Bình Thuận: Người trồng thanh long… 'ứa nước mắt' vì giá thấp
Tỉnh Bình Thuận được đánh giá là 'vựa' thanh long của cả nước nhưng người trồng ở đây đang 'ứa nước mắt' vì giá xuống quá thấp, có thời điểm thanh long chưa đến 1.000 đồng/kg nhưng không ai mua.
Án binh bất động
Theo phản ánh của báo Bình Thuận, thời điểm tháng 3/2022, các vùng trồng thanh long trên địa bàn dường như “án binh bất động”, nông dân chẳng màng quan tâm chăm sóc, để mặc cho trái treo lủng lẳng trong vườn, héo dần, rơi rụng. Từ 1.000 đồng/kg hồi đầu năm nay, sau đó khi tình hình cửa khẩu được thông quan, giá thanh long có nhích lên một chút, khiến nông dân mừng thầm. Song thị trường tiêu thụ thanh long bất ngờ quay đầu khiến nhiều hộ dân trồng cây “rồng xanh” này méo mặt.
Anh Hà Hùng – hộ dân trồng thanh long ở thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam cho biết: Phải mất nhiều lần năn nỉ, ỉ ôi các vựa thu mua họ mới vào, xem xong vườn thanh long, họ trả 2.500 đồng/3kg. Họ nể lắm mới vào mua vì có người quen biết với chủ vựa, còn không thì cứ… chờ! Tiếc đứt ruột nhưng biết làm sao! bán được đồng nào hay đồng ấy, để gỡ tiền phân, tiền điện, công chăm sóc…
Các hộ trồng thanh long lân cận vườn anh Hùng cũng đồng ý bán với giá trên thì chủ vựa không mua nữa với lý do hàng còn nhiều quá, cửa khẩu thông quan chậm, mua về để lâu trái nhanh hư. Nghe câu trả lời của thương lái, nhiều nông dân muốn rớt nước mắt.
Nhiều hộ dân chỉ giữ lại trái tươi để bán lẻ, còn trái chín quá đổ bỏ.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Liên ở thôn Phú Lập, xã Hàm Phú (huyện Hàm Thuận Bắc) chia sẻ, những năm qua, thu nhập của gia đình chủ yếu dựa vào sản xuất 700 trụ thanh Long. Hàng ngày, ngoài chăm sóc vườn thanh long, chị tranh thủ thời gian để làm thuê cho các vườn thanh long lân cận, góp phần tăng thêm thu nhập. Nhưng từ năm 2019 đến nay, giá thanh long không ổn định, nhiều nhà vườn phá bỏ thanh long để chuyển đổi cây trồng nên chị cũng mất đi nguồn thu từ công nhật làm thuê, chỉ tập trung chăm sóc vườn thanh lòng của gia đình. Vườn thanh long 700 trụ của chị Liên nằm cạnh kênh chính Sông Quao; có nguồn nước tưới chủ động, rất thuận lợi cho việc canh tác, chăm sóc thanh long trái vụ.
Bước vào vụ chong điện thanh long trái vụ năm 2021 – 2022, lường trước sự rủi ro do giá thanh long không ổn định, chị Liên đã chia vườn thanh long 700 trụ làm 2 đợt chong điện theo hình thức cuốn chiếu, với hy vọng nếu không trúng giá pha này, thì còn pha tiếp theo để cứu vớt. Cách làm này được nhiều nhà vườn áp dụng trong những năm qua cũng rất hiệu quả.
Đợt chong điện thứ nhất, thanh long cho thu hoạch theo đúng kế hoạch vào những ngày đầu tháng chạp năm Tân Sửu, nhưng đúng thời điểm này nhiều cửa khẩu xuất hàng qua thị trường Trung Quốc đóng cửa, giá thanh long giảm chỉ còn 1.000 – 3.000 đồng/kg. 350 trụ với gần 3 tấn thanh long, chị Liên chỉ thu được 2 triệu đồng, lỗ hơn 10 triệu đồng tiền đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tiền điện, chưa tính công làm. Pha chong điện thanh long thứ 2 với 350 trụ còn lại, vừa cho thu hoạch những ngày đầu tháng 3/2022 này cũng chỉ thu được 2 triệu đồng.
Cùng chung nghịch cảnh, gia đình ông Phan Ngọc Thuần (ngụ huyện Hàm Thuận Bắc) cho biết, từ giữa năm 2021 cho đến nay, gia đình ông đã làm 4 vụ thanh long nghịch vụ, nhưng đều thất bại vì giá liên tục hạ thấp.
"Tôi vừa xuất bán 5 tấn thanh long cho thương lái và chỉ thu về được hơn 2 triệu đồng. May là nhà tôi còn bán được, nhiều nhà vườn khác không bán được phải thuê người tới để dọn vườn. Sau lứa thanh long này chắc gia đình tôi phải tạm dừng sản xuất vì không còn vốn nữa", ông Thuần ngán ngẩm.
Với chi phí đầu tư khá lớn, người trồng thanh long tại Bình Thuận chỉ hòa vốn nếu bán được thanh long trái vụ với giá khoảng 10.000 đồng/kg. Trong khi đó giá bán thực tế hiện nay chỉ từ 500 - 1.500 đồng/kg thì người nông dân thua lỗ nặng.
Nhiều vườn thanh long ở tỉnh Bình Thuận không thu hoạch vì giá xuống quá thấp.
Đường bộ ách tắc, đường biển khan hiếm container
Theo Hiệp hội Thanh long tỉnh Bình Thuận, giá bán thanh long giám giá sâu là do hiện việc xuất khẩu thanh long bằng đường bộ ở cửa khẩu phía Bắc đang ách tắc. Trong khi đó, xuất khẩu bằng đường biển hiện không đi được nhiều do tình trạng khan hiếm vỏ container cũng như chi phí vận chuyển quá cao.
Hiệp hội Thanh long tỉnh Bình Thuận cũng thông tin, hiện tại thanh long của tỉnh đang tồn ở cửa khẩu và trong kho lạnh của các doanh nghiệp khoảng 30.000 tấn, cần được giải quyết. Cùng với đó, dự kiến sản lượng thu hoạch thanh long của tỉnh đến hết tháng 3-2022 khoảng 100.000 tấn. Do vậy, việc tìm đầu ra cho trái thanh long là điều cấp thiết.
Để tháo gỡ những khó khăn trên, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh thanh long tại tỉnh Bình Thuận đã đề nghị Hiệp hội Thanh long tỉnh Bình Thuận kiến nghị chính quyền các cấp có giải pháp hỗ trợ tiêu thụ thanh long của địa phương.
Trong đó, kiến nghị Bộ NN&PTNT cùng Bộ Công Thương, các đơn vị liên quan đàm phán với phía Trung Quốc sớm thông quan cửa khẩu để đẩy mạnh tiêu thụ thanh long tồn đọng hiện nay; kiến nghị lực lượng chức năng tại các cửa khẩu tại các địa phương phía Bắc tạo điều kiện tốt nhất để việc thông quan hàng hóa được thuận lợi;...
Còn Theo Sở Công Thương tỉnh Bình Thụan, thanh long được tiêu thụ bằng 2 hình thức: nội địa và xuất khẩu. 15% tiêu thụ nội địa và 85% xuất khẩu, trong xuất khẩu chỉ có từ 2 -3% là chính ngạch, còn lại được xuất bán qua hình thức biên mậu. Thông tin này, có thể người nông dân không nắm được, nhưng với cánh thương lái, chủ vựa họ “thuộc lòng”. Vì vậy hơn ai hết người nông dân hết sức lưu ý, thường xuyên cập nhật tình hình tiêu thụ của thị trường trái thanh long, để có kế hoạch sản xuất hợp lý, tránh tình trạng ứ đọng.