Bình Thuận được 'cởi trói' để cung cấp vật liệu cho đường cao tốc
Chính phủ vừa có nghị quyết 60 về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho các dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Theo đó UBND các tỉnh – thành phố có dự án cao tốc đi qua được thực hiện 'cơ chế đặc thù' như:
Bình Thuận được
Được phê duyệt các khu vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đã có trong quy hoạch khoáng sản, đủ tiêu chuẩn và chỉ phục vụ thi công dự án cao tốc Bắc - Nam là khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Đối với khu vực khoáng sản mới (chưa cấp phép thăm dò, khai thác), chỉ cấp cho nhà đầu tư, nhà thầu thi công dự án cao tốc khi có đề nghị và đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về khoáng sản.
Đối với các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (trừ cát, sỏi lòng sông, cửu biển) đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác, được phép quyết định nâng công suất không quá 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác (không tăng trữ lượng đã cấp phép) mà không phải lập dự án đầu tư điều chỉnh, đánh giá tác động môi trường.
Khi thực hiện “cơ chế đặc thù” trên, UBND tỉnh – thành phố nơi dự án cao tốc đi qua có trách nhiệm chỉ cho phép nâng công suất các mỏ đang khai thác sau khi tổ chức - cá nhân khai thác đã có văn bản cam kết cung cấp vật liệu cho nhà thầu của dự án đường cao tốc Bắc - Nam, nghiêm cấm nâng giá, ép giá…
Được biết, khó khăn nổi lên trong thi công tuyến cao tốc Bắc - Nam qua Bình Thuận (Vĩnh Hảo - Dầu Giây) là thiếu nguồn vật liệu xây dựng (nhất là đất đắp nền), ảnh hưởng đến tiến độ. Trong khi đó, để hoàn thành thủ tục cấp phép khai thác các mỏ khoáng sản làm vật liệu thông thường (theo quy định của Luật khoáng sản) phải mất khoảng 9-15 tháng.
Với “cơ chế đặc thù” này, rất nhiều tỉnh - thành có dự án cao tốc đi qua (trong đó có Bình Thuận) sẽ được “cởi trói”, để cung cấp vật liệu kịp thời cho xây dừng đường cao tốc Bắc-Nam.
Khôi Nguyên