Bình Thuận dự kiến bố trí 1.400 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới

Năm 2022, tỉnh phấn đấu có thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nhằm nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 71/93 xã và 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Xây dựng nông thôn mới là một trong nhiều chương trình mục tiêu quốc gia. Ảnh minh họa: TTXVN

Xây dựng nông thôn mới là một trong nhiều chương trình mục tiêu quốc gia. Ảnh minh họa: TTXVN

Tỉnh Bình Thuận đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Năm 2022, tỉnh phấn đấu có thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nhằm nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 71/93 xã và 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Tỉnh tập trung huy động các nguồn lực từ Trung ương, địa phương và các nguồn lực khác để thực hiện chương trình với nguồn vốn dự kiến 1.400 tỷ đồng.

Từ đó, tiếp tục đầu tư các công trình hạ tầng thiết đảm bảo đồng bộ, hiện đại, liên thông và ứng phó với biến đổi khí hậu; tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ gắn liên kết theo chuỗi giá trị, thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2022, tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí nông thôn mới, nhất là các tiêu chí về đời sống người dân, môi trường, văn hóa và an ninh trật tự.

Đối với các xã đạt chuẩn, tiếp tục phấn đấu xây dựng nông thôn mới để nâng cao chất lượng các tiêu chí và xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đối với các xã đang phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, phải bảo đảm chất lượng, thực chất, không chạy theo thành tích, phấn đấu cuối năm đạt kế hoạch.

Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 gắn với thực hiện Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", các địa phương tăng cường vận động, khuyến khích người dân tham gia, đóng góp xây dựng nông thôn mới theo hình thức tự nguyện, không huy động quá sức dân và để phát sinh nợ đọng trong xây dựng cơ bản của Chương trình.

Bên cạnh đó, Bình Thuận tiếp tục thực hiện Chương trình "mỗi xã một sản phẩm" gắn với xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm.

Năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm, đồng tình, chung sức của cả hệ thống chính trị, chương trình Xây dựng nông thôn mới tại Bình Thuận tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực và toàn diện.

Đến cuối năm 2021 lũy kế toàn tỉnh đạt 1.544 tiêu chí, bình quân đạt 16,6 tiêu chí/xã, tăng 12 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2020.

Tỉnh có thêm 4 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới gồm: Bình An (Bắc Bình); Hồng Liêm (Hàm Thuận Bắc); Hàm Thạnh (Hàm Thuận Nam) và Gia An (Tánh Linh); nâng số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh là 69/93 xã.

Đến nay, toàn tỉnh có 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới là Phú Quý và Đức Linh. Thành phố Phan Thiết đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục phục vụ công tác xét, thẩm định công nhận thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020./.

Hồng Hiếu/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/binh-thuan-du-kien-bo-tri-1-400-ty-dong-xay-dung-nong-thon-moi/234298.html