Bình Thuận: Khảo sát mô hình kè bảo vệ bờ biển tại các khu du lịch
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cùng các Sở, ngành, địa phương liên quan vừa có buổi khảo sát thực địa và cho ý kiến mô hình đầu tư xây dựng kè bảo vệ bờ biển.
Ngày 3/6, ông Lê Tuấn Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cùng đoàn công tác đến khảo sát thực tế công trình kè bảo vệ bờ biển tại các khu du lịch như Victoria, Hoàng Ngọc và Làng Tre. Qua khảo sát cho thấy, hầu hết các khu du lịch đều sử dụng kè tạm túi cát geotube để bảo vệ bờ biển.
Theo thống kế, đến nay tại Tp.Phan Thiết có 11 cơ sở du lịch làm kè tạm túi cát. Riêng đoạn bờ bao quanh núi Cố phường Phú Hài, một số cơ sở du lịch đã làm kè mỏ hàn đá đổ để tạo bãi.
Thế nhưng, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với kè tạm bằng túi cát được xây dựng tự phát nên không đồng bộ, gây mất mỹ quan và làm ảnh hưởng đến các cơ sở lân cận.
Sau cuộc khảo sát thực tế, Chủ tịch UBND tỉnh đã làm việc với các Sở, ngành, địa phương liên quan và đại diện một số cơ sở du lịch tại Hàm Tiến và Mũi Né.
Tại buổi làm việc, các Sở ngành đề xuất nhiều giải pháp nhằm phòng chống biển xâm thực ổn định đường bờ, tôn tạo và giữ bãi, cải thiện cảnh quan đáp ứng yêu cầu phục vụ du lịch.
Đại diện các cơ sở du lịch cũng chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng kè bảo vệ bờ biển đã triển khai. Các doanh nghiệp cũng kiến nghị cơ quan chức năng sớm nghiên cứu thống nhất chọn mô hình, thiết kế mẫu, hướng dẫn giải pháp thi công, công tác duy tu bảo dưỡng để tiến hành làm đồng bộ.
Sau khi khảo sát thực tế và nghe ý kiến của các đại biểu dự họp, Chủ tịch UBND Bình Thuận nêu rõ: trong điều kiện thực tế thì giải pháp kè mềm để bảo vệ bờ biển là phù hợp nhất đối với những khu vực đang bị sạt lở.
Ông Lê Tuấn Phong giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục khảo sát tình hình khu vực Hàm Tiến - Mũi Né và các kè mềm bảo vệ bờ biển đã được các cơ sở du lịch xây dựng để có đánh giá chung, từ đó đề xuất mô hình phù hợp.