Bình Thuận mai này…
Bình Thuận – vùng đất cực Nam Trung bộ nơi có khí hậu khắc nghiệt thiếu mưa, thừa nắng. Mảnh đất này đã có sự thay đổi rõ rệt từ sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước, đến nay Bình Thuận đang đứng trước nhiều cơ hội để phát triển nhanh, bền vững hơn khi các 'điểm nghẽn' về quy hoạch, giao thông, yếu tố chủ quan của con người cản trở sự đi lên đang được dần tháo gỡ.
1. Sau 47 năm giải phóng, đặc biệt sau 30 năm tái lập tỉnh (4/1992 - 4/2022), Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã nêu cao bản lĩnh, khí phách anh hùng của vùng đất, con người Bình Thuận, chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương và đạt được thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực.
Năm 1992 khi Thuận Hải chia tỉnh, chúng tôi chỉ là các cô, cậu học sinh của các trường trung cấp nghề, chưa biết gì nhiều đến các vấn đề lớn của tỉnh nhà. Bấy giờ chỉ mong ước được đi học ra trường thật sớm để kiếm việc làm, san sẻ khó khăn với gia đình. Vì thời ấy, điều kiện kinh tế không cho phép như bây giờ, nhưng tình cảm của đám học sinh trường nghề dành cho nhau hết sức tình cảm, quý giá. Ngày ấy đám bạn chúng tôi sẵn sàng đạp xe ra Hàm Tiến, rồi ngược lên núi Tà Cú khi được phân công nhiệm vụ, đường sá làm gì được như bây giờ, cát lún, “ổ trâu”, “ổ gà” đường nào cũng có. Vậy mà ai cũng háo hức, vui vẻ và cùng động viên nhau cố gắng hoàn thành công việc được giao. Thoắt cái đã 30 năm! nhiều đứa bạn chúng tôi đã có sui gia, có đứa còn lên chức ông, bà. Thời gian không chờ ai cả!
Một góc Phan Thiết nhìn từ trên cao.
30 năm qua kể từ ngày tái lập tỉnh đến nay, trong điều kiện còn nhiều khó khăn; song, Đảng bộ, quân và dân tỉnh nhà đã ra sức thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực về mọi mặt. Kinh tế - xã hội phát triển, quốc phòng - an ninh được giữ vững; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường; đời sống nhân dân được nâng lên. Phải khẳng định rằng đời sống người dân được nâng lên là không quá. Nhớ lại những năm tháng cắp sách đến trường đám bạn nghèo chúng tôi hầu như chỉ đi bộ, đứa nào gia đình khá giả thì có chiếc xe đạp là rất hãnh diện. Thị xã Phan Thiết khi ấy con đường chính kéo dài từ cầu Sở Muối đến Cổng Chữ Y là tương đối đông người, tối đến quanh quẩn dạo phố vài con đường là hết. Còn hiện thành phố Phan Thiết đã khang trang hơn và được mở rộng về hướng bắc và đông tạo cho thành phố dáng vẻ hài hòa hơn về không gian.
Điểm thu hút khách du lịch tại Tiến Thành.
Đường vào Suối Tiên -Hàm Tiến.
2. Từ năm 1992 đến nay, nền kinh tế tỉnh nhà liên tục tăng trưởng, Bình Thuận luôn đạt tốc độ tăng trưởng khá, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) tăng bình quân hàng năm là 9,43%; GRDP bình quân đầu người khoảng 1.859 USD, năm 2020 đạt khoảng 66,2 triệu đồng/người/năm, tương đương 2.865 USD. Ngành du lịch phát triển nhanh, nhất là sau sự kiện nhật thực toàn phần năm 1995, Mũi Né - từ một vùng đất chưa ai biết đến nay là nhân tố mới tạo bước đột phá cho du lịch tỉnh nhà. Bộ mặt đô thị, nông thôn của các huyện, thị, thành phố tiếp tục khởi sắc và phát triển không ngừng. Từ một tỉnh có 8 đô thị loại V và 1 đô thị loại IV thì đến nay, toàn tỉnh đã có 13 đô thị loại V, 1 đô thị loại IV và 1 đô thị loại II. Hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, giao thông cơ bản đều được trải nhựa, hệ thống cung cấp điện, nước và thoát nước được đầu tư nâng cấp; mạng lưới bưu chính, viễn thông được mở rộng, chất lượng ngày càng được cải thiện. Hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư. Một trong những nét nổi bật nhất là hệ thống công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng mới, mở rộng nâng cấp để khắc phục tình trạng khô hạn thiếu nước, với 80% diện tích chủ động nước tưới. Các công trình thủy lợi đem lại hiệu quả cao... Bên cạnh đó, chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực đạt kết quả bước đầu. Vùng đồng bào dân tộc ít người so với trước đã có sự chuyển biến rõ nét trên các lĩnh vực, nhất là vấn đề “điện, đường, trường, trạm” được phủ kín.
Khu đô thị mới thành phố Phan Thiết.
Khu du lịch Bàu Trắng - Bắc Bình.
3. Năm 2021, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều lĩnh vực của đời sống - xã hội. Song, các cấp, ngành trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh đạt một số kết quả khích lệ: Kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng; tốc độ tăng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) đạt 2,77%; có 12/17 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, bảo đảm thực hiện tốt mục tiêu “kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 6,14% so với năm 2020, các công trình, dự án điện được đẩy nhanh tiến độ thi công. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 21,8% so năm 2020; hoạt động thương mại, giá cả hàng hóa cơ bản ổn định, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của nhân dân, nhất là trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19. Thu ngân sách nhà nước vượt 35,4%, tăng 3,14% so với năm 2020; thu hút vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 40.195 tỷ đồng, tăng 8,6% so với năm 2020. Tỉnh rất quyết liệt chỉ đạo thực hiện các dự án đầu tư công nhiều năm chưa triển khai hoặc triển khai chậm tiến độ như kè Cà Ty, cầu Văn Thánh, đường ĐT 719, 719B… Các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện đầy đủ, kịp thời.
Tuy những sai sót, khuyết điểm của tỉnh là có, nhưng không thể phủ nhận sự phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội của Bình Thuận. Nhìn tổng thể thì niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước ngày càng được củng cố, khối đoàn kết toàn dân được tăng cường; dân chủ, kỷ cương được phát huy tốt hơn. Từ thực tiễn của tỉnh nhà, ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương, mô hình điển hình năng động, sáng tạo trên tất cả các lĩnh vực, góp phần thúc đẩy các mặt của tỉnh phát triển nhanh hơn trong thời gian tới theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra, để Bình Thuận vươn đến tầm cao mới!
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/binh-thuan-mai-nay-97084.html