Bình Thuận: Hướng tới tương lai năng lượng bền vững

Bình Thuận với lợi thế nắng và gió đã thu hút nhiều nhà đầu tư lớn về năng lượng sạch, hiện thực hóa định hướng trở thành trung tâm năng lượng xanh quốc gia.

Tận dụng tối đa quà tặng từ thiên nhiên

Bình Thuận sở hữu tiềm năng to lớn để phát triển năng lượng sạch nhờ số giờ nắng, giờ gió trung bình cao hơn so với nhiều địa phương khác. Tốc độ gió và bức xạ mặt trời mạnh mẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Nhận thức được lợi thế này, từ năm 2010, tỉnh đã triển khai Quy hoạch phát triển điện gió giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030. Đồng thời, tỉnh cũng đã lập quy hoạch phát triển điện mặt trời với cùng thời hạn, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng năng lượng tái tạo.

 Bình Thuận sở hữu tiềm năng to lớn để phát triển năng lượng sạch nhờ số giờ nắng, giờ gió trung bình cao hơn so với nhiều địa phương khác.

Bình Thuận sở hữu tiềm năng to lớn để phát triển năng lượng sạch nhờ số giờ nắng, giờ gió trung bình cao hơn so với nhiều địa phương khác.

Hiện tại, Bình Thuận có 35 nhà máy năng lượng tái tạo đang hoạt động với tổng công suất khoảng 1.409,71 MW. Trong đó, 9 nhà máy điện gió có công suất 299,6 MW và 26 nhà máy điện mặt trời đạt 1.110,11 MW. Các nhà máy này không chỉ góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh mà còn đảm bảo nguồn cung cấp điện cho khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và an ninh năng lượng quốc gia. Ngoài các nguồn năng lượng truyền thống như nhiệt điện, thủy điện, điện gió trên bờ và điện mặt trời, Bình Thuận còn tiềm năng rất lớn để phát triển điện gió ngoài khơi, lĩnh vực đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhiều dự án điện gió ngoài khơi đã được đăng ký khảo sát và lập kế hoạch đầu tư tại tỉnh.

 Bình Thuận có 35 nhà máy năng lượng tái tạo đang hoạt động với tổng công suất khoảng 1.409,71 MW.

Bình Thuận có 35 nhà máy năng lượng tái tạo đang hoạt động với tổng công suất khoảng 1.409,71 MW.

Tính đến nay, Bình Thuận đã nhận được đề xuất từ các nhà đầu tư cho 9 dự án điện gió ngoài khơi với tổng công suất lên tới 25.200 MW. Trong số đó, dự án Thăng Long Wind với công suất đề xuất 3.400 MW đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương phê duyệt cho phép nghiên cứu và khảo sát. Với những điều kiện thuận lợi và lợi thế cạnh tranh, Bình Thuận được định hình là một trung tâm công nghiệp năng lượng sạch và tái tạo của quốc gia, đặc biệt là về điện gió ngoài khơi và thủy điện tích năng. Vùng đất Bình Thuận, với nắng và gió đặc trưng, không chỉ khác biệt so với các địa phương khác mà còn là "điểm đến" hấp dẫn cho các nhà đầu tư, phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế bền vững hiện nay.

Điện khí: Động lực mới cho sự phát triển của Bình Thuận

Bình Thuận không chỉ có tiềm năng phát triển điện gió và năng lượng mặt trời mà còn sở hữu lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên thuận lợi và nguồn nhân lực dồi dào, mở ra nhiều cơ hội trong lĩnh vực năng lượng xanh. Một trong những dự án tiêu biểu là kho cảng LNG Sơn Mỹ được đầu tư bởi AES, tập đoàn năng lượng lớn nhất của Mỹ tại Việt Nam. Dự án này sẽ đóng góp quan trọng cho tương lai năng lượng quốc gia. Khi hoàn thành, lượng khí cung cấp từ dự án sẽ đủ đáp ứng nhu cầu năng lượng cho 15 triệu hộ gia đình. Hơn nữa, việc xây dựng nhà máy sẽ tạo ra hơn 1.500 việc làm, đồng thời góp phần cải thiện đời sống của người dân địa phương. Bình Thuận cũng nổi bật với tiềm năng phát triển các dự án điện khí hydro xanh – một lĩnh vực mới, đầy hứa hẹn.

 Bình Thuận không chỉ có tiềm năng phát triển điện gió và năng lượng mặt trời mà còn sở hữu lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên thuận lợi và nguồn nhân lực dồi dào, mở ra nhiều cơ hội trong lĩnh vực năng lượng xanh.

Bình Thuận không chỉ có tiềm năng phát triển điện gió và năng lượng mặt trời mà còn sở hữu lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên thuận lợi và nguồn nhân lực dồi dào, mở ra nhiều cơ hội trong lĩnh vực năng lượng xanh.

Gần đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Hồng Hải đã có buổi làm việc với Công ty Hydrogen de France (HDF Energy) – một doanh nghiệp đến từ Pháp, chuyên về phát triển các dự án điện khí hydro xanh. HDF Energy không chỉ đầu tư vào sản xuất điện từ khí hydro với lượng phát thải carbon bằng 0 mà còn triển khai các giải pháp Renewstable kết hợp giữa năng lượng mặt trời, điện gió và lưu trữ hydro để phát điện 24/7. HDF Energy hiện là nhà phát triển đầu tiên trên thế giới triển khai thương mại dự án điện hydro xanh thông qua giải pháp Renewstable, với các dự án nổi bật ở đảo Guiana, Pháp và Nam Mỹ.

Không chỉ dừng lại ở đó, HDF Energy còn xây dựng nhà máy sản xuất pin nhiên liệu lớn nhất thế giới tại Bordeaux, Pháp với công suất 1,5 MW/đơn nguyên. Nhà máy này đã chính thức đi vào hoạt động từ giữa năm 2024, đánh dấu bước tiến lớn trong công nghệ năng lượng tái tạo. Tại Việt Nam, HDF Energy đã hợp tác với các cơ quan và địa phương để nghiên cứu và đánh giá các địa điểm tiềm năng cho dự án điện hydro xanh, trong đó Bình Thuận được đánh giá là một trong những tỉnh có lợi thế lớn về năng lượng tái tạo. Công ty HDF Energy đặc biệt quan tâm đến việc triển khai các dự án tại huyện Phú Quý và huyện Tuy Phong.

 Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải nhận định rằng việc phát triển các dự án điện khí hydro xanh hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển năng lượng của cả nước và tỉnh Bình Thuận. Mục tiêu lâu dài là dần thay thế các nguồn điện từ nhiên liệu hóa thạch bằng năng lượng tái tạo. Trước mắt, các sở, ban ngành tỉnh sẽ hỗ trợ HDF Energy hoàn thành các thủ tục pháp lý cần thiết để triển khai thí điểm dự án điện khí hydro xanh tại huyện Phú Quý, mở ra một giai đoạn phát triển mới cho ngành năng lượng Bình Thuận. Điều này hứa hẹn sẽ tiếp tục thu hút các nhà đầu tư lớn, đóng góp vào xu thế phát triển bền vững và xanh của kinh tế toàn cầu.

Không chỉ riêng Bình Thuận, các tỉnh Việt Nam nói chung cũng có tiềm năng rất lớn trong việc phát triển năng lượng tái tạo. Như GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Trưởng Ban Khoa học của Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã nhận xét về tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo của nước ta như sau: “Đã có nhiều bài viết khẳng định Việt Nam có tiềm năng phát triển điện gió nối lưới, điện mặt trời nối lưới, áp mái với khả năng phát triển ở nhiều vùng như vùng Nam Trung Bộ, vùng Tây Nguyên, vùng Nam Bộ…và ở mức tổng công suất lắp đặt khá cao. Vấn đề là phải có cơ chế, có chính sách, quy hoach, kế hoạch tiến hành, thực hiện thật hợp lý, từ khâu nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu khả thi, có chính sách hỗ trợ hiệu quả thì sẽ xây dựng được nhiều nhà máy điện NLTT trên lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam.”

Nhờ vào lợi thế về địa lý và khí hậu với bờ biển dài hơn 3.200 km, đất nước ta có nguồn năng lượng gió và mặt trời dồi dào, đặc biệt là ở các khu vực miền Trung và miền Nam. Bên cạnh đó, việc chính phủ cam kết thúc đẩy chuyển đổi sang năng lượng sạch thông qua các chính sách ưu đãi và đầu tư vào cơ sở hạ tầng đã tạo ra môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Sự phát triển của năng lượng tái tạo không chỉ giúp giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch mà còn góp phần bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Bích Hạnh

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/binh-thuan-huong-toi-tuong-lai-nang-luong-ben-vung-93636.html