và Đền thờ liệt sĩ tỉnh nhân Kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng quê hương Bình Thuận (19/4/1975-19/4/2024).
Tham dự lễ viếng có ông Phạm Văn Nam - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Nguyễn Văn Luân - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, các Phó Chủ tịch UBND thành phố, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố; Lãnh đạo các phường, xã, lực lượng vũ trang thành phố.
Trong không khí trang nghiêm và xúc động, các đồng chí đã kính cẩn dâng nén hương thơm, bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của tổ quốc, vì chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, vì chủ nghĩa xã hội và nghĩa vụ quốc tế cao cả, làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975, để non sông thu về một mối, Bắc Nam sum họp một nhà.
Chiến thắng 19/4/1975 giải phóng thị xã Phan Thiết (Bình Thuận) đã đi vào lịch sử dân tộc như một dấu mốc chói lọi, góp phần làm thay đổi cục diện và tạo đà làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Nếu như trong kháng chiến, Bình Thuận được biết đến là một mảnh đất kiên trung của miền cực Nam Trung Bộ với những chiến công oanh liệt, tô thắm trang sử hào hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc thì 49 năm sau Ngày giải phòng, Bình Thuận được biết đến là tỉnh trở thành cực phát triển quan trọng của khu vực duyên hải Trung Bộ có kinh tế biển phát triển mạnh, bền vững, cơ cấu kinh tế hiện đại, là điểm sáng trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế.
Sau giải phóng, với cơ sở hạ tầng hầu như không có gì, hạn hán liên tiếp xảy ra đã làm cho đời sống người dân của Bình Thuận gặp nhiều khó khăn. Song, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Bình Thuận tiếp tục phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đoàn kết, nhất trí, chung sức, chung lòng, vừa ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa khắc phục khó khăn, phấn đấu đi lên. Nhiều công trình thủy lợi, giao thông, điện, y tế, giáo dục, các thiết chế văn hóa… đã được đầu tư xây dựng.
Theo đó, cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh từng bước được cải thiện; Đặc biệt đã đưa vào khai thác tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, phía Đông, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây; Đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023,… đã tạo hiệu ứng tích cực, góp phần thu hút các nhà đầu tư, du khách trong và ngoài nước đến với Bình Thuận, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh.
Kinh tế của tỉnh Bình thuận trong năm 2023 tiếp tục tăng trưởng khá. Quy mô kinh tế của tỉnh đạt hơn 100 nghìn tỷ đồng; Tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) năm 2023 tăng 8,1% (theo kế hoạch tăng từ 7 - 7,2%) so với năm 2022 (năm 2023 xếp thứ 14/63 tỉnh, thành và 04/14 tỉnh, thành phố trong khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải Nam Trung bộ.
Năm 2023, Bình Thuận là điểm sáng trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế, tỉnh đã tổ chức thành công Năm Du lịch quốc gia với chủ đề “Bình Thuận - Hội Tụ xanh”; Qua đó, góp phần thúc đẩy ngành du lịch của tỉnh phục hồi và tăng trưởng nhanh (năm 2023 toàn tỉnh đón 8,35 triệu lượt du khách, tăng 45,98%; doanh thu du lịch ước đạt 22.300 tỷ đồng, tăng 63%.
Cùng với đó, toàn tỉnh có thêm 30 dự án được cấp có thẩm quyền cấp Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và thu hút một số dự án có quy mô lớn có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển công nghiệp của tỉnh (Dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ, các dự án khí điện LNG Sơn Mỹ 1, Sơn Mỹ 2, dự án đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Sơn Mỹ 2)...
Bình Thuận sẽ tiếp tục được kỳ vọng phát triển vượt bậc trong thời gian tới.
Nguồn Công Lý: https://congly.vn/binh-thuan-doi-sac-sau-49-nam-giai-phong-426700.html