Bình Thuận: Hướng dẫn bàn giao tài liệu Thanh tra cấp sở và huyện
Thanh tra tỉnh chỉ tiếp nhận hồ sơ, tài liệu các cuộc thanh tra, các vụ việc giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa hoàn thành; chưa giải quyết xong.
Chánh Thanh tra tỉnh Bình Thuận vừa có hướng dẫn bàn giao, tiếp nhận hồ sơ, tài liệu có liên quan từ Thanh tra cấp sở và Thanh tra cấp huyện về Thanh tra tỉnh để thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy theo quy định.

Trụ sở Thanh tra tỉnh Bình Thuận.
Theo đó, thực hiện các kết luận, kế hoạch của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ về Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra tỉnh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; Thanh tra tỉnh hướng dẫn việc bàn giao, tiếp nhận hồ sơ, tài liệu từ Thanh tra cấp sở, cấp huyện về Thanh tra tỉnh để đảm bảo công tác lưu trữ, quản lý hồ sơ, tài liệu được thống nhất, an toàn.
Phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước và hoạt động nghiệp vụ của Thanh tra tỉnh sau sáp nhập; tránh thất lạc, hư hỏng, sai lệch thông tin, mất mát hồ sơ, tài liệu; xác định rõ trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân có liên quan trong quá trình bàn giao.
Việc bàn giao, tiếp nhận hồ sơ, tài liệu phải được lập thành biên bản cụ thể kèm danh mục chi tiết từng hồ sơ, tài liệu, rõ ràng, có ký nhận của hai bên và lưu một bộ tại mỗi đơn vị.
Thanh tra tỉnh chỉ tiếp nhận hồ sơ, tài liệu các cuộc thanh tra, các vụ việc giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa hoàn thành; chưa giải quyết xong, đang trong quá trình xử lý nghiệp vụ, theo dõi, xử lý tiếp theo.
Không tiếp nhận hồ sơ đã hoàn thành, đã kết thúc xử lý trước đó (đã có kết luận, quyết định, hoặc đã kết thúc theo quy định). Các hồ sơ này sẽ được lưu trữ tại chỗ, nơi đơn vị cũ với vai trò là cơ quan tham mưu trước đây, cho đến khi bàn giao cho cơ quan, tổ chức mới có trách nhiệm quản lý sau sắp xếp bộ máy.
Phạm vi hồ sơ, tài liệu bàn giao bao gồm: Hồ sơ, tài liệu hình thành trong quá trình thực hiện chức năng thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng... do Thanh tra cấp sở và Thanh tra cấp huyện thực hiện.
Các hồ sơ đang xử lý dở dang, hồ sơ đã kết thúc nhưng cần tiếp tục theo dõi; hồ sơ chưa có kết luận hoặc chưa ban hành quyết định xử lý cuối cùng; hồ sơ xử lý còn đang trong thời gian theo dõi, đôn đốc, thực hiện kiến nghị, quyết định.
Số hóa toàn bộ tài liệu liên quan đến hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý sau thanh tra, các vụ việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đã thực hiện trong giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2025 bao gồm: Quyết định thanh tra, kế hoạch thanh tra, báo cáo kết luận thanh tra, biên bản làm việc, kết luận thanh tra; thông báo thụ lý, quyết định xác minh, biên bản làm việc, các báo cáo kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, văn bản xử lý, quyết định xử lý, quyết định giải quyết...
Đối với tài liệu điện tử, lập biên bản bàn giao dữ liệu số hóa (phương tiện bàn giao USB, ổ cứng, qua mạng...), danh sách chi tiết các tài liệu, dữ liệu bàn giao có ký xác nhận của thủ trưởng hai đơn vị và lưu một bản tại mỗi bên.
“Thanh tra các sở, Thanh tra cấp huyện có trách nhiệm rà soát, thống kê, phân loại, lập danh mục hồ sơ bàn giao theo quy định và Thanh tra tỉnh thành lập tổ tiếp nhận, tổ chức tiếp nhận hồ sơ theo đúng quy định, kiểm tra, đối chiếu, đảm bảo tính đầy đủ, chính xác…”, Thanh tra tỉnh Bình Thuận nêu.
Hôm nay 8-5, Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) với đề xuất tái cấu trúc toàn diện hệ thống thanh tra theo hướng tinh gọn, bỏ cấp thanh tra chuyên ngành và cấp huyện.
Dự thảo luật lần này lược bỏ hoàn toàn quy định về tổ chức và hoạt động của các cơ quan thanh tra tại các bộ, tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, sở và cấp huyện. Như vậy, các đơn vị thanh tra chuyên ngành đang được tổ chức ở hầu hết các bộ, ngành và địa phương sẽ không còn tồn tại trong hệ thống thanh tra.