Bình Thuận: Khó quản lý bất động sản du lịch vì pháp lý chưa rõ ràng

Hiện nay, pháp luật chưa có quy định rõ ràng, các khái niệm về bất động sản du lịch và sản phẩm của bất động sản du lịch chưa có trong các quy định pháp luật về Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật đất đai … gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý...

Dự án NovaWorld Phan Thiet tại tỉnh Bình Thuận.

Dự án NovaWorld Phan Thiet tại tỉnh Bình Thuận.

Hiện toàn tỉnh Bình Thuận có 31 dự án đầu tư xây dựng khu dân cư, khu đô thị, nhà ở thương mại còn hiệu lực và 5 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

NHIỀU DỰ ÁN CHẬM TIẾN ĐỘ

Ông Phan Văn Đăng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Thuận, cho biết các khoản thu ngân sách về nhà đất của Bình Thuận đã tăng đáng kể từ năm 2015 đến nay, từ mức 329 tỷ đồng năm 2015 lên 1.832,3 tỷ đồng năm 2019 – giai đoạn trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, do 2 năm 2021 và 2022, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, nên các khoản thu ngân sách về nhà đất có sự sụt giảm, đến năm 2023 giảm xuống chỉ còn 811,4 tỷ đồng.

Các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đảm bảo đáp ứng nhu cầu nhà ở đất ở cho người dân địa phương. Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người năm 2023 đạt khoảng 24,72 m2/người.

Đến nay, hầu hết tất cả các thửa đất đã được đăng ký vào hồ sơ địa chính theo quy định. Tổng số giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được cấp lần đầu là 601 giấy chứng nhận; số lượng cấp giấy chứng nhận do chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là 2.330 giấy chứng nhận.

Về những khó khăn khách quan, theo UBND tỉnh Bình Thuận, một số nhà đầu tư thiếu năng lực tài chính, kinh nghiệm và nợ tiền sử dụng đất trong quá trình thực hiện dự án. Phần lớn dự án được quyết định chủ trương đầu tư đều chậm tiến độ thực hiện, triển khai cầm chừng gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh.

Tình trạng các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp vi phạm quy định pháp luật vẫn còn xảy ra như: quảng cáo, rao bán, đặt chỗ, giữ chỗ, huy động vốn không phù hợp quy định pháp luật, gây mất trật tự và làm xáo trộn thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh… gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước, tiềm ẩn yếu tố rủi ro ảnh hưởng đến thị trường bất động sản; ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, phát sinh nhiều đơn thư phản ánh, khiếu nại, khởi kiện.

Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Thuận cũng cho rằng vốn đầu tư cho việc thiết lập các đồ án quy hoạch rất hạn chế, bao gồm cả vốn bố trí cho điều chỉnh quy hoạch xây dựng chung. Do đó, quy hoạch xây dựng còn thiếu, đặc biệt là tại nhiều địa bàn chưa có quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/500 làm ảnh hưởng đến việc phát triển nhà ở trên địa bàn…

LÚNG TÚNG ĐỐI VỚI BẤT ĐỘNG SẢN DU LỊCH

Theo ông Đăng, thị trường bất động sản du lịch là một trong những phân khúc thị trường có tốc độ phát triển nhanh và mạnh trong những năm gần đây và dự báo còn tiếp tục phát triển sôi động trong thời gian tới.

Tuy nhiên, hiện nay pháp luật chưa có quy định rõ ràng, các khái niệm về bất động sản du lịch và sản phẩm của bất động sản du lịch chưa có trong các quy định pháp luật về Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật đất đai … gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc hướng dẫn thực hiện loại hình bất động sản này.

Qua thống kê cho thấy để một dự án bất động sản đủ điều kiện đưa vào kinh doanh phải tuân thủ quy định của rất nhiều luật và hàng chục nghị định quy định chi tiết, hàng chục thông tư hướng dẫn thực hiện nên chủ đầu tư rất khó khăn, mất nhiều thời gian để thực hiện.

Cụ thể, tại dự án khu du lịch Thung lũng Đại dương (Nova World) tại TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, có quy mô gần 1.000 ha, đã xây dựng cơ bản hoàn thành hạ tầng và đã bàn giao hơn 1.000 biệt thự nghỉ dưỡng. Nhưng theo bà Võ Thị Cao Ly, Giám đốc Ban phát triển dự án Tập đoàn Novaland chia sẻ, dự án đang gặp khó khăn do vướng mắc trong việc xác định giá đất và chuyển hình thức thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Trên cơ sở này, tỉnh Bình Thuận kiến nghị đoàn giám của quốc hội sát báo cáo với các cấp có thẩm quyền nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung một số quy định, cơ chế; ban hành thông tư hướng dẫn phương pháp xác định giá bán nhà ở tái định cư do nhà nước đầu tư để áp dụng thực hiện; quy định việc đặt cọc giữ chỗ, đặt chỗ, đăng ký vị trí trong Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản…

Ghi nhận từ thực tế, đoàn giám sát của quốc hội đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận cần có báo cáo bổ sung tổng hợp những ý kiến, vấn đề mà đoàn giám sát đã nêu ra tại buổi làm việc. Nêu rõ những khó khăn vướng mắc; đối với kiến nghị, cần nêu rõ những quy định cụ thể cần sửa đổi, điều chỉnh. Hoàn thiện tất cả thông tin bổ sung, gửi báo cáo cho đoàn trước ngày 22/7/2024.

Ban Mai

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/binh-thuan-kho-quan-ly-bat-dong-san-du-lich-vi-phap-ly-chua-ro-rang.htm