Bình Thuận: Dùng máy cưa đưa vào vùng cổ nạn nhân, đối tượng lãnh án
Bị cáo Võ Văn Long biết tính chất nguy hiểm và hậu quả của việc dùng máy cưa đang hoạt động tác động vào vùng cổ, có khả năng làm chết người nhưng vẫn thực hiện.
Sáng 22/6, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận tổ chức xét xử vụ án giết người đối với bị cáo Võ Văn Long, sinh năm 1985, trú khu phố 5, thị trấn Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân.
Theo cáo trạng, vào khoảng 19h ngày 26/7/2021, ông Võ Văn Thiệu, sinh năm 1969, trú khu phố 4, thị trấn Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận đến nhà bà Hoàng Thị Minh, sinh năm 1960, trú khu phố 5, thị trấn Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân để chơi.
Tại đây, bà Hoàng Thị Minh có nấu cơm, mời ông Thiệu và Lê Ngọc Cường, sinh năm 1978, trú khu phố 5, thị trấn Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân cùng ăn cơm.
Đến khoảng 19h30 cùng ngày, Võ Văn Long, sinh năm 1985, là con ruột của bà Minh điều khiển xe mô tô chở bạn gái tên Nguyễn Thị Vân về đến nhà.
Do có ác cảm với ông Thiệu nên Long buông lời nói: “Tao đã nói mà cứ xuống hoài, tao chém chết luôn bây giờ”, rồi đi vào phòng của mình lấy 1 máy cưa cây, lưỡi bằng kim loại dài 60cm ra trước cửa phòng khởi động, thấy máy cưa hoạt động bình thường.
Sau đó, Long tắt máy cưa cầm đến phía sau lưng cách nơi ông Thiệu đang ngồi ăn cơm khoảng 2m và tiếp tục khởi động nổ máy cưa đưa từ phía sau vào vùng vai, cổ của ông Thiệu.
Bị bất ngờ, ông Thiệu đưa tay trái lên gạt đỡ thì bị lưỡi cưa cắt trúng cổ trái, tay trái, gây thương tích với tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể là 32%.
Tại phiên tòa hội đồng xét xử cho rằng, Long nhận thức được tính chất nguy hiểm và hậu quả của việc dùng máy cưa đang hoạt động tác động vào vùng cổ là vị trí trọng yếu trên cơ thể, có khả năng làm người bị hại tử vong nhưng vẫn thực hiện.
Vì vậy, hành vi này thể hiện rõ tính chất côn đồ và ý thức chủ quan của bị cáo là cố ý tước đoạt tính mạng của bị hại nhưng hậu quả chết người không xảy ra, thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt, đã đủ yếu tố cấu thành tội “Giết người” quy định tại điểm n khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 ( sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Đại diện Viện kiểm sát nêu rõ, hành vi nêu trên của Long là đặc biệt nghiêm trọng, coi thường pháp luật, coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác, rất nguy hiểm cho xã hội, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự trị an tại địa phương, nên cần phải xử lý nghiêm trước pháp luật nhằm răn đe, giáo dục và phòng ngừa tội phạm chung.
Về phần dân sự, bà Minh là mẹ ruột của Võ Văn Long đã bồi thường chi phí điều trị thương tích và các thiệt hại khác cho ông Thiệu với số tiền 185.000.000đ. Ông Thiệu đã có bãi nại, không yêu cầu gì về dân sự.
Hội đồng xét xử nhận thấy, Long đã bồi thường thiệt hại, thành khẩn khai báo, sau khi phạm tội đã đầu thú, nhân thân chưa có tiền án, tiền sự nên được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, quy định tại điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Từ những tình tiết nêu trên, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận tuyên phạt Võ Văn Long 10 năm tù giam.