Bình Thuận làm gì để phát triển bền vững cây thanh long?

Cây thanh long đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh Bình Thuận. Tuy nhiên, giá trị ngành hàng thanh long những năm gần đây có xu hướng năm sau giảm so với năm trước. Trước thực trạng này, tỉnh Bình Thuận đang tìm giải pháp để phát triển bền vững cây thanh long.

Chuyển dần sang trồng lúa

Vụ Hè thu năm 2024, gia đình ông Hoàng Thủy Quý, ngụ ở thôn Tịnh Mỹ, xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình quyết định nhổ trụ thanh long, cải tạo lại đất để chuyến sang trồng lúa.

Theo ông Quý, việc nhổ thanh long do cây già cỗi, năng suất thấp, giá cả bấp bênh: “Giờ ngoài này người ta bỏ vườn thanh long nhiều. Nhiều gia đình người ta nhổ trụ, cải tạo lại đất để làm ruộng”.

Thanh long đóng thùng chuẩn bị xuất khẩu (Ảnh: Đoàn Sĩ)

Thanh long đóng thùng chuẩn bị xuất khẩu (Ảnh: Đoàn Sĩ)

Cũng như gia đình ông Hoàng Thủy Quý, ông Thông Văn Hải ngụ ở thôn Lâm Giang, xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc cũng quyết định cải tạo hơn 2,5 sào thanh long để trồng lúa.

Lý giải việc chuyển từ thanh long sang trồng lúa, ông Hải cho biết, do kinh phí đầu tư cao nên năm nào cũng lỗ: “Nhà nước không có hỗ trợ gì, nhưng nguyện vọng của bà con nông dân trong mong Nhà nước hỗ trợ đầu ra, và làm sao cho giá ổn định”.

Giá thanh long gần đây biến động và luôn ở mức thấp đã làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của bà con. Năm 2020, thanh long Bình Thuận có 33.730 ha và sản lượng khoảng 650.000 tấn/năm, thì đến nay còn khoảng 26.498 ha thanh long và sản lượng khoảng 570.560 tấn/năm. Điều này cho thấy sự sụt giảm cả về diện tích lẫn sản lượng.

Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp tỉnh Bình Thuận, giá trị ngành hàng thanh long của tỉnh những năm gần đây có xu hướng năm sau giảm so với năm trước. Dù được xác định là cây trồng chủ lực, tuy nhiên, thời gian qua, việc sản xuất thanh long ở Bình Thuận vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún và tự phát, vùng sản xuất quy mô lớn chưa được nhiều, chưa tạo ra được khối lượng sản phẩm lớn đủ sức cạnh tranh.

Bên cạnh đó, khâu bảo quản chế biến còn yếu, thị trường tiêu thụ không ổn định, chủ yếu là thị trường Trung Quốc, giá cả bấp bênh; liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp chưa bền vững;… cùng với giống thanh long bị thoái hóa ảnh hưởng đến đầu tư sản xuất thanh long.

Xây dựng chính sách hỗ trợ người trồng thanh long

Ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận cho biết, trước thực trạng này, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án phát triển bền vững cây thanh long đến năm 2030.

“Chúng ta sẽ cũng cố lại xây dựng vùng sản xuất tập trung theo tiêu chuẩn an toàn đáp ứng những điều kiện trong nước và ngoài nước; liên kết với các doanh nghiệp để ký kết hợp đồng tiêu thụ cho bền vững; hỗ trợ bà con xây dựng nhật ký điện tử, truy xuất nguồn gốc; xây dựng chính sách hỗ trợ cho người trồng thanh long”, ông Phan Văn Tấn cho biết thêm.

Trong giai đoạn 2016 - 2022, các doanh nghiệp của tỉnh đã xuất khẩu chính ngạch đạt gần 53 triệu USD, tương đương với 43.748 tấn. (Ảnh: Đoàn Sĩ)

Trong giai đoạn 2016 - 2022, các doanh nghiệp của tỉnh đã xuất khẩu chính ngạch đạt gần 53 triệu USD, tương đương với 43.748 tấn. (Ảnh: Đoàn Sĩ)

Theo mục tiêu của đề án, đến năm 2030, diện tích cây thanh long toàn tỉnh ổn định khoảng 25.000 ha, năng suất bình quân đạt 22 tấn/ha, sản lượng đạt 550.000 tấn/năm.

Tỷ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết đạt khoảng 70%. Giá trị kim ngạch xuất khẩu thanh long chính ngạch tăng bình quân khoảng 5%/năm….

Để đề án sớm triển khai hiệu quả, ngoài Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cần sự chung tay của các sở, ban, ngành và các địa phương liên quan.

Ông Phan Đình Khiêm, Phó Chủ tịch phụ trách Liên minh HTX tỉnh Bình Thuận cho biết, trong thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố hỗ trợ các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ thanh long.

Hiện nay, Liên minh HTX Bình Thuận đang quản lý nguồn vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, được Liên minh hợp tác xã Việt Nam ủy thác. Tuy nguồn vốn không nhiều, nhưng với hình thức xoay vòng cho các hộ thành viên trong HTX vay vốn để phát triển cây thanh long. Trong tương lai, theo Nghị định 45 của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, đơn vị cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quỹ hỗ trợ này.

“Quỹ hỗ trợ này chúng tôi cũng đã lấy ý kiến của các sở, ngành, trong đó nguồn vốn dự kiến ban đầu là 20 tỷ đồng. Nếu được HĐND tỉnh thông qua và UBND tỉnh có quyết định thì đây cũng là nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp cho bà con sản xuất thanh long, đặc biệt là các HTX trên địa bàn. Và nếu được giao cho Liên minh HTX quản lý nguồn vốn này vì hơn ai hết chúng tôi hiểu được các HTX trên địa bàn và việc cho HTX vay sẽ thuận lợi hơn”, ông Phan Đình Khiêm cho biết.

Ngoài việc xây dựng chính sách hỗ trợ người trồng thanh long, xây dựng vùng phát triển cây thanh long sạch đáp ứng điều kiện xuất khẩu,… thì cũng cần chuyển đổi mạnh mẽ tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp; từ sản xuất lấy sản lượng làm trọng tâm sang sản xuất chế biến, cung cấp dịch vụ nông nghiệp chất lượng, sạch, an toàn, có giá trị kinh tế cao gắn với phát triển thị trường và lợi thế cạnh tranh của sản phẩm thanh long.

Đoàn Sĩ/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/binh-thuan-lam-gi-de-phat-trien-ben-vung-cay-thanh-long-post1097846.vov