Bình Thuận ghi nhận trường hợp tử vong vì bệnh dại
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận cho biết, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận một trường hợp tử vong nghi do bệnh dại.
Trường hợp tử vong là bé gái T.T.H.T (4 tuổi, ngụ thôn Phò Trì, xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận).
Qua điều tra dịch tễ, ngày 7/2, bé gái này bị con chó nhỏ của nhà hàng xóm cắn nhiều nhát sâu vào vùng mặt, trán, quanh mắt, gò má. Người nhà đã đưa bé đi điều trị bằng phương pháp của dân tộc mà không xử lý vết thương bằng xà phòng, không đi tiêm phòng vaccine dại, huyết thanh kháng dại.
Đến ngày 13/2, bé gái có dấu hiệu lừ đừ, nôn ói. Ngày 14/2, bé được người nhà đưa đến nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa khu vực La Gi; sau đó được chuyển vào bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh. Tại đây, bệnh nhân được thăm khám và chuẩn đoán bệnh dại với các triệu chứng: sốt, la hét, kích động khi quạt gió và đưa nước cho bé, hoảng sợ, bị nhiều vết cắn vùng đầu mặt… Đến khoảng 22 giờ cùng ngày, tình trạng bệnh có dấu hiệu nặng và được bệnh viện cho về nhà. Ngày 15/2, bệnh nhân tử vong. Đây là trường hợp tử vong do bệnh dại đầu tiên trên địa bàn từ đầu năm 2024 đến nay.
Về tình trạng con vật, sau khi cắn bệnh nhân, con chó có biểu hiện hung dữ, chảy nước bọt nhiều, cắn những con chó xung quanh và bị người nhà đánh chết; không ghi nhận thêm có người bị chó cắn.
Ngay khi ghi nhận trường hợp trên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thông báo ổ dịch lây truyền từ động vật sang người cho Chi cục Thú y tỉnh phối hợp điều tra, giám sát. Trung tâm Y tế Hàm Tân, Phòng khám Đa khoa khu vực Tân Thắng tiến hành điều tra, giám sát ca dại, gia đình bệnh nhân và người thân trong gia đình bệnh nhân. Đồng thời, tuyên truyền vận động người nhà bị chó dại cào, cắn đi tiêm ngừa vaccine phòng dại; tư vấn điều trị dự phòng bệnh dại đối với những người tiếp xúc có vết thương hở hoặc niêm mạc bị phơi nhiễm với nước bọt của bệnh nhân…
Để chủ động phòng, chống bệnh dại, ngành Y tế tỉnh Bình Thuận khuyến cáo người dân khi bị chó, mèo cắn, cào hoặc đã tiếp xúc với chó, mèo mắc bệnh dại phải được xử lý vết thương ngay theo hướng dẫn và đến ngay điểm tiêm phòng dại để được khám và điều trị dự phòng, tuyệt đối không điều trị bằng thuốc nam. Ngành Y tế đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh dại, cách xử lý vết thương khi bị động vật cào, cắn và các biện phòng, chống bệnh dại. Những người có nguy cơ cao nên thực hiện tiêm phòng phơi nhiễm, những người bị phơi nhiễm thực hiện điều trị dự phòng bằng vaccine, huyết thanh kháng dại theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Sở Y tế tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh dại trên động vật như: tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về tính chất nguy hiểm của bệnh dại; nguy cơ dịch bệnh phát sinh; lây lan và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; nâng cao trách nhiệm của người nuôi chó, mèo đối với cộng đồng; tuyên truyền về lợi ích của việc tiêm vaccine phòng bệnh dại cho động vật…